Khơi thông nguồn lực để hoạt động văn hóa không chỉ “tiêu tiền”

“Thực tiễn, kinh nghiệm thế giới cho thấy, nếu có được thể chế, chính sách và tổ chức thực hiện tốt, hoạt động văn hóa không chỉ là “tiêu tiền" mà còn đóng góp lớn cho ngân sách quốc gia”, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nhấn mạnh.

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng. Ảnh: Đ.X

Ngày 17/12, Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội chủ trì, phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch và tỉnh Bắc Ninh tổ chức Hội thảo Văn hóa với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa”.

Thể chế, chính sách đúng sẽ khơi thông được nguồn lực to lớn

Phát biểu tại đây, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nói, nền văn hóa giàu bản sắc của dân tộc đã là bệ đỡ, tạo sức mạnh nội sinh để đất nước ta vượt qua muôn vàn thử thách, gian nan, tiến lên theo dòng chảy của lịch sử.

Những năm qua, đặc biệt là những năm đổi mới đất nước, chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hoá từng bước được nâng cao; nhiều giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc được kế thừa, phát huy.

Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về văn hóa nói chung và các lĩnh vực cụ thể của văn hóa nói riêng từng bước được bổ sung, hoàn thiện, đáp ứng tốt hơn các yêu cầu thực tiễn.

Dù vậy, theo ông Võ Văn Thưởng, vị trí, vai trò của văn hoá chưa thực sự được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Môi trường văn hoá có những mặt chưa thực sự lành mạnh.

Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chủ nghĩa cá nhân, “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí chưa bị đẩy lùi.

“Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý văn hóa chưa theo kịp yêu cầu của thực tiễn. Công tác đào tạo, bố trí đội ngũ cán bộ làm công tác văn hoá chưa tầm nhiệm vụ”, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh.

Toàn cảnh Hội thảo Văn hóa với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa”. Ảnh: P.Thắng 

Nhắc lại quan điểm của Đảng, Thường trực Ban Bí thư gợi ý một số vấn đề để các đại biểu nghiên cứu. Trong đó, ông nhấn mạnh, nếu có được thể chế, chính sách đúng đắn, phù hợp, bao quát, sẽ khơi thông được nguồn lực to lớn của đất nước cho phát triển văn hóa, con người Việt Nam.

Với trách nhiệm của mình, bên cạnh chăm lo xây dựng nguồn nhân lực văn hóa, Nhà nước phải tăng cường nguồn lực vật chất cho phát triển văn hoá, tương xứng với tăng trưởng kinh tế; nâng mức đầu tư một cách hợp lý từ nguồn ngân sách nhà nước, đồng thời khơi thông các nguồn lực xã hội, nguồn lực trong nước và nước ngoài cho phát triển văn hóa.

“Thực tiễn, kinh nghiệm thế giới cho thấy, nếu có được thể chế, chính sách và tổ chức thực hiện tốt, hoạt động văn hóa không chỉ là “tiêu tiền" mà còn đóng góp lớn cho ngân sách quốc gia”, ông Võ Văn Thưởng nói.

Đề nghị sửa Luật PPP, có chính sách tiền lương cho người làm nghệ thuật đặc thù

Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho hay, theo thống kê, nếu năm 2015, ngành công nghiệp văn hóa đóng góp vào GDP chiếm 2,68% thì tới năm 2018 đạt 3,61% GDP.

Nhưng các quy định của pháp luật hiện hành về huy động nguồn lực cho thấy văn hóa chưa hoàn toàn là ngành nghề được ưu tiên, khuyến khích.

Bộ trưởng Hùng dẫn chứng như lĩnh vực văn hóa không được áp dụng đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Hay các khoản chi tài trợ cho giáo dục, y tế, nghiên cứu khoa học... thì được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế, còn lĩnh vực văn hóa thì không.

 Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng. Ảnh: P.Thắng

Cạnh đó, đầu tư cho văn hoá còn đang ở mức khiêm tốn, chưa đạt được mục tiêu chi đầu tư cho văn hóa đạt 1,8% tổng chi ngân sách Nhà nước…

“Nhìn lại những khó khăn, vướng mắc nêu trên, trước tiên Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xin nhận trách nhiệm với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước lĩnh vực văn hóa đã có những “khoảng trống” trong công tác tham mưu của mình", ông Hùng thẳng thắn và bày tỏ thật rằng, hội thảo hôm nay có giá trị “được nói và được nhiều gói mang về”.

“Gói ở đây là sự hoàn thiện hơn nữa về thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hoá”, tư lệnh ngành Văn hóa giải thích.

Và với tất cả sự kỳ vọng và mong muốn, bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề nghị rà soát, xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh trực tiếp lĩnh vực văn hóa nhằm lấp đầy các “khoảng trống về pháp lý” tạo cơ sở, nguồn lực phát triển văn hoá.

Trong đó, ông đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa; sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo; Luật Đầu tư, Luật PPP, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp theo hướng bổ sung các khoản chi tài trợ cho văn hóa, thể thao được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế…

Đặc biệt là có chính sách về tuổi lao động, tiền lương, phụ cấp cho những người hoạt động trong các bộ môn nghệ thuật đặc thù – những chiến sĩ trên mặt trận văn hoá, nghệ thuật; chính sách cho các nghệ nhân - những người giữ hồn, giữ lửa trong lĩnh vực di sản văn hoá phi vật thể.

“Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tin tưởng và kỳ vọng sau hội thảo ngày hôm nay, cả hệ thống chính trị sẽ thống nhất nhận thức, hành động trong xây dựng thể chế, chính sách phát triển văn hoá của đất nước để “khơi thông nguồn lực” và “thúc đẩy sáng tạo”, chuyển hóa các trụ cột tài nguyên văn hóa vốn vô cùng giàu có, phong phú của dân tộc thành sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

Trả lời các câu hỏi trong phiên thảo luận, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, hiện nay trong Luật Đầu tư, mới có ưu đãi đầu tư cho bảo tồn văn hóa còn phát triển các ngành văn hóa khác chúng ta chưa có ưu đãi.

 Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông

Vì vậy, tới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để nghiên cứu bổ sung các ưu đãi.

“Có thể là ưu đãi về miễn, giảm thuế về đất đai. Bên cạnh đó có thể xem các khoản doanh nghiệp tài trợ cho các hoạt động văn hóa, nghệ thuật có được tính là chi phí giảm trừ hợp lý khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp hay không?... Tất cả đều phải được đặt ra rất nghiêm túc để khuyến khích đầu tư cho lĩnh vực này”, Thứ trưởng Trần Duy Đông nói.

Liên quan đến hợp tác PPP, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, qua phát biểu của đại diện UBND TP Hồ Chí Minh, TP Hà Nội thấy các địa phương có nhu cầu rất lớn, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn của việc phát triển ngành công nghiệp văn hóa. Do đó, theo ông, cần phải nghiên cứu, sửa đổi Luật PPP, quy định rất rõ ngành nghề với các quy định hợp lý và trước mắt có thể thí điểm với TP HCM.