Kết luận thanh tra việc quản lý di tích lịch sử - văn hóa tại Đồng Nai

Thanh tra Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã ban hành kết luận thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật trong quản lý di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh tại tỉnh Đồng Nai.

Article thumbnail
Khu danh thắng Bửu Long, Đồng Nai. Ảnh: Internet

Đoàn thanh tra đã tiến hành thanh tra tại Ban Quản lý Di tích kiến trúc nghệ thuật Chùa Đại Giác; Ban Quản lý Di tích kiến trúc nghệ thuật Chùa Long Thiền; Ban Quản lý Di tích lịch sử Đền thờ và mộ Nguyễn Hữu Cảnh; Ban Quản lý Di tích kiến trúc nghệ thuật Đình An Hòa; Ban Quản lý khu danh thắng Bửu Long.

Tiếp nhận hiện vật không thuộc trong danh mục vào thờ tự

Qua thanh tra cho thấy, hệ thống di tích trên địa bàn tỉnh Đồng Nai trong vài năm qua đã được đầu tư, tu bổ và tôn tạo, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di tích, tạo tiềm năng trong phát triển kinh tế - xã hội và đặc biệt là phát triến du lịch của địa phương.

Tuy nhiên, Đồng Nai là một tỉnh có diện tích rộng lớn, thuộc khu vực Đông Nam Bộ nên chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới gió mùa của toàn khu vực. Tỉnh có nhiều di tích, phân bố không tập trung gây khó khăn cho công tác bảo vệ, phát huy di tích. Mặc dù được sự quan tâm của Nhà nước và cộng đồng, song thời gian qua, nhiều di tích đều đang bị xuống cấp theo thời gian, đòi hỏi tu bổ, tôn tạo kịp thời.

Tại Di tích Kiến trúc nghệ thuật Tổ đình Long Thiền còn tiếp nhận một số hiện vật không nằm trong hồ sơ xếp hạng di tích như: Đèn thờ, lục bình; còn để đồ phục vụ hành lễ bài trí chưa phù hợp trong nội tự, hệ thống đường điện chưa đảm bảo công tác phòng, chống cháy nổ.

Di tích Kiến trúc nghệ thuật Đình An Hòa, công tác phòng, chống cháy nổ chưa đảm bảo như: Hệ thống đường điện thiếu an toàn, cần chú trọng vấn đề vệ sinh môi trường, chống cỏ dại mọc xâm lấn trong khuôn viên di tích. Một số di vật, cổ vật có hiện tượng xuống cấp, cần tu bổ cấp thiết như khám thờ, bàn thờ... một số đồ phục vụ hành lễ bài trí chưa phù hợp. Công tác tuyên truyền, giáo dục và phát huy giá trị của di tích chưa được khai thác hết.

Di tích Kiến trúc nghệ thuật Chùa Đại Giác còn tiếp nhận một số hiện vật không nằm trong hồ sơ xếp hạng di tích như đèn chùm, lục bình, còn để đồ phục vụ hành lễ bài trí chưa phù hợp trong nội tự.

Đối với Di tích Lịch sử quốc gia Đền thờ và mộ Nguyễn Hữu Cảnh đang trong quá trình thi công các hạng mục đền chính, nhà khách, bình phong, cột cờ; các công trình xây dựng mới: Tượng đài Nguyễn Hữu Cảnh, nhà bia, nhà trưng bày, đón tiếp, nhà bếp và vệ sinh; các công trình phụ trợ và hạ tầng kỹ thuật khác: Nhà bảo vệ, cổng tam quan, cổng phụ, tường rào, kè bờ sông, san nền, sân đưòng nội bộ, bãi đỗ xe, hệ thống cấp nước, hệ thống thoát nước mưa, hệ thống cấp điện; hiện công trình chưa được nghiệm thu để đưa vào sử dụng.

Khu danh thắng Bửu Long chưa hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh khoanh vùng bảo vệ khu vực I, khu vực II để xác định địa giới phù hợp với thực tế theo quy định của pháp luật, thuận lợi trong công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị danh lam thắng cảnh...

Tăng cường thanh tra, kiểm tra trong công tác quản lý di tích

Thanh tra Bộ VHTTDL kiến nghị Sở VHTTDL tỉnh Đồng Nai tăng cường thanh tra, kiểm tra, rà soát và xử lý sai phạm đúng quy định pháp luật trong công tác quản lý di tích; đề nghị các chính quyền địa phương quản lý di tích thực hiện khắc phục những tồn tại đoàn thanh tra nêu.

Tham mưu cho UBND tỉnh Đồng Nai tăng cường đầu tư chống xuống cấp di tích, nhất là các di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật đã được xếp hạng, đồng thời đề xuất phương án lập quy hoạch bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích.

Chỉ đạo kiện toàn các ban quản lý, ban trị sự di tích tại địa phương theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa và Quyết định số 13/QĐ-UBDN của UNBD tỉnh Đồng Nai ban hành quy định phân cấp quản lý di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh xếp hạng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Chỉ đạo các tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác quản lý di tích khẩn trương thực hiện các nội dung trong kết luận thanh tra.

Bảo tàng tỉnh Đồng Nai tăng cường hướng dẫn thực hiện công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hoá tại địa phương đúng quy định của Luật Di sản văn hoá năm 2001 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và các văn bản quản lý Nhà nước về di sản văn hóa theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Ban quản lý các di tích tiếp tục thực hiện công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hoá tại địa phương đúng quy định của Luật Di sản văn hoá năm 2001 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và các văn bản quản lý Nhà nước về di sản văn hóa; đảm bảo công tác an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, phòng, chống cháy, nổ; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về giá trị của di tích; bổ sung nội quy, quy định thực hiện nếp sống văn minh gắn với phát huy giá trị di tích và phát triển du lịch.

Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ di vật, cổ vật, hiện vật; không tiếp nhận hiện vật không rõ nguồn gốc (linh vật, đồ thờ cúng...) không có trong danh mục hồ sơ xếp hạng di tích.

Cục Di sản văn hóa thường xuyên hướng dẫn các địa phương nâng cao năng lực, trách nhiệm quản lý, tu bổ, tôn tạo di tích trên địa bàn; đồng thời yêu cầu các địa phương chủ động đề xuất giải pháp khắc phục tồn tại trong công tác quản lý, tu bổ, tôn tạo di tích...