Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3
Tối ngày 17/4, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 đã được Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND thành phố Hà Nội tổ chức.
Cùng với lễ khai mạc, Hội chợ Sách chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 cũng được tổ chức và thực hiện mang đậm nét văn hóa ngay tại khu vực Hồ Văn, giới thiệu, quảng bá sách của các nhà xuất bản, doanh nghiệp phát hành, doanh nghiệp công nghệ.
Theo dự kiến của ban tổ chức, có khoảng 60 đơn vị tham gia, trưng bày, giới thiệu và cung cấp cho bạn đọc trên 40.000 đầu sách có giá trị
Tham gia lễ khai mạc, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá cao việc tổ chức sự kiện Ngày Sách và Văn hóa đọc, tạo thành nét đẹp văn hóa của người dân Thủ đô và người dân cả nước; đồng thời, đề nghị các đơn vị xuất bản tăng cường các hoạt động giới thiệu, quảng bá các tác phẩm, tác giả Việt Nam tới bạn bè quốc tế, góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam.
Các chuỗi hoạt động của Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024, với các thông điệp: “Sách hay cần bạn đọc”; “Sách quý tặng bạn”; “Tặng sách hay - Mua sách thật”; “Sách hay: Mắt đọc - Tai nghe” sẽ được tổ chức trong suốt tháng 4/2024, trong đó trọng tâm từ ngày 17/4/2024 đến ngày 1/5/2024.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu tại lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3. Ảnh: Thảo Anh |
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho rằng, năm 2021, Thủ tướng quyết định nâng Ngày Sách 21/4 thành Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam với mục tiêu không chỉ tôn vinh những người viết sách, làm sách, mà sâu sắc hơn là tôn vinh bạn đọc, tôn vinh văn hóa đọc.
Bốn thông điệp của Ngày Sách và Văn hóa đọc năm nay giản dị nhưng mang ý nghĩa sâu sắc, đều hướng tới mục tiêu này với mong muốn xuất bản góp sức mình vào xây dựng hệ tri thức dân tộc, phát triển đội ngũ trí thức, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Lễ khai mạc tại Thủ đô sẽ mở đầu cho chuỗi các hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc trên cả nước, để đem đến tinh thần mới: Người dân ở đâu, văn hóa đọc phát triển đến đó; bạn đọc ở đâu, sách phải đến đó.
Tại lễ khai mạc, Cục Xuất bản, In và Phát hành, Cục Thông tin Đối ngoại phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội tổ chức trưng bày triển lãm các bộ sách quý về Di tích Lịch sử quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám; ảnh và sách về đất nước con người Việt Nam trên những phiên bản điện tử hiện đại và các ấn bản trực tiếp.
Cùng với đó, tại Hội chợ Sách cũng có nhiều sự kiện tọa đàm, giới thiệu sách; giao lưu tác giả, tác phẩm; chương trình nghệ thuật tiêu biểu… nhằm cung cấp cho bạn đọc và du khách tham quan nhiều trải nghiệm thú vị, thu hút đông đảo các tầng lớp Nhân dân đến với Hội Sách.
Hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, các bộ, ngành, tổ chức hội, đoàn thể Trung ương sẽ tổ chức nhiều hoạt động đa dạng, phong phú, thiết thực nhằm đẩy mạnh và phát triển văn hóa đọc trong từng cơ quan, đơn vị, nhà trường cũng như toàn xã hội. Tại các địa phương, diễn ra nhiều hoạt động phong phú, đa dạng, thiết thực chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.