Kết nối văn hóa đọc: Bổ khuyết kiến giải dòng chảy văn học Phật giáo

Trong các thành tố cấu thành nên văn học trung đại, dòng văn học Phật giáo có một vai trò, vị trí hết sức đặc biệt. Xuất hiện từ giai đoạn đầu, văn học Phật giáo như một dòng chảy thầm lặng mà bền bỉ xuyên suốt 10 thế kỷ văn học trung đại, để lại những dấu ấn không thể phai mờ trên nhiều phương diện như tác giả, thể loại, ngôn ngữ...

Tuy nhiên văn học Phật giáo nói chung và trong 5 thế kỷ cuối văn học trung đại (thời Lê-Nguyễn) nói riêng lại chưa có nhiều công trình nghiên cứu chất lượng. Do đó, công trình nghiên cứu "Văn học Phật giáo thời Lê-Nguyễn: Diện mạo, thành tựu, đặc điểm và tác giả tiêu biểu" của Nguyễn Công Lý và Nguyễn Công Thanh Dung (Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 2022) là một sự bổ khuyết quan trọng, giúp bạn đọc (nhất là các nhà nghiên cứu) có một cái nhìn toàn cảnh về dòng văn học này trong tiến trình văn học trung đại.

Cuốn sách gồm 5 chương, ngoài chương đầu cung cấp tri thức tổng quan về lịch sử, xã hội thời Lê-Nguyễn, hoàn cảnh xuất hiện của văn học Phật giáo, trong các chương còn lại, đúng như nhan đề, hai tác giả lần lượt đi sâu phân tích dòng văn học này trên 4 phương diện: Diện mạo-thành tựu-đặc điểm và tác giả tiêu biểu. Đây là bố cục hợp lý thể hiện tư duy khoa học, chặt chẽ, logic của nhóm tác giả.

        Bìa cuốn sách.

Bằng những khảo cứu công phu, công trình đã đi đến một kết luận đặc biệt quan trọng, khi cho rằng toàn bộ văn học Phật giáo thời Lê Nguyễn “chịu ảnh hưởng sâu đậm tư tưởng Tinh Không uyên nguyên biện chứng của kinh văn hệ Bát Nhã: Sắc tức thị không, không tức thị sắc. Sắc bất dị không, không bất dị sắc; Thọ, tưởng, hành, thức, diệc phục như thị (Sắc tức là không, không tức là sắc. Sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc. Các uẩn thọ, tường, hành, khúc, đều cũng như thế)”. Kết luận này là tiền đề cho hai tác giả triển khai các luận điểm khác. Theo đó, văn học Phật giáo thời Lê-Nguyễn mang kiểu tư duy nghệ thuật trực cảm tâm linh “chú trọng đến cái Tâm trực ngộ, đốn ngộ”, thể hiện tư duy Thiền Phật và có tinh thần dung hợp Phật-Nho-Lão theo quan niệm “tam giáo đồng nguyên”.

Về đặc trưng này, các tác giả có một nhận định đáng chú ý khi cho rằng “tam giáo đồng nguyên” khởi phát từ... Việt Nam và do Phật giáo tại nước ta khởi xướng chứ “không phải từ Đạo giáo ở Trung Quốc” như nhận thức bấy lâu nay: “Vấn đề dung hợp và quan niệm Tam giáo đồng nguyên đã manh nha xuất hiện tại Giao Châu (miền Bắc Việt Nam ngày nay) từ nửa cuối thế kỷ 2, tức có trước Trung Quốc khoảng hơn một thế kỷ”. Bên cạnh đó, dòng văn học này còn mang cảm hứng về thiên nhiên, cảm hứng về con người nhằm “biểu đạt tư tưởng giáo lý uyên nguyên, uẩn súc của Phật học, Thiền học” và xây dựng “hình ảnh con người vô ngã, con người giác ngộ, thanh thản, an nhiên”.

Sau khi tập trung vào phần diện (đặc trưng chung) trong các chương 2, 3, 4 đến chương 5, hai nhà nghiên cứu đã đi sâu vào điểm (các tác giả tiêu biểu). Với “sơ yếu lý lịch” chi tiết của 9 gương mặt tiêu biểu với đầy đủ tiểu sử-tư tưởng-quan điểm-hoàn cảnh sáng tác-tác phẩm chính, chương 5 như một bản chỉ dẫn đầy đủ, đáng tin cậy cho những người muốn đi sâu vào tìm hiểu từng tác giả.

Ngoài những thành công không thể phủ nhận, công trình còn một số điểm khác đáng tiếc như vẫn lỗi morat khá nhiều, phần viết về nghệ thuật chưa tương xứng với nội dung... Hy vọng ở lần tái bản sau, những điểm này sẽ được sửa chữa và bổ sung để công trình thật sự là một tài liệu bổ ích, có đóng góp lớn vào quá trình nghiên cứu văn học Phật giáo nói riêng, văn học trung đại nói chung.

Tin liên quan
Nội dung đang được cập nhật.