Hơn 51.000 lao động Việt Nam đi làm việc nước ngoài

Nhu cầu tiếp nhận lao động ở nước ngoài đang dần cao lên, giúp mục tiêu đưa 90.000 lao động Việt đi lao động nước ngoài đang dần trở nên khả thi.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), từ đầu năm đến thời điểm giữa tháng 6/2022, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 51.677 người.

Trong đó, đông nhất là thị trường Nhật Bản có 32.053 lao động, Đài Loan (Trung Quốc) là 15.633 lao động; Hàn Quốc là 1.209 lao động; Singapore có 853 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng...

Hơn hai năm qua, phần lớn các quốc gia, vùng lãnh thổ tiếp nhận lao động Việt Nam đều có chính sách phòng chống dịch bệnh Covid-19. Cục Quản lý lao động ngoài nước đánh giá, điều này gây hạn chế hoặc đóng cửa tiếp nhận lao động nước ngoài đến làm việc.

Trong 2 năm qua, số lao động các doanh nghiệp đã tuyển và chờ xuất cảnh là hơn 80.000 người, trong đó có các thị trường như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc...

Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nướcho rằng, việc nhiều lao động đã được tuyển chọn, đào tạo và làm thủ tục đi làm việc ở nước ngoài nhưng không xuất cảnh được, đã làm ảnh hưởng đến đời sống, tâm lý của bản thân và gia đình người lao động. Vì vậy, đã có một bộ phận người lao động phải tìm kiếm việc làm khác để ổn định cuộc sống.

Đến nay, một số thị trường các nước Châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản và một số thị trường lao động khác cũng đã có chính sách tiếp nhận lao động với các điều kiện và quy định phù hợp trong thời gian qua.

Nhu cầu tiếp nhận lao động ở các thị trường đang tăng lên. Do đó, Việt Nam đặt chỉ tiêu trong năm 2022 là đưa 90.000 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là hoàn toàn khả thi.

Để thực hiện mục tiêu trên, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trực tiếp là Cục Quản lý lao động ngoài sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Cơ quan đại diện Việt Nam tại các nước có lao động Việt Nam để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động trước diễn biến của dịch bệnh Covid-19 và tổ chức đưa lao động hết hạn hợp đồng về nước theo chỉ đạo của Chính phủ.

Theo đó, Cục kịp thời thông tin và hướng dẫn các doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài an toàn trong tình hình dịch bệnh và theo quy định về tiếp nhận lao động nước ngoài của nước sở tại; Tiếp tục nâng cao chất lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài, đẩy mạnh công tác gắn kết giữa doanh nghiệp dịch vụ với các Trường, Cơ sở Giáo dục nghề nghiệp trong việc chuẩn bị, tạo nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Kinh tế vĩ mô - Hơn 51.000 lao động Việt Nam đi làm việc nước ngoài

Tính đến thời điểm giữa tháng 6/2022, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 51.677 người. 

Cục Quản lý lao động ngoài nước tăng cường chất lượng và hiệu quả công tác tuyển chọn và đào tạo người lao động đáp ứng yêu cầu của bên nước ngoài tiếp nhận lao động, tạo vị thế của người lao động ở nước ngoài; Nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật của người lao động, cũng như phòng tránh tình trạng người lao động bị lạm dụng, cưỡng bức khi đi làm việc ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, Cục Quản lý lao động ngoài nước tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Cần chính sách thu hút, thúc đẩy ngành nghề, kỹ năng 

Trao đổi với Tuổi Trẻ về phương pháp giúp công tác đưa người lao động sang nước ngoài thêm hiệu quả hơn trong tương lai tới, ông Nguyễn Gia Liêm, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, chính phủ cần có chính sách thu hút, thúc đẩy, phát triển ngành nghề, kỹ năng Việt Nam cần trong tương lai hoặc Việt Nam hướng tới hiện nay như cơ khí, đóng tàu, kỹ thuật ôtô, điện tử. 

Đặc biệt, đối tượng làm điều dưỡng rất cần vì Việt Nam đối diện già hóa dân số, các nước thiếu người hỗ trợ người bệnh trong các nơi điều trị. Nhà nước cũng cần chủ động hỗ trợ doanh nghiệp đưa lao động đi nước ngoài để ba nhà gồm nhà trường - nhà doanh nghiệp và Nhà nước cùng đạt được lợi ích.

Hiện chúng ta không khuyến khích lao động phổ thông đi làm việc nước ngoài mà khuyến khích lao động có trình độ chuyên môn để đảm bảo thu nhập, môi trường làm việc. Tuy nhiên, nhiều nước vẫn nhận lượng lao động phổ thông nhất định để làm việc đơn giản như giúp việc, chăm sóc gia đình...

Vì thiếu nhân lực, các nước có chính sách cởi mở hơn nhưng vẫn đưa ra yêu cầu cho lao động nhập cảnh đó là điều kiện chuyên môn, chứng chỉ nghề, trình độ ngoại ngữ... Chẳng hạn, Nhật Bản đưa ra chính sách lao động đặc định tức là người lao động phải có trình độ chuyên môn, được cấp chứng chỉ, nội dung đào tạo tương đối với quy chuẩn nước họ.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Gia Liêm cũng khuyến cáo, người lao động có nhu cầu đi làm việc tại nước ngoài cần liên hệ trực tiếp với doanh nghiệp đưa lao động đi nước ngoài và tuyệt đối không thông qua trung gian. 

Thực tế, không phải ai cũng nắm được hết các khoản như vé máy bay, visa, khám sức khỏe, bảo hiểm lao động... nên thường tìm người quen giới thiệu hoặc qua môi giới. Thứ hai, người lao động nên tìm hiểu thông tin tuyển dụng lao động trên các trang web doanh nghiệp với đuôi ".vn".

Thứ ba, người lao động nộp chi phí trực tiếp qua doanh nghiệp, không nộp qua trung gian hay các chi nhánh để tránh mất tiền oan. Thứ tư, khi nộp tiền người lao động cần lấy phiếu thu có đủ dấu, tên doanh nghiệp.

Các trường hợp làm không đúng quy định, người lao động có thể khiếu nại tố cáo đến số điện thoại của Cục Quản lý lao động ngoài nước 024.3824.9517, website: dolab.gov.vn. hoặc cơ quan chức năng gần nhất.

Hương Anh (tổng hợp) 

 

Lượt xem: 140
Nguồn:nguoiduatin.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan
Nội dung đang được cập nhật.