Kiên Giang: 24 xã, 3 huyện được công nhận xã và vùng An toàn khu
Sáng 6/11, tại huyện U Minh Thượng, UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận 24 xã An toàn khu (ATK) và vùng ATK thuộc tỉnh Kiên Giang.
ATK là khu vực mà Quân đội nhân dân Việt Nam giành được quyền kiểm soát gần như tuyệt đối trong thời gian chiến tranh chống Pháp, Nhật, Mỹ. ATK có 2 cấp: xã An toàn khu và vùng An toàn khu.
Theo đó, huyện U Minh Thượng có 6/6 xã được công nhận là xã ATK gồm An Minh Bắc, Minh Thuận, Hòa Chánh, Vĩnh Hòa, Thạnh Yên và Thạnh Yên A. Huyện An Minh có 11 xã, thị trấn được công nhận là xã Đông Hưng, Đông Hưng A, Đông Hưng B, Vân Khánh, Vân Khánh Đông, Vân Khánh Tây, Đông Hòa, Đông Thạnh, Thuận Hòa, Tân Thạnh và thị trấn Thứ Mười Một. Huyện Vĩnh Thuận, có 7 xã, thị trấn được công nhận là xã Vĩnh Thuận, Vĩnh Phong, Vĩnh Bình Nam, Vĩnh Bình Bắc, Bình Minh, Phong Đông và Tân Thuận.
Vùng liên huyện U Minh Thượng - An Minh - Vĩnh Thuận được công nhận là vùng ATK.
Ông Nguyễn Lưu Trung, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết: Với việc công nhận 24 xã ATK và vùng ATK mở ra một cơ hội mới cho huyện U Minh Thượng, Vĩnh Thuận và An Minh trên con đường xây dựng, phát triển và hội nhập.
Chính quyền các cấp tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ xây dựng xã ATK, vùng ATK theo Chỉ thị số 14 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị định số 75 của Chính phủ. Theo đó, người dân đang thường trú tại các xã các xã ATK, vùng ATK cách mạng trong kháng chiến chống pháp và chống Mỹ đã được cập nhật thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dự liệu về cư trú” được cấp thẻ BHYT miễn phí và hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh.
Quan tâm bố trí nguồn lực phát triển cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư nhằm phát triển kinh tế - xã hội; phấn đấu sớm hoàn thành xây dựng nông thôn mới ở các xã ATK cách mạng; Chủ động cân đối ngân sách địa phương, huy động các nguồn lực khác để hỗ trợ nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, giải quyết công ăn việc làm, bảo đảm an sinh xã hội tại các xã ATK, vùng ATK cách mạng; Quan tâm trùng tu các di tích lịch sử cách mạng nơi các Bộ, ngành, cơ quan đã từng hoạt động trên địa bàn xã ATK, vùng ATK cách mạng và xây dựng quy chế quản lý, bảo tồn phát huy giá trị các di tích lịch sử sau khi được công nhận xã ATK, vùng ATK cách mạng, ông Nguyễn Lưu Trung nhấn mạnh.
Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Quốc Khởi, Chủ tịch UBND huyện U Minh Thượng cho biết: Việc được công nhận xã ATK, vùng ATK thể hiện sự ghi nhận của Đảng và Nhà nước đối với những công lao, sự huy sinh mất mát; ghi nhận các địa danh lịch sử đối với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong vùng.
Và cũng là dịp để chúng ta nhìn lại sự chiến đấu anh dũng, kiên cường của các thế hệ đi trước và những mất mát, hy sinh, sự đóng góp to lớn của nhân dân trong công cuộc đấu tranh, giải phóng dân tộc; để tạo thêm động lực, khí thế mới trong thi đua lao động sản xuất, giúp quân và dân các huyện trong vùng, tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, khát vọng vươn lên, xây dựng và bảo vệ tổ quốc, xây dựng vùng nông thôn mới, ông Khởi cho hay.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, xâm lược, toàn vùng U Minh Thượng (gồm U Minh Thượng - An Minh - Vĩnh Thuận) được xem là “cái nôi” cách mạng của tỉnh. Phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng nhân dân nơi đây phát triển khá sớm và mạnh mẽ. Mùa khô năm 1932, Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Kiên Giang được thành lập tại làng Vĩnh Thuận, quận Phước Long, tỉnh Rạch Giá (nay là xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang), đánh dấu mốc trưởng thành về mặt tổ chức.
Tháng 1/1941, Xứ ủy Nam kỳ chủ trương xây dựng căn cứ ở U Minh thuộc hai tỉnh Rạch Giá và Bạc Liêu. Đồng chí Phan Văn Hòa (tức Võ Văn Kiệt), Tỉnh ủy viên tỉnh Rạch Giá được phân công chỉ đạo 3 làng Vĩnh Thuận, Vĩnh Phong và Vĩnh Bình; xây dựng nơi đây thành một hành lang bảo vệ khu căn cứ. Từ đó, khu rừng U Minh chính là căn cứ cách mạng an toàn của cả miền Tây Nam bộ; nhiều cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước như các đồng chí: Lê Duẩn, Phạm Hùng, Lê Đức Thọ, Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, Lê Đức Anh, Đồng Văn Cống, Nguyễn Đệ… tìm về đây để hoạt động và lãnh đạo phong trào cách mạng.
Dưới sự lãnh đạo của tổ chức đảng, phong trào đấu tranh của nhân dân khắp nơi trong vùng U Minh Thượng liên tiếp nổ ra. Lực lượng vũ trang địa phương trong toàn vùng U Minh Thượng đã chủ động phối hợp với lực lượng vũ trang của quân khu tổ chức các trận đánh làm nên những chiến công vang dội, bảo vệ an toàn cho cán bộ, cơ quan, tổ chức của Đảng và Nhà nước đóng trên địa bàn, góp phần tạo ra cục diện chiến trường lợi thế cho cách mạng, làm phá sản các chiến lược chiến tranh của địch, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước vào ngày 30/4/1975.
Ghi nhận những cống hiến, hy sinh, những chiến công, thành tích của Đảng bộ, quân và dân vùng U Minh Thượng, Chủ tịch nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân cho các huyện An Biên, Vĩnh Thuận. Ngày 28/6/1987, Bộ Văn hóa - Thông Tin công nhận Di tích lịch sử căn cứ U Minh Thượng. Ngày 29/01/2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch công nhận Di tích lịch sử An ninh Khu 9 là Di tích lịch sử cấp Quốc gia.
Cũng trong sáng nay, UBND tỉnh Kiên Giang đã tặng nhiều phần quà cho các mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình chính sách, người có công, thương binh trên địa bàn huyện U Minh Thượng, An Minh và Vĩnh Thuận.