Học tập là khởi đầu của sự giàu có
Câu nói đó của Jim Rohn, một diễn giả nổi tiếng thế giới, nghe rất quen, nhưng cũng là lạ đối với người Việt chúng ta. Thường ta được dạy trong nhà trường: “Học, học nữa, học mãi!” (Lê-nin) hoặc “Sản xuất là khoá, văn hoá là chìa”, học tập không có trang sách cuối cùng… Khẳng định chung: Học tập là khởi đầu, là quan trọng, học đi đôi với hành và dĩ nhiên dẫn đến tài năng, giàu có, hạnh phúc!
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Trong kỷ nguyên này, chúng ta đang hoà nhập, đang tiến bước, không dại gì tách rời thế giới phẳng, không dại gì đi theo những con đường loằng ngoàng khi ngược, khi xuôi… Phải có đích cuối đường là học vấn phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân! Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh… Ta đang đến với tinh hoa nhân loại. Ta đang đi với sức vóc toàn cầu!
Trong cái chung của cơ đồ, sự nghiệp có cái riêng của mỗi cá thể, con người! “Hạnh phúc nào hơn được tái sinh/Mát dạ ông cha ngàn thuở trước”.
Mỗi chúng ta đang vui cùng non sông đất nước. Càng đi, càng sống, càng cống hiến, càng như được tiếp sức, mở rộng tầm nhìn, càng tin tưởng ở ngày mai bát ngát một chân trời!
Học tập là sự khởi đầu của tiếp thu, tìm tòi, học hỏi, nhận thức… Cha ông dặn: Dạy con từ thuở còn thơ! Vậy, giáo dục phải là bước khởi đầu, nguyên sơ của đời người, của tuổi trẻ… Khát vọng nhiều, hay ít, cao hay thấp, vĩ đại hay nhỏ nhoi… đều nhờ ở môi trường giáo dục! Cha mẹ và người thầy đã đem đến cho cuộc sống: Trái tim và khối óc mỗi số phận của lịch sử!
Nhân loại cũng vậy, nhưng họ, nhiều nước, có thể rút ngắn thời kỳ đầu và tiến thẳng đến chân trời khoa học nhanh hơn thiên hạ. Họ hơn nhiều ở tư duy, tầm nhìn, nên đời sống kinh tế, văn hoá… vượt trội, hơn hẳn! Giáo dục phải đi trước một bước, có tầm quan trọng đặc biệt!
Trong lúc chúng ta loay hoay với chủ trương, bước đi, sách giáo khoa trong giáo dục, nên dùng chữ a hay chữ e thì thế giới đang tìm đường đến các vì sao? Chúng ta đang nghĩ cách chia tiền đô vay quốc tế làm sách giáo khoa thế nào cho hợp lý thì có giáo sư đạt giải quốc tế. Chẳng thế từng có ý kiến, chỉ cần dịch của nước ngoài và chi một ít tiền là xong! Còn việc dạy thì thuê thầy giỏi dạy trên truyền hình, cho lên mạng. Học sinh đỡ tốn tiền mà được kiến thức tốt nhất, mới nhất của nhân loại!
Thế giới phẳng cho ta thấy biển trời kiến thức mà ta chưa với tới! Và ta phải nuối tiếc rằng: Giáo dục Việt Nam, nhiều khi ôm đồm, chưa tinh chất, chưa kịp thanh lọc trước khi chuyển hoá cho học sinh! Thầy có khi còn lạc trong rừng kiến thức cao siêu, trò hỏi có khi còn né… nói gì định hướng, mở rộng tương lai? Việc cần đào tạo kỹ năng sống có khi thầy lạc hậu hơn trò. Việc hướng nghiệp phân ngành theo từng cấp thường chắp vá, hướng dẫn tuỳ tiện… Không thể có khoa học vì nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ! Lý luận còn chưa đâu vào đâu… lấy đâu ra triết lý, luận bàn! Học sinh ra nước ngoài để tiếp thu kiến thức có lẽ là thức thời và nhanh nhạy hơn thầy?
Ngay trong các lớp bồi dưỡng kiến thức, cập nhật rút kinh nghiệm của từng ngành cũng đã chậm chân, lạc hậu, nói gì đến chuyện các trường đại học và viện nghiên cứu… Ngành Thanh tra cũng không thoát khỏi ô cửa chậm chân đó, nếu không coi các cuộc thanh tra là những bài học sống động, mỗi kết luận thanh tra là một bài toán được giải sáng tạo với đáp án linh hoạt!
Quá trình học là gian nan, mày mò, chịu khó, chịu thiệt. Đó là sự tích luỹ để làm giàu. Giàu có về kiến thức, hiểu biết, giàu có về vật chất, tinh thần. Thành người giàu, thành tỷ phú, thành người tài, cống hiến được nhiều, lương cao, tiền lắm há chẳng được người đời mến mộ đó sao?
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng răn dạy các thế hệ học sinh nhân ngày khai trường rằng non sông đất nước có sánh vai được với các cường quốc năm châu được hay không: “ Là nhờ ở công học tập của các cháu”…
Vinh quang thuộc về học tập và nỗ lực rèn luyện của từng người là vì vậy!