Giữ gìn hồn cốt văn hóa Việt Nam
Nhạc cụ dân tộc cũng là một phần trong tinh thần dân tộc. Trong công cuộc thể hiện tinh thần dân tộc, nhạc khí dân tộc làm nhiệm vụ gắn kết con người. Bản thân nó là sự đồng sáng tạo, đồng hiện của cả một cộng đồng và là cầu nối văn hóa đặc biệt giữa dân tộc Việt Nam với bạn bè năm châu bốn biển.
Sức hấp dẫn của nhạc cụ dân tộc Việt Nam
Năm 2008, tôi được cử đi học thạc sĩ chuyên ngành sáng tác và nghiên cứu âm nhạc tại Học viện Nghệ thuật Quảng Tây (Trung Quốc). Tại đây có rất nhiều nghệ sĩ, nhạc sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc của các nước tham gia học tập và giảng dạy. Trong quá trình học tập, chúng tôi có các buổi giao lưu và biểu diễn. Buổi giao lưu đầu tiên, khi được giới thiệu đến từ Việt Nam, tôi mang cây đàn t’rưng lên sân khấu và thể hiện tác phẩm “Cao nguyên mở hội”. Đây là cây đàn được cha tôi-Giáo sư Bá Phổ cải tiến, chế tác từ cây đàn t’rưng dân gian của Tây Nguyên-một trong những loại nhạc cụ được tôi mang sang nước bạn trong suốt thời gian học tập. Sau khi thể hiện xong bản nhạc, cả hội trường đứng lên vỗ tay tán thưởng.
Ngay sau buổi diễn, một số bạn đến từ châu Âu nhờ tôi dạy cách chơi đàn t’rưng; có bạn hỏi về xuất xứ cây đàn, không gian văn hóa chơi loại đàn đó... Tôi trả lời các bạn rằng, t’rưng là loại nhạc cụ dân tộc đặc trưng của vùng Tây Nguyên. Và ở Việt Nam, đàn t’rưng là loại nhạc cụ không thể thiếu trong tất cả đoàn nghệ thuật lớn-nhỏ, các ban nhạc chơi nhạc dân tộc của Việt Nam.
Nhạc cụ dân tộc được các bạn trẻ đam mê biểu diễn. Ảnh: THÙY DƯƠNG |
Sau buổi chơi đàn t’rưng, các bạn Trung Quốc đề nghị tôi giảng dạy cách chơi đàn và sáng tác, biên soạn một số tác phẩm âm nhạc của nước bạn để có thể diễn tấu trên cây đàn t’rưng. Tôi đã đáp ứng lời đề nghị của các bạn. Do đó hiện nay, có nhiều nhóm nhạc ở nước bạn đã xuất hiện cây đàn t’rưng của Việt Nam chơi trong dàn nhạc.
Kể lại điều này để nói lên rằng, các nhạc cụ truyền thống của chúng ta luôn được bạn bè, công chúng và giới chuyên môn quốc tế đánh giá rất cao. Bởi các loại nhạc cụ truyền thống của Việt Nam đều tạo ra những tiêu chí đầy đủ trong việc biểu diễn như: Hay, giỏi, đẹp, lạ. Nhạc cụ truyền thống Việt Nam chính là nét riêng văn hóa của các dân tộc trong cộng đồng 54 dân tộc anh em. Mỗi dân tộc lại có những loại nhạc cụ độc đáo trải dài từ Bắc chí Nam, ở mỗi vùng, miền; có những loại nhạc cụ cùng tên gọi nhưng cách chơi lại khác nhau. Chẳng hạn như cây sáo trúc, có nơi thổi thông thường bằng miệng, nhưng có nơi người tài năng lại thổi bằng mũi... Mỗi một kiểu chơi đưa đến những thanh âm, giai điệu độc đáo khác nhau, tạo nên nhiều màu sắc cho nhạc cụ.
Cổ học có câu: Âm nhạc là âm thanh, thanh phát ra từ bên ngoài nhưng âm thì định tự trong lòng. Âm nhạc mà không trong sáng, vua quan mà thích thì nước suy, dân gian mà thích thì tôi loạn. Âm nhạc mà trong sáng, lành mạnh rõ nét thì nước thịnh, dân giàu. Qua đó chúng ta thấy rằng, bảo vệ, phát triển văn hóa nhạc cụ truyền thống là việc làm vô cùng quan trọng và cần thiết.
