Học sinh trở lại trường học: An toàn là trên hết
Hầu hết các tỉnh, thành phố đã có kế hoạch đưa học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 đi học trực tiếp bắt đầu từ ngày 7/2 sau thời gian dài tạm dừng do dịch Covid-19.
Hầu hết các tỉnh, thành phố cho học sinh trở lại trường sau Tết
Hiện nay, tình hình dịch Covid-19 có diễn biến theo chiều hướng tích cực, theo đó 100% cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng trên cả nước cũng đã có kế hoạch cho sinh viên trở lại trường học trực tiếp trong tháng 2/2022.
63/63 tỉnh, thành phố đã lên kế hoạch đưa học sinh THCS, THPT đi học trực tiếp bắt đầu trong khoảng thời gian từ mùng 7 đến ngày 14/2. Cũng bắt đầu từ hôm nay, Bộ GD&ĐT sẽ kiểm tra tình hình chuẩn bị, tổ chức cho học sinh, sinh viên quay trở lại trường học tại một số nơi.
Tại Hà Nội, học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 ở địa bàn có dịch cấp độ 1 và cấp độ 2 sẽ trở lại trường học trực tiếp từ ngày 8/2. Từ ngày 10/2, học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 thuộc 18 huyện, thị xã đi học trực tiếp. Học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 thuộc 12 quận tiếp tục học trực tuyến. Trẻ mầm non tiếp tục nghỉ học tại nhà.
Mở cửa trường học cần theo tinh thần chung là thích ứng, linh hoạt và đảm bảo an toàn
Bộ GD&ĐT đề nghị các sở giáo dục và đào tạo rà soát, củng cố điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ việc giáo dục, dạy học, vệ sinh môi trường, y tế tại trường học, kịp thời phát hiện, loại bỏ các yếu tố mất an toàn có thể gây tai nạn thương tích; tổ chức vệ sinh, khử khuẩn trường, lớp học, đồ dùng học tập, vệ sinh khuôn viên nhà trường trước khi đón trẻ em mầm non, học sinh trở lại trường nhằm bảo đảm an toàn về sức khỏe, tính mạng cho người học, cán bộ, nhà giáo.
Đồng thời, thực hiện nghiêm túc các quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm; tăng cường kiểm soát chất lượng bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng kết hợp với tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ mầm non, học sinh nhằm nâng cao sức khỏe, phòng, chống dịch Covid-19 và các bệnh không lây nhiễm.
Khi học sinh quay trở lại học trực tiếp các trường học cần theo tinh thần chung là thích ứng, linh hoạt, bảo đảm an toàn để thúc đẩy dạy học hiệu quả, chất lượng. Bộ GD&ĐT đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo sở giáo dục và đào tạo, sở y tế, các ban, ngành liên quan hướng dẫn các cơ sở giáo dục phương án, kịch bản phù hợp để xử lý tình huống xảy ra dịch bệnh trong quá trình tổ chức dạy học trực tiếp tại trường; tổ chức tuyên truyền, tập huấn, diễn tập cho giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh để tạo sự đồng thuận cho trẻ đến trường, bảo đảm an toàn.
Việc tạm dừng đến trường kéo dài đã ảnh hưởng lớn đến thể chất, tinh thần và chất lượng học tập của học sinh, sinh viên. Theo đó, Bộ GD&ĐT yêu cầu các sở giáo dục và đào tạo chỉ đạo các nhà trường thường xuyên theo dõi, thăm hỏi, động viên kịp thời giúp ổn định tâm lý và sức khỏe của cán bộ, nhà giáo, tạo tâm thế sẵn sàng thích nghi với công việc giáo dục, giảng dạy trong tình hình mới; không để xảy ra các hiện tượng bất an về tinh thần, tâm lý của cán bộ, nhà giáo làm ảnh hưởng đến trẻ mầm non, học sinh.
Sau thời gian dài học trực tuyến tại nhà, dự kiến hơn 17 triệu học sinh (chiếm 75,71% tổng số học sinh cả nước) trở lại trường học trực tiếp từ hôm nay.
Đối với khối đại học, cao đẳng, khoảng 100% số trường đã có kế hoạch tổ chức dạy học trực tiếp sau Tết Nguyên đán.
Trúc Chi (t/h theo QĐND, Lao Động)