IMF: Tin xấu đến hằng ngày nhưng kinh tế Việt Nam vẫn tích cực

Năm nay, IMF dự báo tăng trưởng GDP của khoảng 7-7,5%; lạm phát trung bình thấp hơn so với dự tính 4%, đồng thời thấp so với các nước trên thế giới và khu vực.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp bà Era Dabla-Norris, Trưởng đoàn giám sát của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) về kinh tế vĩ mô và tài chính, tiền tệ của các nước hội viên đang có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam chiều 3/10.

Trao đổi về tình hình kinh tế Việt Nam, Thủ tướng cho biết, cùng với việc tiếp tục kiểm soát dịch Covid-19, nền kinh tế Việt Nam hiện duy trì ổn định và hồi phục tích cực. Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam quy mô còn khiêm tốn, độ mở lớn, khả năng chống chịu với các cú sốc bên ngoài còn hạn chế, một tác động nhỏ bên ngoài có thể tác động lớn tới bên trong.

Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam xác định gặp nhiều khó khăn, thách thức hơn là cơ hội và thuận lợi, do cạnh tranh chiến lược gay gắt, giá nguyên vật liệu đầu vào biến động, áp lực lạm phát tăng cao, các nước điều chỉnh chính sách, ngân hàng trung ương nhiều nước tăng lãi suất, các thị trường xuất khẩu lớn bị thu hẹp.

Kinh tế vĩ mô - IMF: Tin xấu đến hằng ngày nhưng kinh tế Việt Nam vẫn tích cực

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp bà Era Dabla-Norris, Trưởng đoàn giám sát của Quỹ Tiền tệ quốc tế, IMF (Ảnh: VGP).

Việt Nam kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng; phối hợp hài hòa với điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý; triển khai chương trình phục hồi và phát triển với quy mô tương đương 4% GDP; phát triển các thị trường bất động sản, thị trường vốn, thị trường lao động, thị trường khoa học công nghệ, ổn định, lành mạnh; tái cơ cấu và đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, mở rộng các thị trường xuất khẩu mới.

Thủ tướng đề nghị IMF ưu tiên hỗ trợ Việt Nam là một nước đang phát triển, trải qua nhiều năm chiến tranh, nền kinh tế đang chuyển đổi và còn nhiều khó khăn; tăng cường hoạt động tư vấn chính sách cho Chính phủ và các cơ quan hữu quan về điều hành kinh tế, đối phó với bối cảnh rủi ro gia tăng hiện nay.

Tại buổi tiếp, bà Era Dabla-Norris chúc mừng Chính phủ Việt Nam về những thành quả phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2022 và các năm trước, trong đó có những thay đổi về mặt cấu trúc nền kinh tế rất đáng ngưỡng mộ.

IMF dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 sẽ khoảng 7-7,5%; lạm phát trung bình thấp hơn so với mục tiêu 4%, đồng thời thấp so với các nước trên thế giới và khu vực; các hoạt động sản xuất kinh doanh đang phục hồi mạnh mẽ và rộng khắp.

"Đây là điều chúng tôi không quan sát được ở các nền kinh tế khác, ví dụ, nhiều nước tăng trưởng tốt nhưng lạm phát rất cao. Chúng ta có thể thấy các tin xấu đến hằng ngày nhưng với Việt Nam thì chúng ta có căn cứ để tin tưởng rằng nhìn chung bức tranh kinh tế là tích cực bất chấp các cú sốc bên ngoài", đại diện IMF bày tỏ.

Vị này cũng cho rằng, các yếu tố nền tảng của Việt Nam vẫn chắc chắn và các nhà đầu tư vẫn tin tưởng vào Việt Nam. Nếu thực hiện tốt các giải pháp thì Việt Nam hoàn toàn có thể vượt qua năm 2023 rất khó khăn và hướng tới năm 2024 một cách tích cực hơn nữa.

Tuy nhiên, bà Era Dabla-Norris đồng ý với nhận định của Thủ tướng rằng tình hình đang có rất nhiều khó khăn, thách thức, trong đó áp lực lạm phát với Việt Nam đang gia tăng cùng với tốc độ phục hồi của kinh tế trong nước và các rủi ro từ tình hình thế giới.

Đại diện IMF đưa ra nhiều khuyến nghị với Việt Nam, trong đó cần phối hợp các chính sách vĩ mô một cách cẩn trọng, đồng bộ, thống nhất, nhất quán và làm tốt công tác truyền thông chính sách để quản lý rủi ro, giảm nhẹ tác động của các lựa chọn chính sách; triển khai tốt chương trình phục hồi và phát triển…

Thủ tướng ghi nhận những khuyến nghị, nhận định các khuyến nghị của Đoàn phù hợp với định hướng điều hành, Chính phủ và cơ quan liên quan sẽ tiếp tục nghiên cứu, xem xét, áp dụng trong quá trình chỉ đạo, điều hành.

Lượt xem: 95
Tác giả: Nguyễn Thu Huyền
Tin liên quan
Nội dung đang được cập nhật.