Dự án chậm tiến độ và đội vốn - cách nào trị “bệnh” trầm kha?

Dự án mở đường: Chậm. Xây kè chống ngập dài 2,8km: Chậm. Bắc cầu qua sông: Chậm... Chậm tiến độ được ví là “căn bệnh trầm kha” mà phần lớn công trình trọng điểm của TP Cần Thơ triển khai gặp phải. Dự án nào cũng có mức đầu tư lên đến hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng. “Căn bệnh” về công trình, dự án chậm tiến độ, đội vốn nếu không được “kê đơn bốc thuốc” và “điều trị” dứt điểm thì thành phố trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long khó có thể tăng tốc.

Khởi công hoành tráng, ì ạch triển khai

 Ngày 30-12-2019, người dân vui mừng khi TP Cần Thơ khởi công xây dựng tuyến đường vành đai sân bay. Đây là tuyến huyết mạch nối sân bay Cần Thơ với Quốc lộ 91 đi các tỉnh miền Tây. Dự án có tổng mức đầu tư 137 tỷ đồng, trong đó 100 tỷ được Trung ương cấp ngân sách, dự kiến hoàn thành vào năm 2020. Tuy nhiên, sau 3 năm triển khai, đến nay công trình mới hoàn thành hơn 30% khối lượng.

Tháng 2-2023, UBND TP Cần Thơ có văn bản trình Chính phủ cho kéo dài thời gian bố trí ngân sách Trung ương sang năm 2023 để tiếp tục thực hiện dự án. Tuy nhiên, đến tháng 5-2023, tại công trường chỉ lèo tèo vài công nhân làm việc. “Sau thời gian dài phơi nắng, nhiều máy móc phục vụ thi công nằm chờ tại công trường, một số có dấu hiệu hư hỏng; các cấu kiện bê tông cốt thép để lắp đặt hệ thống thoát nước cho dự án bị gỉ sét, dây leo phủ đầy. Công nhân làm việc được 1-2 ngày rồi nghỉ đến mấy tháng. Đường không xong nên nhà tôi muốn sửa chữa gì cũng gặp khó”, ông Vũ Khắc Nguyên bức xúc.

  Bí thư Thành ủy Cần Thơ Lê Quang Mạnh kiểm tra tiến độ thi công cầu Tây Đô.

Mong chờ rồi hụt hẫng, thất vọng, đó cũng là tâm lý chung của nhiều người khi dự án được triển khai rồi kéo dài, ì ạch. Nhiều dự án kéo dài 5-10 năm, thậm chí 20 năm... khiến nhiều người dân ngao ngán. Dự án kè hai bên bờ sông Cần Thơ là một ví dụ. Trước đó 20 năm, thành phố bắt đầu triển khai các dự án kè hai bên bờ sông Cần Thơ, trong đó, đoạn kè đi qua khu vực Xóm Chài (phường Hương Phú, quận Cái Răng) được khởi công năm 2001 với vốn đầu tư 171 tỷ đồng. Dự án gồm tuyến kè dài 2,3km và các hạng mục như cầu tàu, đường thông sau kè, hệ thống chiếu sáng công cộng và công viên cây xanh. Dự án đặt mục tiêu hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2003. Tuy nhiên, đến nay công trình vẫn... chưa hoàn thành.

Dự án đường vành đai sân bay thi công ì ạch. 

Hay dự án xây dựng Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ do Sở Y tế TP làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư 1.727 tỷ đồng (gồm nguồn vốn vay ODA Chính phủ Hungary và nguồn vốn đối ứng của địa phương). Việc xây dựng mới Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ hiện đại và đồng bộ cả về cơ sở hạ tầng, nhân lực và trang thiết bị y tế nhằm đáp ứng nhu cầu khám, tầm soát và điều trị ung bướu của người dân TP Cần Thơ nói riêng và người dân Đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Dự án tổ chức lễ động thổ ngày 11-10-2017, hiệp định vay của dự án hết hạn vào ngày 11-7-2022. Tuy nhiên, đến nay vẫn... dở dang.

“Bắt mạch” để kê “đơn thuốc”

Trình bày nguyên nhân chậm tiến độ công trình, phần lớn chủ đầu tư cho biết vướng mắc lớn nhất vẫn là giải phóng mặt bằng (GPMB); việc chậm giải ngân do vướng mắc thủ tục, cơ chế cũng khiến việc thi công đình trệ, làm chậm tiến độ thực hiện...

