Giải quyết các điểm nghẽn hạ tầng cho Hà Nội
TP Hà Nội đang tập trung hoàn thiện Quy hoạch Thủ đô, điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, phối hợp với Bộ Tư pháp xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi)…
Trong quá trình thực hiện, Hà Nội luôn lồng ghép, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của Thủ đô đối với quá trình phát triển Vùng đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) và cả nước.
Còn nhiều bất cập
Vùng ĐBSH là một trong 2 vùng động lực phát triển hàng đầu và là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của cả nước. Sau gần 17 năm thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX và Kết luận số 13-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSH, kinh tế - xã hội toàn vùng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, phát triển vùng vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là hệ thống đô thị phát triển chưa hợp lý, thiếu bền vững.
Theo Bộ GTVT, vùng ĐBSH hiện có đầy đủ 5 loại hình giao thông với 8 tuyến cao tốc, chiều dài 496km (chủ yếu là các các tuyến hướng tâm Thủ đô Hà Nội); 25 tuyến quốc lộ, chiều dài 2.066km; 6 tuyến đường sắt quốc gia; 37 tuyến đường thủy nội địa; 4 cảng biển, 3 cảng hàng không quốc tế. Dù hệ thống giao thông có sự phát triển mạnh song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Cụ thể, tính liên kết vùng, kết nối hạn chế giữa các tuyến hành lang kinh tế, vùng động lực và các cực tăng trưởng của vùng. Hoạt động kết nối đa phương thức vận tải chưa hiệu quả. Tình trạng quá tải, tắc nghẽn giao thông tại các đô thị lớn như Hà Nội chậm được giải quyết, nguy cơ ùn tắc giao thông tại các cửa ngõ Thủ đô. Tính đồng bộ giữa các loại hình vận tải chưa cao, hạ tầng đường sắt kém phát triển, chưa kết nối tốt với các công trình giao thông khác, đặc biệt là cảng biển. Hạ tầng đường thủy nội địa còn thiếu tính đồng bộ, chưa phát triển tương xứng với tiềm năng...
Còn theo đại diện Bộ Xây dựng, hệ thống hạ tầng đô thị của vùng ĐBSH hiện nay còn thiếu đồng bộ, chưa bảo đảm sự kết nối giữa đô thị và vùng, nhất là về hạ tầng khung, tình trạng ngập úng vẫn còn, đặc biệt tại các đô thị lớn. Hạ tầng cấp thoát nước còn nhiều bất cập, chưa có giải pháp hữu hiệu.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh cho rằng, mặc dù có tiềm năng lớn để phát triển đa ngành, đa lĩnh vực, tuy nhiên vùng ĐBSH đã và đang phải đối mặt với nhiều thách thức về môi trường, biến đổi khí hậu, nhất là ô nhiễm không khí và suy giảm chất lượng môi trường nước. Ô nhiễm nước mặt trong các đô thị, khu dân cư và vùng lân cận, hồ, sông, kênh, mương vẫn diễn biến phức tạp, chưa có nhiều cải thiện. Ô nhiễm bụi gia tăng cả về không gian và thời gian, mức phát thải khí nhà kính tăng cao; rác thải sinh hoạt phát sinh với khối lượng lớn nhưng chưa được phân loại, thu gom, xử lý hiệu quả…
Sớm phê duyệt quy hoạch vùng
Để sớm khắc phục được các tồn tại, thách thức cũng như đánh thức được các tiềm năng, lợi thế nhằm phát triển vùng một cách toàn diện, bền vững, xứng đáng với vị trí là trung tâm lan tỏa phát triển và kết nối liên vùng, các bộ, ngành, địa phương đều kiến nghị khẩn trương hoàn thành việc lập, thẩm định, phê duyệt Quy hoạch vùng ĐBSH thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ tại Quyết định số 492/QĐ-TTg ngày 19/4/2022.
