Đông Nam Á năm 2022: Điểm nhấn trong bức tranh đa sắc màu
Nếu ví tình hình thế giới năm 2022 như một bức tranh đa sắc màu thì khu vực Đông Nam Á chính là một điểm nhấn.
Cùng với nhiều khu vực khác, Đông Nam Á bước vào năm 2022 trong trạng thái bình thường mới khi đại dịch cơ bản được kiểm soát. Các quốc gia khu vực dần tái mở cửa, đời sống chính trị-xã hội vì thế cũng trở nên nhộn nhịp trở lại. Khi nhìn lại một năm đã qua của Đông Nam Á, trước tiên không thể bỏ lỡ hai cuộc bầu cử tại Philippines và Malaysia đã từng khiến giới phân tích và truyền thông tốn không ít giấy mực.
Trong khi cử tri "chọn mặt gửi vàng" để tân Tổng thống Philippines tìm kiếm điểm chung giữa những chia rẽ chính trị sâu sắc, đoàn kết đất nước vượt qua những thách thức phía trước, nhất là khi Manila lại là một địa bàn cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các cường quốc thì tại Malaysia, cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn mang theo hy vọng về một chính phủ cầm quyền mới và ổn định giữa lúc người dân đã phải chịu không ít ảnh hưởng từ việc lần đầu tiên trong lịch sử, chiếc ghế Thủ tướng nhiều lần phải đổi chủ chỉ trong vòng 4 năm do sự chia rẽ trong nội bộ các liên minh cầm quyền. Và khi kết quả bầu cử đã ngã ngũ, Philippines và Malaysia được kỳ vọng bước vào một giai đoạn mới để hồi phục, vươn lên trở lại sau đại dịch.
Công nhân tại một nhà máy xe hơi của Hãng Mitsubishi ở TP.Bekasi, Indonesia. ẢNH: REUTERS |
Sự chú ý của dư luận trong năm 2022 dành cho Đông Nam Á càng lớn hơn khi khu vực này trở thành nơi quy tụ cùng lúc nhiều nhà lãnh đạo thế giới, kể cả các cường quốc hàng đầu. Không quá lời và cũng chẳng phải ngẫu nhiên mà hầu như mọi con mắt đều hướng về Thái Lan trong vai trò chủ nhà Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) hay Indonesia trên cương vị Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20).
Phải thừa nhận rằng vài năm trở lại đây là giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử của APEC khi Hội nghị cấp cao (HNCC) APEC 2018 không ra được tuyên bố chung, HNCC APEC 2019 phải hoãn vào phút chót, tiếp đó dịch Covid-19 buộc các hoạt động của APEC chuyển sang hình thức trực tuyến.
Có thể nói trong bối cảnh thế giới và khu vực đối mặt với những thách thức chưa từng có, từ kinh tế khó khăn, xung đột và bất ổn chính trị gia tăng, cạnh tranh nước lớn phức tạp đến các vấn đề an ninh phi truyền thống ngày càng gay gắt, việc một HNCC APEC-sau mấy năm gián đoạn-diễn ra trực tiếp tại xứ chùa Vàng, ra được tuyên bố chung và lần đầu tiên có sự tham dự của một lãnh đạo châu Âu và Trung Đông đã phát đi thông điệp mạnh mẽ về hợp tác, đối thoại và chủ nghĩa đa phương.
Trong khi đó, giữa lúc nội bộ chia rẽ sâu sắc và bị phủ bóng bởi hàng loạt cuộc khủng hoảng như cuộc xung đột Nga-Ukraine, khủng hoảng năng lượng, lạm phát tăng vọt, việc Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại quốc gia vạn đảo nhất trí đưa ra một tuyên bố chung xoay quanh vấn đề tăng cường cấu trúc y tế toàn cầu, chuyển đổi kinh tế số và chuyển đổi năng lượng bền vững, chính là một kết quả bất ngờ, thậm chí có ý kiến còn đánh giá đây là một thành tựu.
Năm 2022 cũng đánh dấu chặng đường 55 năm hình thành và phát triển của ASEAN-một hình mẫu liên kết khu vực thành công, một trong những tổ chức khu vực quan trọng, có uy tín hàng đầu trên thế giới. Với xuất phát điểm chỉ là một nhóm các quốc gia Đông Nam Á vốn bị chia rẽ bởi chiến tranh, ASEAN giờ đây đã trở thành hạt nhân trong nhiều cơ chế, kiến trúc hợp tác khu vực ở châu Á-Thái Bình Dương, quy tụ được sự can dự của tất cả các nước lớn và các nước khác trong khu vực cũng như trên thế giới, của nhiều tổ chức khu vực và toàn cầu.
Trong năm nay, truyền thống đoàn kết của ASEAN tiếp tục được phát huy mạnh mẽ, nhất là trong các vấn đề liên quan đến hòa bình, an ninh, ổn định. Đặc biệt, trong vấn đề Myanmar, với việc thông qua quyết định về triển khai Đồng thuận 5 điểm, ASEAN thể hiện quyết tâm mạnh mẽ hơn trong hỗ trợ Myanmar-một thành viên của “mái nhà chung”-ổn định tình hình.
Cùng với đó, sự tham dự của những người đứng đầu nhà nước và chính phủ hầu hết các đối tác trong loạt HNCC tại Campuchia sau gần 3 năm gián đoạn do dịch bệnh, việc ASEAN thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ và Ấn Độ, đồng ý về nguyên tắc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược với Canada hay ghi nhận đề nghị nâng cấp quan hệ của Hàn Quốc và Nhật Bản, tất cả một lần nữa thể hiện sự quan tâm, coi trọng của các đối tác đối với vai trò trung tâm của ASEAN.
Cho dù riêng năm 2022 hay thậm chí là cả hành trình 55 năm qua có thể chỉ như “cái chớp mắt” của lịch sử, song đó lại là cả một chặng đường không trải hoa hồng nhưng lưu dấu nhiều mốc son của khu vực Đông Nam Á. Những trái ngọt gặt hái được chính là nền tảng vững chắc cho các quốc gia Đông Nam Á cùng nỗ lực xây dựng một Cộng đồng ASEAN đoàn kết, tự cường và vững mạnh.