Gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động

Những năm qua, việc gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động của Hà Nội đã cho thấy hiệu quả rõ rệt. Chất lượng giáo dục nghề nghiệp, chất lượng lao động Thủ đô ngày càng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao cung cấp cho các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp ngành nghề công nghiệp chủ lực, doanh nghiệp công nghệ cao.

Nâng cao chất lượng đào tạo 

Mới đây, “Ngày hội gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động 2023” được Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hà Nội tổ chức. Đây là lần thứ 4 trong vòng 5 năm trở lại đây (2019-2023) công tác tổ chức “Ngày hội gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động” được tổ chức với quy mô lớn. Qua 3 lần tổ chức, ngày hội đã thu hút gần 25.000 học sinh, sinh viên, phụ huynh và người lao động trên địa bàn thành phố tham gia. Ngày hội đã tạo cơ hội gắn kết giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các doanh nghiệp trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, cập nhật kịp thời xu hướng phát triển của thị trường và nhu cầu tuyển dụng lao động, tiến tới việc liên kết đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, đồng thời nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của thành phố.

Phó giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hà Nội Hoàng Thành Thái cho biết, qua mỗi năm, số lượng học sinh đăng ký học nghề ngày càng tăng, đó là tín hiệu đáng mừng. Năm 2023, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hà Nội xây dựng kế hoạch tổ chức “Ngày hội gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động” sớm hơn mọi năm, để tư vấn nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên năm cuối ra trường có việc làm ngay. Đồng thời giúp doanh nghiệp tuyển dụng được người lao động theo đúng yêu cầu. 

Một bạn trẻ tìm hiểu ngành nghề tiếp viên hàng không. Ảnh: VĂN DƯƠNG

Với vị thế là trung tâm kinh tế-văn hóa-chính trị của cả nước, thị trường lao động Thủ đô luôn có nhu cầu cao với sự biến động mạnh mẽ. Theo số liệu của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, năm 2023 nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp khoảng 200.000 chỉ tiêu. Trong đó, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp nhóm ngành thương mại-dịch vụ chiếm khoảng 51%; nhóm ngành công nghiệp-xây dựng chiếm 49%. Trong 4 tháng đầu năm 2023, Trung tâm đã tổ chức 78 phiên giao dịch việc làm, thực hiện tư vấn về việc làm, học nghề, bảo hiểm thất nghiệp và chính sách pháp luật lao động cho gần 16.500 lượt người lao động với 2.318 lượt đơn vị, doanh nghiệp tham gia tuyển dụng, đã giải quyết việc làm cho hơn 64.000 lao động.

Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương chia sẻ: “Tình hình dịch Covid-19 kéo dài trong những năm vừa qua đã tác động nghiêm trọng đến đời sống dân sinh, lao động và việc làm. Đặc biệt là tình hình bất ổn về an ninh, lạm phát suy giảm kinh tế, giá nguyên nhiên vật liệu tăng cao ở nhiều lĩnh vực đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước và thành phố. Một số doanh nghiệp lĩnh vực sản xuất cũng giảm đơn hàng do thị trường xuất khẩu các nước gặp khó khăn. Các ngân hàng thắt chặt giải ngân, lãi suất tăng, do vậy trong 4 tháng đầu năm, nhiều doanh nghiệp sản xuất cầm chừng, dẫn đến việc cắt giảm nhân công, giảm việc làm mới trong các tháng đầu năm 2023”. 

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin 

Đến nay, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hà Nội đã tham mưu, tổ chức nhiều giải pháp theo chức năng thẩm quyền của ngành để hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Thành phố. Nhằm mục tiêu phát triển nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn đáp ứng ngay quá trình sản xuất, kinh doanh của đơn vị sử dụng lao động, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã chủ động tìm kiếm, kết nối, hợp tác với các doanh nghiệp trong việc tuyển sinh, đào tạo theo nhu cầu và giải quyết tốt việc làm. Thời gian qua, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hà Nội cũng triển khai đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giải quyết việc làm. Hoàn thiện mạng lưới thu thập, cung cấp thông tin thị trường lao động từ thành phố tới địa phương thông qua việc tổ chức đồng bộ hoạt động của hệ thống sàn giao dịch việc làm Hà Nội. Đẩy mạnh công tác dự báo thị trường lao động ngắn hạn và dài hạn về nguồn nhân lực, báo cáo xu hướng về tình trạng việc làm, xu hướng nghề nghiệp, các ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, các ngành nghề đang phát triển thu hút nguồn nhân lực trong thời gian tới.

Có thể nói, nhu cầu thị trường lớn, thu nhập tốt, đó là hai yếu tố hấp dẫn để nhiều bạn trẻ hiện nay thay đổi nhận thức về vai trò của học nghề. Do đó, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của xã hội, người dân, người lao động... về vai trò của hướng nghiệp và đào tạo nghề nghiệp. Mặt khác, để thu hút học viên, các cơ sở đào tạo nghề cũng cần hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời, phối hợp với các doanh nghiệp trong công tác tuyển sinh, tổ chức đào tạo, đào tạo lại để khắc phục tình trạng thiếu lao động chất lượng, góp phần phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tin liên quan
Nội dung đang được cập nhật.