Hội nhóm ảo và những hậu quả thật

Hai vụ cướp có tính chất táo tợn xảy ra gần đây trên địa bàn Hà Nội có chung một mẫu số, đó là hung thủ đều quen nhau thông qua “Hội những người vỡ nợ muốn làm liều” trên nền tảng mạng xã hội Facebook. Điều này gióng lên hồi chuông cảnh báo về hoạt động của các hội nhóm ảo chứa nhiều nội dung tiêu cực, mầm mống của hành vi phạm tội và bạo lực.

Các đối tượng gây ra 2 vụ cướp táo tợn trên địa bàn Hà Nội trong thời gian qua đều có điểm chung biết nhau qua hội nhóm ảo trên Facebook. Ảnh: QĐ

Nơi các “ý tưởng lớn” gặp nhau cùng phạm tội

Ngày 7/3, trên địa bàn phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội xảy ra một vụ cướp ngân hàng.

Sau 16 giờ tiến hành điều tra, cơ quan công an đã bắt giữ hai đối tượng gây án: Trần Văn Hiếu (SN 1991, ở phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) và Nguyễn Thanh Tùng (SN 1981, ở phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, Hà Nội).

Theo lời khai ban đầu, hai đối tượng này quen biết nhau thông qua hội nhóm ảo có tên "Hội những người vỡ nợ muốn làm liều" trên mạng xã hội Facebook. Với “ý tưởng lớn” gặp nhau, Hiếu và Tùng chuẩn bị công cụ gây án, khảo sát địa bàn, tính toán kỹ lưỡng đường tẩu thoát…

Sau khi chuẩn bị công cụ gây án, sáng ngày 7/3, hai đối tượng đón nhau đến đường Hoàng Minh Thảo, quận Bắc Từ Liêm, gần khu vực phòng giao dịch trên. Hiếu và Tùng mặc quần áo mưa, đội mũ bảo hiểm, đeo khẩu trang và găng tay. Chiếc xe máy hai đối tượng sử dụng để di chuyển cũng được tháo biển kiểm soát để tránh sự phát hiện của cơ quan công an. Đến ngân hàng, Hiếu đi vào trong, dùng súng bật lửa và dao đe dọa nhân viên ngân hàng, cướp đi số tiền hơn 500 triệu đồng rồi cùng Tùng bỏ chạy.

Vụ cướp ngân hàng trên địa bàn phường Xuân Tảo nói trên là phi vụ thứ 2 được thực hiện bởi thành viên của "Hội những người vỡ nợ muốn làm liều". Trước đó, ba đối tượng Nguyễn Tùng Lâm (35 tuổi, quê Hưng Yên); Tô Văn Tình (29 tuổi, quê Quảng Ninh); Lê Duy Dự (28 tuổi, quê tại xã Thọ Lộc, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) cũng quen biết nhau qua hội nhóm này và rủ nhau đi cướp tài sản.

Theo Công an quận Hoàng Mai, ba đối tượng Lâm, Tình và Dự sống ở các địa phương khác nhau và quen nhau qua nhóm Facebook có tên “Hội những người vỡ nợ muốn làm liều”, sau đó nhắn tin lên kế hoạch, hẹn nhau đi cướp tài sản.

Xác định anh T.A. (25 tuổi, trú tòa HH1A, Khu đô thị Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) kinh doanh điện thoại di động tại nhà riêng. Khoảng 17 giờ ngày 8/1/2022, 3 đối tượng đã chuẩn bị hung khí đến tận nhà anh T.A. xịt hơi cay, trói nạn nhân để cướp tài sản.

Dẹp hội nhóm tiêu cực, ngăn chặn từ mầm mống

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện trên mạng xã hội có nhiều hội nhóm lấy tên gọi “Hội những người vỡ nợ muốn làm liều” với lượng thành viên tham gia nhiều ít khác nhau, trong đó, nhóm đông nhất thu hút tới hơn 17.000 thành viên tham gia, theo dõi. Nhóm thường xuyên đăng tải các bài viết tiêu cực, nội dung lệch lạch liên quan đến những việc làm trái pháp luật như rủ nhau đi cướp, trộm xe ở nhà trọ, mua tiền giả, bán dâm, đánh bạc…

Không rõ tính thực hư của các chủ đề nội dung bài viết được các thành viên đăng tải trên nhóm, rất có thể chỉ mang tính trêu đùa, tạo niềm vui trên mạng xã hội. Nhưng nhiều người bày tỏ lo ngại sẽ có những đối tượng thực sự vỡ nợ, đang mưu đồ phạm pháp nhờ đó mà tìm được đồng đội để cùng nhau hành động. Như hai vụ cướp đã xảy ra như trên, thực tế xuất phát từ những thông tin lan truyền, rủ rê đăng tải trên hội nhóm Facebook này.

Dư luận cho rằng, các cơ quan chức năng cần sớm có các biện pháp kiểm tra, xóa bỏ các hội nhóm mang tính tiêu cực trên nền tảng mạng xã hội. Việc loại bỏ những mầm mống này góp phần giảm trừ các hành vi phạm tội và bạo lực. Bởi trên thực tế, cơ quan công an đã từng gọi hỏi, răn đe, xử phạt một số admin (người quản lý) của một số hội nhóm có hành vi hoạt động theo hướng tiêu cực, không đúng với quy định dễ gây ra tình trạng mất an ninh trật tự, gây rối trật tự công cộng, thậm chí là tạo hiệu ứng đám đông cùng làm sai quy định của pháp luật.

Nhìn nhận dưới góc độ pháp luật, luật sư Nguyễn Quang Hùng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: Nếu cơ quan chức năng làm rõ được trong trường hợp những người lập nên hội nhóm này với mục đích kết nối tội phạm, khuyến khích cổ xúy thực hiện các hành vi phạm tội như trộm cướp, thì trước hết có thể bị xử phạt hành chính. Còn nếu các thành viên sáng lập biết rõ về các hành vi phạm tội mà các thành viên đã và sẽ thực hiện mà không tố giác cho cơ quan công an thì hoàn toàn có thể xem xét để truy cứu trách nhiệm hình sự với tội không tố giác tội phạm được quy định tại Điều 390 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017. Theo đó có thể bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Lượt xem: 196
Tác giả: admin1
Tin liên quan
Nội dung đang được cập nhật.