Không có cơ chế và vốn, Quy hoạch Thủ đô chỉ là “định hướng tương lai”
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, sau khi được Quốc hội phê duyệt, Hà Nội phải xây dựng kế hoạch, xác định cơ chế, cách huy động nguồn vốn để thực hiện Quy hoạch Thủ đô, nếu không “quy hoạch này chỉ là định hướng về tương lai”.
Ngày 20/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Có hệ thông đường sắt đô thị, các nhà đầu tư sẽ bỏ tiền ra cải tạo các đô thị
Góp ý, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) đề nghị quy hoạch TP Hà Nội cần chú ý phải có đường rộng để đi, có đường thoát khi có sự cố cháy nổ.
Đại biểu đoàn Hà Nội cũng đề xuất giảm và tiến đến không còn nhà ống tại Hà Nội. Việc này, theo ông Trí, phải bàn với người dân để tìm sự đồng thuận cao.
“Chúng ta đã trải qua mấy thập kỷ nhà ống và tình trạng này đến bây giờ rất khó để xử lý, sửa chữa. Nhân đợt này chúng ta hạn chế dần, không có mới và quy hoạch lại để thay đổi”, ông nói.
Cạnh đó, theo ông Trí, làm đường trên cao chỉ nên phát triển ở ngoài nội đô, còn trong phố nơi dân cư đông đúc thì hạn chế tối đa.
“Phố cổ thì không nên làm đường cao tầng đã đành rồi, nhưng những phố rất đẹp cũng không nên làm đường cao tầng, vì sẽ ngăn cản tầm nhìn và làm xấu TP”, ông Trí nêu.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn TP Hà Nội). Ảnh: P.Thắng |
Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn TP Hà Nội) nhấn mạnh “nút thắt” lớn nhất của Thủ đô Hà Nội hiện nay là ùn tắc giao thông, cần phải tập trung giải quyết.
Việc xây dựng được 14 tuyến đường sắt đô thị như đề án vạch ra, ông Cường nhận định, sẽ tạo thành hệ thống mạng lưới đường sắt đủ khả năng kết nối giao thông cho người dân có thể di chuyển tới bất kể địa điểm nào trên khu vực Thủ đô.
Khi đó đường sắt đô thị sẽ thay thế được các phương tiện cá nhân, giải quyết được ùn tắc và ô nhiễm môi trường, theo ông Cường.
Hệ thống đường sắt đô thị còn giúp giãn các hoạt động kinh tế đang tập trung ở nội đô ra phát triển ở những vùng đô thị mới; kết nối các tỉnh Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hà Nam trở thành đô thị vệ tinh của Thủ đô Hà Nội.
Vẫn theo đại biểu, khi đã có hệ thống đường sắt, các khu vực chung cư cũ, khu nhà dân thấp tầng lụp xụp, chen chúc, mất an toàn đang là vấn đề bức xúc hiện nay có thể dồn lại xây các nhà cao tầng mới, khu đô thị hiện đại.
Không gian ngầm bên dưới phát triển thành khu thương mại, dịch vụ, còn trên mặt đất trở thành không gian trống để trồng cây xanh, khu vực công cộng.
“Đấy mới là hình ảnh của đô thị văn minh, hiện đại chứ không thể tồn tại như những khu chung cư cũ, những khu nhà phố chật chội hiện nay. Nếu chúng ta có đường sắt rồi thì tự các nhà đầu tư sẽ bỏ tiền ra cải tạo được các đô thị”, ông Cường phát biểu.
Hà Nội phải xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch Thủ đô khả thi nhất
Giải trình thêm sau đó, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói lập ra và vẽ quy hoạch có thể khó nhưng chưa khó bằng việc giữ và thực hiện.
Quốc hội thảo luận tại hội trường về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội. Ảnh: P.Thắng |
Dẫn ngay câu chuyện phát triển 14 tuyến đường sắt đô thị mà đại biểu Hoàng Văn Cường đặt rất nhiều kỳ vọng, ông Dũng nói, hiện làm một dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội mất 12 - 15 năm. Nếu xây dựng 14 tuyến đường sắt như đề án không có cơ chế để huy động, không có cơ chế để thực hiện thì đến bao giờ mới xong.
Theo ông Dũng, 14 tuyến đường sắt đô thị Hà Nội dự kiến xây dựng cần khoảng 40 tỷ USD nhưng kế hoạch đặt ra là thực hiện trong vòng hơn 10 năm, từ nay đến 2035.
“Vậy, cơ chế nào, nguồn lực nào, tổ chức thực hiện như thế nào để chúng ta làm được điều này? Nếu không thì quy hoạch này chỉ là định hướng về tương lai, là kỳ vọng chúng ta mong muốn, chứ không phải điều chúng ta nhìn thấy được”, ông Dũng nói.
Cho rằng đây là vấn đề lớn, khó, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau khi được Quốc hội phê duyệt, Hà Nội phải xây dựng kế hoạch để thực hiện một cách khả thi nhất.
“Kế hoạch đó phải có các cơ chế, chính sách đi kèm, cách huy động nguồn vốn thế nào, tổ chức triển khai thế nào, thứ tự, danh mục dự án thế nào, thứ tự ưu tiên ra làm sao… Rất nhiều vấn đề trong tổ chức thực hiện mới có được một bức tranh, mới có được một Thủ đô Hà Nội trong tương lai như chúng ta mong muốn ngày hôm nay”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.
Cho ý kiến về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, Ủy ban Kinh tế đề nghị bổ sung đánh giá, số liệu cụ thể với tình trạng ùn tắc giao thông, ngập úng đô thị, quỹ đất dành cho giao thông thấp, nhất là giao thông tĩnh. Cạnh đó, phân tích rõ hơn hiện trạng của các hạ tầng kỹ thuật và việc liên kết giữa các ngành với nhau, đặc biệt là tính đồng bộ giữa các phương thức giao thông. Quy hoạch Thủ đô xác định 6 nhiệm vụ trọng tâm về bảo vệ môi trường; giao thông, phát triển đô thị, nông thôn; kinh tế; văn hóa, xã hội; an ninh, an toàn; khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực. 4 khâu đột phá gồm: Phát triển về thể chế và quản trị; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và kết nối; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và khai thác tài nguyên nhân văn; đô thị, môi trường và cảnh quan. Ủy ban Kinh tế đề nghị bổ sung làm rõ hơn phương hướng phát triển từng giai đoạn 2021 - 2030 và giai đoạn sau năm 2030 tương ứng với từng nhiệm vụ trọng tâm cụ thể để có cơ sở xác định nguồn lực, danh mục dự án ưu tiên đầu tư. Ngoài ra, Ủy ban Kinh tế đề nghị tiếp tục nghiên cứu, bổ sung các đột phá về nhà ở xã hội, giao thông và môi trường. |