Hướng đi nào cho lao động lớn tuổi mất việc?

Với lao động trẻ, cơ hội tìm việc mới không quá khó khăn. Nhưng với nhóm lao động hơn 40 tuổi, nhất là nữ lao động phổ thông, cơ hội tìm việc mới không dễ dàng.

Chật vật tìm việc mới

Tháng 5/2023, khi hợp đồng lao động hết hạn, bà Nguyễn Thị Loan (43 tuổi) không được Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam (quận Bình Tân, Tp.HCM) ký tiếp hợp đồng mới. Đến nay, dù đã liên hệ nhiều nơi nhưng bà vẫn chưa tìm được việc làm. Không việc làm, không thu nhập, hằng tháng lại phải tốn chi phí thuê nhà trọ, sinh hoạt... nên cuộc sống của bà gặp nhiều khó khăn.

Chia sẻ với báo Người Lao Động, bà Loan cho hay lúc trẻ, bà thích nghề làm móng và có theo học một thời gian ngắn. Sau đó, vì hoàn cảnh gia đình, bà đành bỏ ngang và xin đi làm công nhân.

Dù trải qua nhiều doanh nghiệp nhưng bà Loan chỉ làm thợ phụ, lại ở các khâu khác nhau nên chuyên môn gần như là con số 0. Mất việc, lại lớn tuổi nên bà càng khó tìm việc làm mới. Đôi lúc bà muốn học lại nghề làm móng để tìm kế sinh nhai nhưng không có tiền bởi không thuộc diện hỗ trợ của công ty. "Nếu học nghề, ngoài chi phí sinh hoạt, nhà trọ thì tôi còn phải tốn thêm khoản học phí. Thực sự tôi rất lúng túng khi chuyển đổi nghề nghiệp", bà rầu rĩ.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Thanh (33 tuổi) vừa bị mất việc sau 14 năm làm việc tại một công ty nằm trong khu công nghiệp Thăng Long (huyện Đông Anh, Hà Nội).

Chị cho biết, trước dịch Covid-19, tình hình sản xuất của công ty rất tốt, đơn hàng nhiều nên thu nhập của công nhân rất ổn định. Tuy chỉ làm giờ hành chính, nhưng thu nhập của chị Thanh quãng thời gian trước dịch được khoảng 7 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, tình hình sản xuất của công ty càng ngày càng đi xuống. Công ty ít việc, thu nhập của chị Thanh giảm chỉ còn khoảng 5-6 triệu đồng/tháng. Đến giữa tháng 7/2023, chị chủ động xin nghỉ việc.

“Nếu công ty khó khăn chỉ một thời gian, tôi sẽ tiếp tục gắn bó, dù thu nhập còm cõi. Nhưng vấn đề là không biết khi nào việc làm của công nhân sẽ hồi phục bình thường như trước kia, hay tiếp tục bấp bênh như hiện tại. Vì vậy, khi công ty thông báo, tôi chủ động xin nghỉ việc. Chọn phương án này, tôi được hỗ trợ 50 triệu đồng, căn cứ vào số năm làm việc”, chị Thanh kể.

Từ khi mất việc đến nay, chị Thanh có đến một số doanh nghiệp tìm việc, nhưng chưa thể tìm được nơi phù hợp. Đã lâu không đi xin việc, chị Thanh hầu như không biết thông tin về nhu cầu cụ thể của thị trường lao động. Ngoài ra, chị tự thấy không có kỹ năng nghề nghiệp nổi trội sau nhiều năm làm việc. Dù có thâm niên, nhưng công việc của chị chỉ là những động tác đơn giản, lặp đi lặp lại.

“Tôi muốn làm công việc trong giờ hành chính để có thời gian chăm con nhỏ, nhưng những nơi tôi hỏi đều làm ca kíp, hoặc có tăng ca”, chị Thanh tâm sự với báo Lao Động. Hiện nay, cả gia đình chị Thanh thuê trọ tại xã Hải Bối, huyện Đông Anh, sống nhờ vào thu nhập của chồng.

Cùng chung hoàn cảnh, chị Nguyễn Thị Kim (SN 1975), ở huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long vừa qua cũng phải nghỉ việc tại Công ty TNHH Tỷ Xuân do giảm giờ làm, mức thu nhập thực lĩnh còn khoảng hơn 4 triệu đồng/tháng, giảm khoảng 2 triệu đồng so với trước kia.

“Tôi nghỉ việc vì bị giảm thu nhập. Do sức khỏe kém hơn, tôi định xin việc làm mới phù hợp với bản thân nên mang hồ sơ đến nhiều công ty nhưng đều bị từ chối do các doanh nghiệp chỉ tuyển công nhân có tay nghề cao, không phải đào tạo lại, ưu tiên chọn lao động trẻ,… Không có việc làm, tôi chỉ biết ở nhà lo nội trợ, chăm sóc cháu nhỏ”, chị Kim nói.

Cơ hội nào cho lao động lớn tuổi mất việc?

Trao đổi với báo Lao Động vào ngày 4/8, bà Phạm Thị Thu Lan, Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng LĐLĐVN), cho biết, tại Việt Nam, những ngành thâm dụng lao động đều là lao động giản đơn. Trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19, đơn hàng giảm, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, những người mất việc đầu tiên là lao động lớn tuổi.