Theo đó, đồ án Quy hoạch được xây dựng với tư duy chiến lược, tầm nhìn dài hạn, bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả và bền vững trong vùng. Đây vừa là cơ sở khoa học, vừa là cơ sở pháp lý để các tỉnh, TP trong vùng hoàn thiện định hướng phát triển quy hoạch tỉnh đang được tổ chức nghiên cứu lập, nâng cao chất lượng quy hoạch và phát triển đô thị theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, phát triển đô thị xanh, thông minh. Nhất là đối với Hà Nội, nếu không thực hiện các liên kết theo quy hoạch vùng thì rất nhiều điểm nghẽn về hạ tầng, về không gian phát triển sẽ không thể giải quyết được.
Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, hiện nay, quy hoạch vùng đang được hoàn thiện và đề nghị các bộ, ngành, địa phương tích cực tham gia ý kiến. Để bảo đảm quy hoạch kịp tiến độ hoàn thành trong năm 2023, các bộ, ngành, địa phương cần coi đây là nhiệm vụ có ý nghĩa và quan trọng. Khi đồ án quy hoạch được hoàn thành là cơ hội để sắp xếp lại không gian phát triển, định hướng các ngành, phân bổ nguồn lực trong giai đoạn tới.
Tại hội nghị lần thứ nhất Hội đồng điều phối Vùng ĐBSH vừa được tổ chức mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng cũng đã yêu cầu đẩy mạnh công tác quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh, để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trong quý III/2023, riêng Hà Nội trong quý IV/2023.
Góp ý để hoàn thiện quy hoạch, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, Quy hoạch vùng ĐBSH cần chú trọng làm rõ đặc thù của từng tỉnh trong vùng để mỗi tỉnh phát triển lợi thế của mình. Trong đó, Hà Nội cần được xác định là trọng tâm, động lực phát triển của vùng. Quan tâm phát triển kinh tế biển tại các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình. Với Hà Nội, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc… cần chú trọng phát triển dịch vụ chất lượng cao và công nghiệp gắn với khoa học kỹ thuật.
Bên cạnh đó, quy hoạch phải chú trọng phát triển kinh tế có tính liên vùng, đẩy nhanh tiến độ đô thị hóa, chú trọng phát triển trục sông Hồng và các dòng sông trong vùng. Ngoài ra, quy hoạch cần tiếp tục xác định các vị trí thuận lợi trong vùng, tạo điều kiện cho Hà Nội di dời các trường học, bệnh viện… ra khỏi khu vực trung tâm.
Còn theo GS.TS Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Luật Quy hoạch (năm 2017) đã xác định quy hoạch vùng là một cấp quy hoạch rất quan trọng đối với phát triển vùng và mỗi địa phương trong vùng. Quy hoạch vùng cần phải tạo ra sự kết nối để những nguồn lực nhỏ bé của mỗi tỉnh được kết hợp lại thành nguồn lực mạnh cho phát triển.
“Nếu chúng ta cứ để mỗi xã một sản phẩm thì dù Vùng ĐBSH có rất nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao nhưng cũng chỉ dừng lại là sản phẩm của các xã. Tuy nhiên, nếu kết hợp được các sản phẩm với nhau, tạo ra quy mô lớn có khả năng thu hút các nhà đầu tư, áp dụng công nghệ hiện đại, tiếp cận được thị trường quốc tế thì những sản phẩm đó sẽ trở thành sản phẩm có tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế” - GS.TS Hoàng Văn Cường nêu ví dụ.
Trong 11 tỉnh, TP nằm trong ĐBSH, Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên và cũng là duy nhất đến thời điểm này được phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thời gian còn lại từ nay đết hết năm 2023 rất ngắn nên các bộ, ngành, địa phương cần nhanh chóng rà soát, hoàn thiện việc lập, thẩm định và trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch vùng, quy hoạch các địa phương. Ngoài tiến độ về thời gian thì yêu cầu quan trọng nhất là bảo đảm sự thống nhất giữa các cấp quy hoạch, tránh sự chồng chéo, mâu thuẫn và không thống nhất.
Phó Trưởng ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Hồng Sơn