Là đơn vị thi công dự án cầu Tây Đô (huyện Phong Điền), ông Nguyễn Hoàng Giang, Giám đốc Công ty Cổ phần Ðầu tư Xây lắp Trí Việt cho biết: “Các đơn vị hạ tầng kỹ thuật vẫn chưa cung cấp đủ hồ sơ pháp lý cho hội đồng bồi thường hỗ trợ tái định cư làm cơ sở xem xét pháp lý bồi thường theo quy định; cùng với đó, việc chậm điều chỉnh tổng mức đầu tư đã làm ảnh hưởng đến công tác GPMB và ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thi công, hoàn thành dự án đúng theo thời gian trong hợp đồng mà đơn vị thi công đã ký kết”.

Công nhân thi công trên công trình cầu Trần Hoàng Na. 

Cũng liên quan đến nguyên nhân chậm tiến độ thi công, trong lần tiếp xúc cử tri, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường cho biết: Đối với một số công trình lợi dụng nguyên nhân khách quan, các chủ đầu tư, chủ doanh nghiệp, chủ nhà thầu cố tình chây ì. Đấu thầu trúng thầu rồi nhưng tại thời điểm trúng thầu giá khác, kéo dài đến giờ giá khác, nhất là giá vật liệu xây dựng tăng, các nhà thầu kỳ kèo đợi kéo giá xuống, đề xuất điều chỉnh hợp đồng...

Riêng đối với dự án cầu Trần Hoàng Na và Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ, Chủ tịch UBND TP cho biết: “Nội bộ các nhà thầu tranh giành với nhau, nhà thầu chính ký kết nhà thầu phụ, nhà thầu phụ với nhà thầu phụ tranh giành các gói thầu. Dẫn đến thưa kiện, UBND giải quyết, kéo dài hết thời hạn vay vốn ODA. Còn dự án công trình Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ, dự án này gồm liên danh 5 nhà thầu. Đối với nhà thầu chính của Hungary, “sức khỏe” tài chính của doanh nghiệp yếu nên triển khai không bảo đảm, khiến hết thời gian của hiệp định vẫn chưa xong”.

Thực tế các nguyên nhân mà chủ đầu tư đưa ra hay theo cách lý giải của địa phương chỉ là phần nổi của vấn đề. Nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng công trình chậm tiến độ là do quá trình chuẩn bị đầu tư không kỹ lưỡng, thiếu bài bản; không lường trước được các vướng mắc phát sinh, thực hiện GPMB kiểu “xôi đỗ”, “nước đến chân mới nhảy” nên không thể thi công theo kế hoạch đề ra. Hệ quả tất yếu là phát sinh tranh chấp, lãng phí nguồn lực, đội vốn...

  Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường (người không đeo khẩu trang) kiểm tra tiến độ thi công dự án cầu Trần Hoàng Na.

Để đẩy nhanh tiến độ công trình, Thành ủy Cần Thơ đã phân công các đồng chí trong Ban Thường vụ Thành ủy làm tổ trưởng phụ trách theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc cho các công trình trọng điểm. Ðối với công trình giao thông quan trọng, yêu cầu chủ đầu tư phân công nhiệm vụ rõ người, rõ việc, rõ thời gian thực hiện; theo dõi, cập nhật tiến độ công trình hằng tuần, hằng tháng; xử lý nghiêm các cá nhân, đơn vị không hoàn thành nhiệm vụ, đồng thời thay thế kịp thời những cán bộ, chủ đầu tư yếu kém về năng lực, tiêu cực làm chậm tiến độ dự án.

Cùng với các động thái quyết liệt của lãnh đạo địa phương, “kê đơn” cho bệnh chậm tiến độ công trình, nhiều chuyên gia cho rằng, khâu chuẩn bị đầu tư dự án phải được tiến hành bài bản, kỹ lưỡng hơn, phải đánh giá cụ thể và toàn diện những vấn đề liên quan, lượng hóa được các tình huống, lường trước các rủi ro có thể xảy ra trong quá trình thực hiện để có giải pháp xử lý từ sớm... Cần có cơ chế để các chủ đầu tư, doanh nghiệp tự thương lượng giá đền bù với người dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại lẫn những vấn đề pháp lý liên quan. Trên hết là cần đưa ra những quy định cụ thể về quyền hạn, trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức, người được phân công tham gia công tác GPMB. Có cơ chế động viên, khen thưởng cụ thể khi hoàn thành nhiệm vụ cũng như có hình thức kỷ luật rõ ràng nếu để xảy ra tình trạng chây ì, “giậm chân tại chỗ”...

Tags: dự án