Giáo dục STEAM giúp trẻ em học và sống với thế giới thực

Thế giới đang trải qua những thay đổi lớn, đòi hỏi con người cần có những kỹ năng mới để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Thông qua hoạt động giáo dục STEAM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, nghệ thuật và toán học), trẻ em không chỉ phát triển các kỹ năng và kiến thức cần thiết cho thế kỷ 21 mà còn được gắn kết với thế giới thực. Tuy nhiên, để người học ở mọi lứa tuổi, giới tính và mọi vùng miền được tiếp cận với hoạt động giáo dục này còn là cả một hành trình dài.

Trẻ cần tiếp cận STEAM sớm và bình đẳng

Hình ảnh đẹp và nổi bật của STEAMese Festival 2023 vừa tổ chức tại Trường Đại học Phenikaa (Hà Nội) là cô giáo Vàng Thị Dính đến từ Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS và THPT huyện Đồng Văn (Hà Giang). Cô đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách như thiếu thốn cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, giáo viên chưa được đào tạo bài bản, nhận thức của học sinh về học tập và những định kiến về giới... để tiếp cận giáo dục STEM/STEAM.

      Thi đấu giao hữu VEX IQ robotics tại Ngày hội STEAMese 2023. 

Chỉ sau một buổi học online hồi cuối tháng 4-2023, cô giáo dạy Toán vùng cao Vàng Thị Dính đã tự xóa mù lập trình và cùng các thầy cô trong trường đoạt giải ba cuộc thi giáo viên giỏi robotics của 30 trường THPT tỉnh Hà Giang.

Mới đây, học trò của cô Vàng Thị Dính đã cho thấy nữ sinh vùng cao cũng bước đầu làm chủ được cả robot VEX IQ của Mỹ với 1.600 chi tiết máy khi cùng đồng đội đoạt giải Nhì ở Trại hè GART robotics tổ chức tại Trung tâm Hoa Kỳ tại Hà Nội (trực thuộc Đại sứ quán Hoa Kỳ). Hành trình thắp sáng ngọn lửa STEM/STEAM và robotics ở huyện Đồng Văn của cô Vàng Thị Dính là một minh chứng cho thấy, với nỗ lực và quyết tâm, không gì là không thể.

Khẳng định tầm quan trọng của giáo dục STEAM sớm, bình đẳng cho trẻ em và thanh, thiếu niên, đặc biệt là trẻ em nữ-bắt đầu từ cấp mầm non, bà Tống Liên Anh, chuyên gia giáo dục Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, học tập không chỉ bắt đầu từ các cấp bậc học mà từ những mối quan hệ trao đổi trực tiếp với thế giới xung quanh khi đứa trẻ được sinh ra. “Ngay từ bé, các trẻ em gái đã bị cài đặt niềm tin giới hạn vào năng lực trong việc tiếp cận STEAM và khi lớn lên, học sinh nữ được hướng vào những ngành nghề mang tính “mềm mại”, “nữ tính” hơn. Điều đó ảnh hưởng đến việc lựa chọn, phát triển nghề nghiệp của nữ giới trong tương lai”.

“Giáo dục STEM/STEAM và giảng dạy sự sáng tạo nên là cơ hội bao trùm, không giới hạn về giới, độ tuổi, năng lực, hoàn cảnh, vùng miền cho mọi trẻ em. Bình đẳng trong giáo dục là bình đẳng về cơ hội tiếp cận cũng như sự khuyến khích và trao quyền cho trẻ”, cô giáo Đặng Thị Thu Hà, giáo viên triển khai giáo dục STEM vào giờ học chính thức từ năm 2012, phụ trách Câu lạc bộ STEAMS, Girl Up, Trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam (Hà Nội) chia sẻ.

Với mong muốn nuôi dưỡng tài năng của các em từ sớm, PGS, TS Nguyễn Phú Khánh, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa cho biết: "Trường đã có rất nhiều hoạt động, tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên được trải nghiệm giáo dục STEAM. Hơn 70% tính cách của các em học sinh sau khi ra trường làm việc được định hình từ rất nhỏ. Giáo dục không chỉ là nguồn nước chảy êm đềm mà còn là làn gió thổi bùng ngọn lửa đam mê, giúp các em khám phá tiềm năng của mình”.

Cùng nhau hành động

Trong những năm gần đây, giáo dục STEAM ở Việt Nam đã có những bước phát triển đáng kể. Đã có nhiều chính sách và chương trình hỗ trợ giáo dục STEAM được ban hành như: Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tích hợp các nội dung STEAM vào các môn học khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học.

Chương trình STEM quốc gia, Chương trình STEM Day được tổ chức thường niên... nhằm thúc đẩy sự quan tâm của xã hội đến giáo dục STEM. Ngoài ra, còn có nhiều tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân đang hoạt động tích cực trong lĩnh vực giáo dục STEAM ở Việt Nam.

Với hành trình cống hiến cho lĩnh vực giảng dạy STEM từ năm 2017, Giải thưởng “Tỏa sáng sức mạnh tri thức” năm 2023 của cô giáo Đào Thị Hồng Quyên (Trưởng bộ môn Khoa học, phụ trách Xưởng sáng tạo xanh và Nhà giáo dục xanh, Trường liên cấp Genesis, Hà Nội) được dùng để triển khai Dự án “Giáo dục STEM cho trẻ dễ bị tổn thương” tại Việt Nam, cùng sự phối hợp của Liên minh STEM.

Đây là một cơ hội tốt cho việc góp phần triển khai các chỉ đạo của Bộ Giáo dục-Đào tạo trong việc tăng cường giáo dục STEM trong các nhà trường phổ thông ở Việt Nam đối với các đối tượng trẻ em gái, trẻ em dân tộc thiểu số, đặc biệt là trẻ em khuyết tật tại nhiều địa phương. 

Để phát triển giáo dục STEAM ở Việt Nam, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước, các tổ chức giáo dục và doanh nghiệp. Trong đó, đầu tư cho đội ngũ nhân lực STEAM đóng vai trò cốt yếu.

Thông qua những buổi gặp gỡ với các bạn trẻ Việt Nam, Tùy viên Văn hóa Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội, bà Kate Bartlett cho rằng, STEAM là cơ hội để mở ra cánh cửa, nắm bắt cơ hội bước vào tương lai. Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam sẽ đồng hành với những nỗ lực của Việt Nam, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại học và đào tạo lực lượng lao động thế kỷ 21 sẵn sàng hội nhập toàn cầu.

Bà Nguyễn Phương Thủy, Đồng sáng lập Quỹ STEAM cho Việt Nam cho hay: “Giáo dục STEAM chất lượng, công bằng và bình đẳng cho tất cả trẻ em, đặc biệt là trẻ em nữ, vô cùng quan trọng. Chúng tôi tin rằng, nền tảng vững chắc của giáo dục STEAM sẽ đóng vai trò quan trọng trong sự thành công của thế hệ tiếp theo của Việt Nam trên thị trường toàn cầu”.

Tin liên quan
Nội dung đang được cập nhật.