Lan tỏa sức sống hồn dân tộc
Qua rất nhiều giai đoạn thăng trầm, cho tới ngày nay, việc phát triển văn hóa nói chung và nhạc cụ truyền thống nói riêng cũng đã có những thành tựu, chỗ đứng nhất định. Bằng chứng là định kỳ khoảng 2 đến 3 năm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lại tổ chức liên hoan ca múa nhạc toàn quốc hội tụ hầu hết đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp thi tài, trong đó rất nhiều đoàn chọn chơi nhạc cụ dân tộc, tác phẩm sáng tác cho nhạc cụ dân tộc. Đặc biệt, những người chơi nhạc cụ dân tộc có riêng một “sân chơi”, đó là cuộc thi độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc tổ chức năm 2020 và mới đây là tháng 6-2023, thu hút hàng nghìn nhạc công đến từ gần 40 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp trong cả nước thi tài.
Nghệ sĩ chơi, sáng tác tác phẩm cho nhạc cụ dân tộc vì thế càng trở nên nhiệt huyết cống hiến. Nhiều người trong số họ không chỉ chơi nhạc cụ dân tộc mà còn sáng tác những tác phẩm cho dàn nhạc hoặc nhạc cụ dân tộc độc tấu. Mang sứ mệnh lan tỏa vẻ đẹp, giá trị âm nhạc dân gian, nhạc cụ truyền thống, một số nghệ sĩ, nhạc sĩ đã thành công trong việc sáng tác những tác phẩm mới cho nhạc cụ dân tộc, góp thêm vào kho tàng tác phẩm âm nhạc truyền thống phong phú của đất nước. Một số lại sáng tác hoặc hòa âm phối khí những giai điệu, tác phẩm mới cho các ca sĩ trẻ theo dòng đương đại để lan tỏa hơn sức sống của âm nhạc truyền thống tới thế hệ trẻ, mang đến màu sắc mới cho nhạc cụ và âm nhạc truyền thống nói chung.
Đặc biệt, trong các kỳ cuộc đối ngoại quốc tế, giao lưu văn hóa trong và ngoài nước, khi những giai điệu, âm thanh từ các nhạc cụ dân tộc vang lên qua tài năng biểu diễn của các nghệ sĩ đã để lại dấu ấn sâu đậm đối với khán giả. Thậm chí có những cuộc thi quốc tế mang đậm nét đặc trưng quân sự như Hội thao Quân sự quốc tế (Army Games) nhưng vẫn có nội dung thi biểu diễn nhạc cụ dân tộc. Ở cuộc thi này, Đội quân văn hóa Quân đội nhân dân Việt Nam nhiều năm liền đoạt các giải thưởng cao ở hạng mục thi nhạc cụ dân tộc với những gương mặt nghệ sĩ tài năng như: Hoàng Công Cương, Vân Mai...
Tuy nhiên, trong công cuộc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa nói chung, dễ nhìn thấy nhạc cụ truyền thống đang đứng trước nguy cơ bị mai một do rất ít người còn biết đến cách chế tác, sử dụng các nhạc cụ này. Những người nắm giữ bí quyết chế tác các loại nhạc cụ đã hiếm, mà tuổi tác, sức khỏe lại ngày càng già yếu. Việc đào tạo các nghệ sĩ, nghệ nhân yêu thích, biết trình diễn nhạc cụ dân tộc còn hạn chế, chưa bài bản, chưa được cơ quan quản lý chú trọng đầu tư. Nhiều nghệ nhân cao tuổi luôn đau đáu với việc truyền dạy lại những vốn quý của dân tộc cho thế hệ trẻ kế cận.
Để tiếp tục phát huy giá trị, vẻ đẹp và tính khoa học của nhạc cụ dân tộc, thiết nghĩ các đơn vị đào tạo, đơn vị nghệ thuật cần tiếp tục sưu tầm, nghiên cứu bảo tồn và phát triển, cải tiến các loại nhạc cụ dân tộc một cách có hiệu quả hơn nữa. Chỉ cần một chút sự quan tâm thì cũng đã góp một phần trong công cuộc giữ vững các giá trị dân tộc. Hy vọng, với những nỗ lực bảo tồn nhạc cụ truyền thống như vậy, hồn văn hóa Việt sẽ trường tồn và mãi mãi được tôn vinh.
Nhạc sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc VŨ BÁ NHA