Hà Nội: “Cấy gen 3Q” cho chuyển đổi số, chuyển đổi xanh

Thời gian qua, mặc dù TP Hà Nội đã đạt được những kết quả tích cực. Nhưng theo các chuyên gia, chuyển đổi số là một lĩnh vực 'vừa mới, vừa khó', trong khi Hà Nội có quy mô diện tích, dân số lớn.

Hà Nội đang nỗ lực xây dựng TP thông minh theo hướng chuyển đổi số.  

Điểm nhấn trong bức tranh chuyển đổi số

Một trong những điểm nhấn cần phải nhắc ngay đó là việc TP Hà Nội đã triển khai hàng nghìn Tổ công nghệ số cộng đồng, hướng dẫn kỹ năng số cần thiết cho người dân, DN và hộ gia đình để có thể chủ động, tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.

Hiện nay trong lĩnh vực Giao thông - Vận tải, Hà Nội đã đưa vào giám sát hoạt động của hệ thống xe buýt trên địa bàn TP bằng thiết bị GPS. Ứng dụng công nghệ RFID trong quản lý, điều hành, thông tin hành khách bằng hệ thống âm thanh và bảng LED trên xe và một số nhà chờ. Ứng dụng tìm xe buýt cho hành khách, hệ thống mua vé online.

Bên cạnh đó, vận hành phần mềm Quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông (RBMS) và phản ánh sự cố, hư hỏng mất an toàn giao thông (GT247) vào phục vụ công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn TP.

Còn trong lĩnh vực Nông nghiệp, đã triển khai Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản thực phẩm Hà Nội (check.hanoi.gov.vn), ứng dụng mã QR truy xuất nguồn gốc sản phẩm OCOP bằng các thiết bị di động thông minh, đảm bảo an toàn đối với nông, lâm, thủy sản, thực phẩm tại các cửa hàng kinh doanh trên địa bàn TP Hà Nội. Đồng thời triển khai xây dựng kho dữ liệu dùng chung ngành nông nghiệp.

Về lĩnh vực Tài chính, triển khai xây dựng phần mềm tổng hợp, theo dõi quyết toán dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Những lĩnh vực khác như: Y tế, Du lịch - Văn hóa thể thao, Tài nguyên và Môi trường, Quy hoạch - Kiến trúc, xây dựng… cũng ghi nhận nhiều bước chuyển mới về chuyển đổi số.

Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực, nhưng theo các chuyên gia, chuyển đổi số là một lĩnh vực vừa mới, vừa khó. Trong khi đó, Hà Nội có quy mô diện tích, dân số lớn. Cho nên việc xây dựng TP thông minh theo hướng chuyển đổi số là việc vô cùng khó khăn.

TS Nguyễn Nhật Quang, Phó Chủ tịch VINASA, Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ VINASA cũng chỉ ra một số rào cản, khó khăn cần tháo gỡ. Đó là một số khái niệm, chủ trương của các chính sách, nhiệm vụ về chính quyền số, kinh tế số, xã hội số mới được ban hành còn chưa thống nhất, chưa có văn bản quy phạm quy định về chuyển đổi số.

Bên cạnh đó, việc cản trở lớn nhất hiện nay là cần có một cơ chế đầu tư hiệu quả, an toàn để các đơn vị có thể mạnh dạn triển khai các đề án, dự án cụ thể. Nếu nhận thức đúng và khơi thông được các điểm nghẽn này Hà Nội sẽ vươn lên rất nhanh, ngược lại, nếu không thay đổi thì các mục tiêu cụ thể cho năm 2025 sẽ là khó đạt được.

Đại diện DN, ông Hoàng Công Đoàn / Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cho rằng: Các DN Hà Nội đang gặp một loạt thách thức khiến quá trình chuyển đối số gặp khó khăn. Trong đó, thách thức lớn nhất là vấn đề tài chính và nguồn nhân lực.

Việc cần làm ngay là “cấy gen 3Q”

TS Đặng Đức Mai cho rằng, để đạt các mục tiêu năm 2025, Hà Nội cần tập trung nguồn lực để đẩy nhanh các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đã đề ra. Bên cạnh đó, cần xác lập một cơ chế giám sát chặt chẽ để việc triển khai các nhiệm vụ đảm bảo đúng tiến độ. Trong đó, năm 2023 là năm cơ bản chạy đà, khởi động các dự án, nhiệm vụ chưa được khởi công, đảm bảo các dự án chạy và hoàn thành cán đích thành công vào năm 2025.

Trong Chương trình chuyển đổi số TP Hà Nội, UBND TP cũng đề ra các mục tiêu cụ thể cần đạt được trong giai đoạn đến năm 2025 và đến năm 2030. Theo đó, đến năm 2025, Hà Nội đứng đầu trong nhóm dẫn đầu khu vực ASEAN về Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo. Về phát triển chính quyền số là 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến mức độ 4. Có thể thực hiện trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 90% hồ sơ công việc tại cấp TP, 80% hồ sơ cấp huyện và 60% hồ sơ cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật Nhà nước).

100% cơ sở dữ liệu chuyên ngành được kết nối, chia sẻ với các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, đăng ký DN, tài chính, bảo hiểm; từng bước mở dữ liệu của các cơ quan Nhà nước TP để cung cấp dịch vụ công kịp thời, một lần khai báo, trọn vòng đời phục vụ người dân và phát triển kinh tế xã hội; tối thiểu 50% dịch vụ công mới của cơ quan Nhà nước có sự tham gia cung cấp của DN hoặc tổ chức ngoài Nhà nước…

Đối với phát triển kinh tế số, đến năm 2025 mục tiêu tỷ trọng kinh tế số trong GRDP đạt khoảng 30%, tốc độ tăng năng suất lao động từ 7 - 7,5%, hoàn thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Hà Nội. Để vận hành toàn bộ các dịch vụ công của TP và các ứng dụng khác thuộc trụ cột kinh tế số và xã hội số Hà Nội cần xây dựng hạ tầng kỹ thuật số, có mạng Hà Nội CLOUD (cloud riêng cho Hà Nội) để vận hành.

Đối với nhiệm vụ xây dựng kinh tế số, xã hội số, tạo điều kiện khuyến khích các DN hoạt động hoàn toàn trên nền tảng số, tạo ra các sản phẩm số ứng dụng thành công. Khuyến khích, thu hút các DN công nghệ lớn và các nhà đầu tư khác tham gia đưa ra các giải pháp công nghệ thông minh, bao gồm cả trí tuệ nhân tạo và phân tích dữ liệu để giúp giải quyết các vấn đề thực tiễn của TP.

TS Nguyễn Nhật Quang nhận xét, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số là tiến trình liên tục, không có điểm dừng. Điều quan trọng hơn là tiến trình xanh hóa, thông minh hóa, hiện đại hóa phải tiết kiệm và bền vững. Thực tế chuyển đổi số chỉ phát huy tối đa hiệu quả khi nó được kết hợp với các giải pháp công trình và các giải pháp quản lý phù hợp.

Việc cần làm ngay là “cấy gen 3Q” vào các đô thị, gồm: quy hoạch - tức là thông minh hóa cái cũ và thông minh từ đầu cái mới; quy chế phải thuận lợi nhằm khuyến khích mọi thành phần xã hội cùng chung tay vào cuộc; quy chuẩn - tức là phải có chuẩn kết nối, liên thông, từ hạ tầng cơ bản đến hạ tầng số...

Lượt xem: 6
Nguồn:kinhtedothi.vn Sao chép liên kết