Xu hướng thị trường - Hướng đi nào cho lao động lớn tuổi mất việc?

ThS Vũ Tuấn Anh cho rằng mất việc khi lớn tuổi khiến người lao động đối mặt nhiều thách thức. Tuy nhiên, đó cũng có thể là cơ hội để chuyển đổi nghề hoặc bắt đầu khởi nghiệp. Ảnh minh họa: Báo Lao Động.

“Khi mất việc, rất khó để những lao động lớn tuổi xin được việc mới, bởi họ chỉ có tay nghề giản đơn, trong khi nhiều doanh nghiệp hiện nay có xu hướng chuyển đổi số, chuyển đổi sang “công nghệ xanh”. Điều này đòi hỏi người lao động phải thay đổi kỹ năng tay nghề, nhưng đối với những người lao động lớn tuổi thì việc học tập kỹ năng mới không phải dễ”, bà Lan bình luận.

Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn nói thêm, do kiến thức nền không có, nên việc đào tạo những lao động này tốn rất nhiều thời gian, công sức. Không chỉ vậy, cuộc sống khó khăn sau khi mất việc cũng là yếu tố cản trở người lao động nghĩ tới việc dành ra chi phí cho đào tạo lại.

“Người lao động trong doanh nghiệp có thể được đào tạo để tiếp tục duy trì việc làm, chuyển đổi việc làm. Nhưng những người mất việc rồi để có cơ hội đào tạo là khó”, bà Lan nói.

Bà Lan cho rằng, đối với những lao động mất việc, về quê, việc đào tạo lại để tiếp tục làm việc trong ngành công nghiệp là rất khó. Bà Lan gợi ý, những trường hợp như này cần được hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn, chuyên môn kỹ thuật, kỹ năng trong ngành nông nghiệp để phát triển sinh kế gia đình, ổn định cuộc sống.

Trong khi đó, trao đổi với báo Người Lao Động, bà Phan Thị Hồng Xuân, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo nguồn nhân lực ASEAN cho rằng, giai đoạn mất việc là lúc người lao động cần nghiêm túc nhìn lại bản thân xem đâu là điểm mạnh, điểm yếu; xác định mình mong muốn làm gì và khả năng có thể làm gì. Khi đã định vị được vị trí bản thân và xác định được hướng đi mới, người lao động có thể tận dụng mạng lưới quan hệ xã hội và tìm kiếm sự hỗ trợ của các tổ chức, đơn vị nhằm thực hiện mong muốn của mình.

Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp quận Bình Tân, cho rằng để tránh lâm vào cảnh mất việc, người lao động phải tự đánh giá lại năng suất lao động, việc tuân thủ kỷ luật, nội quy lao động cũng như đóng góp của bản thân cho doanh nghiệp để từ đó có điều chỉnh phù hợp.

Theo ông Tâm, xu thế của doanh nghiệp hiện nay là sử dụng lao động có nhiều kỹ năng hoặc có thể làm nhiều công việc khác nhau. Trong bối cảnh doanh nghiệp khó khăn, phải tổ chức lại lao động thì người lao động có thể tồn tại cùng doanh nghiệp là những người uyển chuyển trong công việc, có thể theo được sự thay đổi. Do đó, người lao động cần tự trang bị kiến thức, tự học, tự rèn để trở thành lao động đa năng.

ThS Vũ Tuấn Anh, người sáng lập dự án Một triệu phụ nữ và người yếu thế khởi nghiệp cơ sở kinh doanh nhỏ tại nhà, cho rằng mất việc khi lớn tuổi khiến người lao động đối mặt nhiều thách thức. Tuy nhiên, đó cũng có thể là cơ hội để chuyển đổi nghề hoặc bắt đầu khởi nghiệp, tạo nguồn tài chính bền vững hơn.

ThS Vũ Tuấn Anh cho rằng người lao động không nên suy nghĩ "khởi nghiệp" là cái gì đó quá lớn lao mà có thể bắt đầu bằng mô hình kinh doanh tại nhà, như bán cà phê, nước uống, đồ ăn sáng, dịch vụ du lịch, bán vé máy bay, cung cấp các dịch vụ cộng đồng (làm móng, spa, trang điểm…). Các công việc này phù hợp với số đông người lao động vì có thể tận dụng kinh nghiệm, kỹ năng sẵn có và mặt bằng, nhân lực của gia đình cũng như nguồn khách hàng trong cộng đồng dân cư sinh sống, lại dễ làm, ít vốn, ít rủi ro, đôi khi không cần phải qua đào tạo.

"Khi bắt tay khởi nghiệp, người lao động lớn tuổi cần tránh phương thức nhượng quyền, bỏ chi phí đầu tư lớn hay chi quảng bá trực tuyến quá mức… Nên làm từ từ, có thời gian thử nghiệm và từng bước thăm dò thị trường để tìm mô hình kinh doanh phù hợp", ông Vũ Tuấn Anh khuyến cáo.

Minh Hoa (t/h)

Lượt xem: 7
Nguồn:nguoiduatin.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan
Nội dung đang được cập nhật.