Khi rối loạn tiền đình không còn là bệnh của riêng tuổi già

Rối loạn tiền đình từ lâu được xem là bệnh lý thường gặp ở người lớn tuổi. Tuy nhiên, những thống kê mới nhất cho thấy, căn bệnh này đang ngày càng trẻ hóa với tốc độ đáng lo ngại.

Theo những nghiên cứu thống kê dịch tễ học mới nhất tại Mỹ năm 2024, tỷ lệ người trẻ biểu hiện rối loạn chức năng tiền đình ngày càng nhiều. Chóng mặt do tiền đình có tỷ lệ mắc bệnh trong vòng 12 tháng là 5% và tỷ lệ mắc rối loạn tiền đình hằng năm là 1,4%. Thậm chí, triệu chứng chóng mặt gây ảnh hưởng cuộc sống đến 15-20% dân số, trong đó phụ nữ có nguy cơ mắc cao gấp hai đến ba lần so với nam giới.

Theo Thạc sĩ, Bác sĩ Nội trú Nguyễn Đình Nam, Phòng khám Tâm thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Phương Đông, nguyên nhân chính khiến rối loạn tiền đình ngày càng trẻ hóa là sự thoái hóa sớm của hệ thần kinh do lối sống hiện đại.

Thạc sĩ, Bác sĩ Nội trú Nguyễn Đình Nam, Phòng khám Tâm thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Phương Đông chia sẻ thông tin về bệnh lý rối loạn tiền đình. 

“So với 10-15 năm trước, giới trẻ ngày nay đối mặt với nhiều yếu tố nguy cơ hơn như áp lực công việc, sử dụng thiết bị điện tử quá nhiều, thiếu vận động, ăn uống không khoa học. Những yếu tố này góp phần làm suy giảm chức năng của hệ tiền đình, khiến bệnh xuất hiện sớm hơn”, bác sĩ Nguyễn Đình Nam giải thích.

Bác sĩ Đoàn Dư Mạnh, thành viên Hội Bệnh Mạch máu Việt Nam chia sẻ, ông từng điều trị cho một nữ bệnh nhân chỉ mới 23 tuổi mắc chứng rối loạn tiền đình nghiêm trọng. “Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng chóng mặt liên tục, buồn nôn, mất thăng bằng và thường xuyên ngất xỉu. Lúc đầu, người bệnh nghĩ rằng chỉ là do stress công việc, nhưng khi những cơn choáng váng xuất hiện dày đặc, cô ấy mới thực sự hoảng sợ”.

Qua thăm khám, bác sĩ Đoàn Dư Mạnh xác định nguyên nhân chính là do căng thẳng kéo dài, thiếu ngủ trầm trọng và rối loạn lo âu. “Đây là một trường hợp đáng chú ý, bởi bệnh nhân còn rất trẻ nhưng đã gặp phải các triệu chứng nặng đến mức ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống”, ông nói.

Theo bác sĩ Đoàn Dư Mạnh, việc điều trị không chỉ dừng lại ở thuốc mà còn phải kết hợp cả vật lý trị liệu và điều chỉnh tâm lý. “Chúng tôi cho bệnh nhân tập các bài phục hồi chức năng tiền đình, kết hợp liệu pháp thư giãn như thiền, hít thở sâu và hướng dẫn điều chỉnh thói quen sinh hoạt. Đồng thời, bệnh nhân cũng được tư vấn tâm lý để giảm căng thẳng và kiểm soát lo âu”.

Ngày càng nhiều bệnh nhân trẻ tuổi đến thăm khám tiền đình. 

Sau 3 tháng điều trị và thay đổi lối sống, tình trạng sức khỏe của nữ bệnh nhân đã cải thiện đáng kể. Cô không còn bị chóng mặt liên tục, có thể quay lại công việc với một lịch trình khoa học hơn.

“Rối loạn tiền đình không chỉ là vấn đề thể chất mà còn liên quan chặt chẽ đến sức khỏe tinh thần. Nếu phát hiện sớm và điều trị đúng cách, người bệnh hoàn toàn có thể kiểm soát được tình trạng này”, bác sĩ Mạnh nhấn mạnh.

Các triệu chứng của rối loạn tiền đình cũng có thể dễ bị nhầm lẫn với tình trạng mệt mỏi thông thường. Những dấu hiệu cảnh báo bao gồm chóng mặt thường xuyên, mất thăng bằng khi thay đổi tư thế, ù tai, đau đầu kéo dài, buồn nôn hoặc nôn mửa. Người bệnh có thể cảm thấy khó tập trung, suy giảm trí nhớ, tim đập nhanh và thậm chí hụt hơi.

Bác sĩ Nguyễn Đình Nam khuyến cáo: “Nếu các triệu chứng trên tiếp diễn trong thời gian dài, người bệnh không nên chủ quan, mà cần đến bệnh viện để được chẩn đoán chính xác. Một số bệnh lý thần kinh khác cũng có biểu hiện tương tự, nên việc thăm khám sớm là rất quan trọng để tránh hậu quả đáng tiếc”.

Về cách phòng ngừa rối loạn tiền đình, bác sĩ Đoàn Dư Mạnh chia sẻ: “Việc duy trì lối sống lành mạnh là chìa khóa quan trọng. Trước hết, giấc ngủ đóng vai trò thiết yếu - ngủ đủ 7-8 tiếng mỗi ngày và tránh thức khuya giúp hệ thần kinh có thời gian phục hồi. Sử dụng thiết bị điện tử cũng cần được kiểm soát, tránh làm việc liên tục trong nhiều giờ liền mà không có thời gian nghỉ ngơi”.

Rối loạn tiền đình không còn là căn bệnh của riêng người lớn tuổi mà đã trở thành vấn đề đáng báo động ở giới trẻ. Việc chủ động phòng ngừa bằng cách thay đổi thói quen, quản lý căng thẳng và chăm sóc sức khỏe thần kinh từ sớm sẽ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh, bảo vệ chất lượng cuộc sống lâu dài.

Bài và ảnh: MINH TRANG

 

Tin liên quan
Nội dung đang được cập nhật.