Hành xử hung hăng, xa lạ văn hóa Việt
Những ngày qua, khi lực lượng chức năng ra quân xử lý mạnh tình trạng người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn, đã có nhiều vụ việc người vi phạm có hành vi chống đối lực lượng chức năng.
Không chỉ là những lời lăng mạ, nhiều người vi phạm còn sẵn sàng “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”, thậm chí lao thẳng phương tiện vào lực lượng thực thi pháp luật. Cũng theo thống kê của cơ quan chức năng, nhóm người vi phạm có hành vi hung hăng này có mọi thành phần, từ những đối tượng bất hảo đến cả một số công chức làm việc trong cơ quan công quyền.
Khi lực lượng chức năng xử lý mạnh tình trạng người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn, có nhiều vụ việc chống đối lực lượng chức năng. Ảnh minh họa: TTXVN |
Trên đường phố, tình trạng chửi tục, đánh nhau khi xảy ra va chạm giao thông khá phổ biến. Có khi chỉ là những va chạm, xích mích nhỏ nhưng do sự cố chấp, ăn thua đã dẫn đến cãi vã, hành động côn đồ. Kiểu văn hóa đi đường “điền vào chỗ trống”, “mạnh ai nấy tiến”, không có sự nhường nhịn đang gây ra cái nhìn rất xấu xí về tính cách người Việt trong mắt nhiều người.
Lẽ tất nhiên, cách hành xử hung hăng trên đường là không thể chấp nhận, trong nhiều vụ việc, điều này là vi phạm pháp luật. Người ta hơn nhau không phải là sự ăn thua bằng nắm đấm mà chính là khả năng kiểm soát cảm xúc, làm chủ bản thân và quan trọng nhất là sự tử tế. Cha ông ta có câu: “Chưa đánh được người thì mặt đỏ như vang. Đánh được người thì mặt vàng như nghệ”. Đằng sau cách hành xử hung hăng, côn đồ ấy là những hậu quả khôn lường, thậm chí bị xử lý hình sự. Lúc ấy, mọi ân hận đều đã muộn.
Một số chuyên gia tâm lý cho rằng, dường như nhiều người trong chúng ta đang ngày càng dễ nổi nóng, hung hăng. Có nhiều cách để lý giải cho một hiện tượng xã hội rất đáng suy nghĩ này.
Nhiều người trẻ có thể bị ảnh hưởng bởi tình trạng bạo lực trong xã hội do phim ảnh ngoại lai xâm nhập; do những trò chơi gây nghiện, gây ảo giác như game, các chất kích thích như ma túy; do lối sống quá thực dụng trong kinh tế thị trường; do những căng thẳng, tình trạng stress bởi môi trường công việc gây ra... Nhưng tất cả đều thống nhất một điều, cách hành xử hung hăng này không phải là bản tính của người Việt và cũng xa lạ với văn hóa của người Việt.
Cũng phải thấy rằng, trong nhịp sống hối hả, nhiều gia đình chưa giáo dục con em tới nơi tới chốn, cha mẹ chưa làm gương sáng cho con. Có những người từ bé đã không được dạy dỗ về cách đối nhân xử thế tử tế, về sự nhường nhịn, trên kính dưới nhường. Điều này rất nguy hại, bởi nó tạo ra những cá nhân ích kỷ, không quan tâm đến cộng đồng xã hội nên đương nhiên, họ ít có tình yêu thương con người. Khi đó, những hành xử của họ thường không vì người khác.
Người Việt ta từ xa xưa vẫn được giáo dục và lớn lên trong một môi trường văn hóa cảm thông và sẻ chia, yêu thương và nhường nhịn. Sự hướng thiện trở thành tiềm thức. Nhưng trong một xã hội đang có sự biến đổi nhanh chóng, sự tác động nhiều chiều về mọi mặt thì rất cần phải thượng tôn pháp luật. Sự song hành biện chứng giữa truyền thống giáo dục và thượng tôn pháp luật là cơ sở nền tảng xây dựng nên văn hóa ứng xử tốt đẹp, có tình và lý, có cảm thông, sẻ chia và nghiêm minh, công bằng.