Khơi nguồn cảm hứng mới để văn công Quân đội sáng tạo, cống hiến

Phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ và truyền thống vẻ vang nghệ sĩ-chiến sĩ, thời gian qua, đội ngũ tác giả, nghệ sĩ, diễn viên các đoàn văn công Quân đội đã thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn nghệ thuật với nhiều đổi mới, sáng tạo.

Tuy nhiên, yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao đang đặt ra nhiều thách thức cho đội ngũ văn công Quân đội. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Lê Xuân Sang, Phó cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam về vấn đề này.

Phóng viên (PV): Đồng chí có những đánh giá như thế nào về hoạt động của các đoàn văn công Quân đội thời gian qua?

Thiếu tướng Lê Xuân Sang: Có thể khẳng định, văn công Quân đội đã đáp ứng tốt nhiều nhiệm vụ mới, quy mô, phạm vi lớn quốc gia, quốc tế trong lĩnh vực văn hóa-nghệ thuật (VHNT), như: Hội thao Quân sự quốc tế (Army Games), Triển lãm Quốc phòng quốc tế, liên hoan, giao lưu nghệ thuật tại nước ngoài... giúp cho tư duy nghệ thuật, tiềm năng sáng tạo, ý thức trách nhiệm của văn nghệ sĩ Quân đội có điều kiện phát huy, phát triển. Các đoàn văn công Quân đội đã tổ chức sáng tác, biểu diễn, quảng bá nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao về đề tài LLVT và chiến tranh cách mạng, góp phần tô đẹp hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong công chúng, giữ vững và tiếp tục khẳng định vai trò nòng cốt, uy tín của nghệ thuật Quân đội đối với nền nghệ thuật Việt Nam.

 Thiếu tướng Lê Xuân Sang.

Thành tựu nổi bật của các đoàn văn công Quân đội thời gian qua là khâu sáng tác, dàn dựng và quảng bá các tác phẩm nghệ thuật về người chiến sĩ, với hàng trăm tác phẩm âm nhạc, múa, sân khấu về đề tài LLVT và chiến tranh cách mạng được sáng tác, ra đời từ các cuộc vận động, trại sáng tác, tập trung vào nhiều đề tài mang tính thời sự như: Huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, hoạt động đối ngoại quốc phòng, công tác dân vận... Kết quả đó gắn liền với việc tổ chức khai thác, bảo quản, sử dụng hiệu quả các trang thiết bị chuyên dụng về nghệ thuật; qua đó, các tác phẩm được biểu diễn, ghi hình, chuyển tải nhanh, trực tiếp và bằng nhiều con đường đến với công chúng, góp phần đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của bộ đội và nhân dân.

PV: Xuất phát từ vị trí, vai trò quan trọng của công tác VHNT, Bộ Quốc phòng đã có sự quan tâm, đầu tư như thế nào để đáp ứng yêu cầu phát triển nhiệm vụ của các đoàn văn công trong tình hình mới, thưa đồng chí?

Thiếu tướng Lê Xuân Sang: Từ năm 2010, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Tổng cục Chính trị đã chủ trương cho phép xây dựng “Đề án Quy hoạch và xây dựng các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp trong QĐND Việt Nam” và triển khai thực hiện đến nay. Hơn 10 năm qua, Bộ Quốc phòng đã đầu tư đồng bộ, xây dựng, củng cố trụ sở, trang thiết bị, phương tiện, tổ chức biên chế nhân lực cho các đơn vị nghệ thuật bảo đảm phù hợp yêu cầu nhiệm vụ, phục vụ hiệu quả trong công tác tổ chức biểu diễn; hằng năm, đầu tư kinh phí hoạt động của các đơn vị nghệ thuật tăng từ 150 đến 200%. Nhờ sự quan tâm đầu tư về mọi mặt, những năm qua, các đơn vị nghệ thuật có sự phát triển mạnh mẽ, chất lượng biểu diễn phục vụ bộ đội và nhân dân ngày càng tốt hơn, tham gia các cuộc liên hoan, hội diễn trong nước và quốc tế đều đạt kết quả cao.

  Tiết mục biểu diễn của Đoàn Văn công Quân khu 2. Ảnh: NHẬT KHANG.

Tuy nhiên, trước sự phát triển không ngừng của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ biểu diễn của các đơn vị nghệ thuật trong tình hình mới và tổ chức thực hiện có hiệu quả Kết luận số 1172-KL/QUTW ngày 16-6-2022 của Thường vụ Quân ủy Trung ương “Về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác văn hóa, văn học, nghệ thuật trong Quân đội thời kỳ mới”, thời gian tới, các đoàn sẽ được đầu tư nâng cấp trang thiết bị phục vụ biểu diễn; ứng dụng khoa học-công nghệ và các phương pháp quản lý hiện đại, tiên tiến trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ biểu diễn, nhằm tối ưu hóa khả năng sáng tạo của các nghệ sĩ, diễn viên, nâng cao hiệu quả nghệ thuật, bắt kịp với xu thế phát triển của thời đại. Mặt khác, sẽ nghiên cứu điều chỉnh biên chế tổ chức một số đơn vị nghệ thuật theo hướng tinh, gọn, mạnh, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực nghệ thuật phục vụ mục tiêu lâu dài của Quân đội.

PV: Đồng chí có cho rằng hiện nay, chúng ta đang thiếu những tác phẩm có tư tưởng, giá trị cao, xứng tầm với truyền thống của QĐND Việt Nam anh hùng; trong đó, lực lượng sáng tác, biểu diễn ở các đoàn văn công còn mỏng và chưa nhiều tài năng nổi trội?

Thiếu tướng Lê Xuân Sang: Nhìn nhận nghiêm túc, chúng ta đang thiếu những tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật phản ánh hình tượng Bộ đội Cụ Hồ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay; thiếu những tác phẩm thực sự giàu sức biểu cảm, có tính thẩm mỹ cao, thôi thúc, giục giã cán bộ, chiến sĩ yêu thương, khát vọng, hành động vì Tổ quốc, vì nhân dân, vì mục tiêu xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng. Cũng thẳng thắn nhận thấy số lượng các tác phẩm thực sự đi vào lòng công chúng, để lại nhiều ấn tượng, cảm xúc mạnh mẽ chưa nhiều (vẫn còn hiện tượng hô hào hình thức trong ca từ, thiếu khái quát, chắt lọc).

Tôi cho rằng, lực lượng sáng tác trong Quân đội cần tiếp tục bám sát đề tài, tích cực nghiên cứu, phát huy sáng tạo, chú trọng nhu cầu, mong muốn và kỳ vọng của công chúng, phản ánh công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng Quân đội trong giai đoạn mới, phản ánh các hoạt động huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của bộ đội, nhất là những nhiệm vụ mới, thực sự đồng hành cùng công chúng vươn đến tầm cao về tư tưởng, nghệ thuật và thị hiếu thẩm mỹ.

PV: Được biết, năm 2023, Hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quân sẽ được tổ chức; các hoạt động nghệ thuật biểu diễn phục vụ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam vào năm 2024 cũng đang được xây dựng kế hoạch triển khai. Để chuẩn bị cho những ngày hội lớn này, Cục Tuyên huấn đã có hướng dẫn, chỉ đạo các đoàn cũng như tạo điều kiện như thế nào để có những kịch mục chất lượng?

Thiếu tướng Lê Xuân Sang: Chúng tôi xác định, Hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quân là một nội dung quan trọng trong triển khai thực hiện Đề án kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam (22-12-1944 / 22-12-2024), 35 năm Ngày hội quốc phòng toàn dân (22-12-1989 / 22-12-2024).

Để chuẩn bị cho việc này, tháng 10 vừa qua, Cục Tuyên huấn đã tổ chức Lớp tập huấn chỉ đạo nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quân tại Quân khu 2 cho 52 học viên. Tuy thời gian không dài nhưng đã trang bị cho học viên một cách có hệ thống các quan điểm tư tưởng lãnh đạo của Đảng về xây dựng, phát triển VHNT; những định hướng, kỹ năng cơ bản, các mối quan hệ trong chỉ đạo nghệ thuật; những xu hướng lớn trong hội nhập quốc tế về VHNT. Học viên được giao lưu, trao đổi hội thảo, học hỏi kinh nghiệm trong công tác quản lý, chỉ đạo nghệ thuật ở các loại hình, các vùng miền khác nhau, cụ thể về công tác chỉ đạo nghệ thuật và cách thức xây dựng chương trình ca, múa, nhạc, sân khấu tổng hợp quy mô lớn (sử thi, hợp xướng, chương trình nghệ thuật tổng hợp...).

Ngay sau khi hoàn thành kế hoạch công tác của năm 2022, chúng tôi sẽ tập trung vào việc chuẩn bị nội dung, triển khai kế hoạch, quy chế hội diễn đến các nhà hát, đoàn văn công trong toàn quân. Nghệ thuật là quá trình đi tìm cái đẹp, hướng tới chân-thiện-mỹ, chính vì thế, hội diễn là dịp để Ban tổ chức cùng các nghệ sĩ tìm tòi, khám phá, sáng tạo những điều mới lạ, khơi nguồn cảm hứng mới để đạt mục tiêu “sáng tạo mang tính độc đáo, đặc thù Quân đội”, có tính thời sự sâu sắc trong đời sống văn học-nghệ thuật của Quân đội và đất nước ta hiện nay.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!