Làm rõ dòng tiền, hạn chế tối đa thiệt hại cho các bị hại

Tại phiên phúc thẩm vụ án Nguyễn Văn Thanh và đồng phạm phạm tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo và các bị hại, thẩm phán chủ tọa phiên tòa đã quyết định hoãn phiên tòa triệu tập một số tổ chức, cá nhân để làm rõ dòng tiền cùng các lô đất mà các bị cáo đã dùng để trả cho một số cá nhân, tổ chức.

Article thumbnail
Bị cáo Thanh, Hội tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: Báo Hưng Yên

Diễn biến vụ án

Dự án khu đô thị New City Phố Nối được UBND tỉnh Hưng Yên giao cho Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản và Thương mại Dịch vụ Thăng Long (Cty Thăng Long) làm chủ đầu tư theo hình thức đổi đất lấy công trình, theo Quyết định số 3080/QĐ-UB ngày 2/12/2004 và bàn giao đất trên thực địa ngày 26/4/2012.

Theo bản án sơ thẩm, Cty Thăng Long chưa nộp tiền sử dụng đất nên dự án chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các lô đất thuộc dự án và chưa được phép mở bán. Tuy nhiên, công ty này vẫn tiến hành ký hợp đồng thỏa thuận chuyển nhượng nền đất với các khách hàng.

Công ty TVT Land (Cty TVT) có địa chỉ tại số 5/1 Đình 3, thôn Mỹ Nội, xã Bắc Hồng, huyện Đông Anh, TP Hà Nội, hoạt động trong lĩnh vực môi giới bất động sản, đầu tư bất động sản, kinh doanh dịch vụ nhà hàng.

Đầu năm 2021, Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch HĐQT và Đỗ Đức Hội - Tổng Giám đốc Cty TVT đã bàn bạc, cùng nhau mua lại các hợp đồng thỏa thuận chuyển nhượng nền đất của các khách hàng đã ký với Cty Thăng Long tại dự án New City Phố Nối (gọi là hợp đồng gốc), tập hợp thông tin về các lô đất thành bảng hàng, giao cho nhân viên kinh doanh đi tìm kiếm khách hàng mời chào đầu tư bất động sản với 2 hình thức:

Bán thẳng (bán đứt): Khách hàng phải nộp toàn bộ giá trị quyền mua lô đất theo thỏa thuận và ký hợp đồng thỏa thuận chuyển nhượng. Nguyễn Văn Thanh và Đỗ Đức Hội có trách nhiệm liên hệ với chủ đất đứng tên trong hợp đồng gốc của lô đất và Cty Thăng Long để làm thủ tục sang tên cho khách hàng, khách hàng được nhận bộ hồ sơ gốc do Cty Thăng Long phát hành.

Mua cam kết, hưởng lợi nhuận: Khách hàng mua cam kết sẽ phải nộp cho công ty một khoản tiền từ 50% trở lên giá trị quyền mua lô đất. Sau từ 2 - 3 tháng, Cty TVT sẽ mua lại lô đất với giá cao hơn số tiền khách hàng đã nộp khoảng 20 - 30%. Cty TVT cam kết nếu không thực hiện đúng thì khách hàng có quyền nhận lô đất mà không phải đóng thêm bất kỳ khoản tiền nào khác.

Trong thời gian cam kết, nếu khách hàng có nhu cầu thu hồi vốn về thì uỷ quyền cho Cty TVT được bán lô đất cho người khác và thanh lý hợp đồng trước hạn, trả lại tiền gốc và tiền lợi nhuận cho khách hàng theo số ngày thực tế khách đã đầu tư. Các khách hàng mua cam kết nộp tiền sẽ được ký hợp đồng thỏa thuận chuyển nhượng lô đất giữa Cty TVT và khách hàng.

Bằng hình thức trên, từ tháng 4 - 12/2021, Nguyễn Văn Thanh và Đỗ Đức Hội đã sử dụng nhiều thủ đoạn, đưa ra thông tin Cty TVT là chủ đầu tư dự án khu đô thị New City, có hợp đồng gốc với Cty Thăng Long ở nhiều lô đất tại dự án, làm nhiều khách hàng tin tưởng, tiến hành ký cam kết, thỏa thuận chuyển nhượng nền đất với Cty TVT.

Trong đó có những lô đất, Cty TVT đã ký cam kết, thỏa thuận chuyển nhượng với nhiều người. Từ đó, Thanh và Hội đã chiếm đoạt hơn 197 tỷ đồng của 158 khách hàng.

Tháng 12/2021, Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Hưng Yên đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Văn Thanh và Đỗ Đức Hội về tội “lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”.

Tại phiên tòa sơ thẩm diễn ra từ ngày 20 - 21/3/2023, hội đồng xét xử tuyên án chung thân với Nguyễn Văn Thanh, tuyên 20 năm tù đối với Đỗ Văn Hội với tội danh “lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”. Buộc Thanh và Hội phải trả cho các bị hại số tiền đã chiếm đoạt.

Không đồng ý với bản án, hơn 80 bị hại đã có đơn kháng cáo với nội dung chính là: Hủy án sơ thẩm; điều tra làm rõ trách nhiệm hình sự của Cty Thăng Long và một số tổ chức, cá nhân tránh bỏ lọt tội phạm; làm rõ dòng tiền Thanh, Hội chiếm đoạt sử dụng vào mục đích gì, thu hồi để bồi thường cho các bị hại.

Ngày 14/8/2023, Tòa án nhân dân Cấp cao tại TP Hà Nội mở phiên phúc thẩm, căn cứ vào diễn biến phiên tòa, ý kiến của các bị hại, luật sư bảo vệ cho một số bị hại và đại diện Viện Kiểm sát Cấp cao, thẩm phán Vũ Thị Thu Hà - chủ tọa phiên tòa đã quyết định hoãn phiên tòa để triệu tập một số tổ chức, cá nhân nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo cũng như các bị hại.

Làm rõ dòng tiền để thu hồi bồi thường cho các bị hại

Tại phiên phúc thẩm, khi được hỏi về số tiền chiếm đoạt được của các bị hại đã sử dụng vào mục đích gì, bị cáo Thanh khai nhận: Ngoài việc chuyển tiền cho Cty Thăng Long để mua các lô đất 89 tỷ đồng; ứng trước 4 tỷ đồng cho Cty Thăng Long thi công dải áp phan đường nội bộ khu trong dự án khu đô thị New City; bị cáo đã chi trả lợi nhuận cam kết cho các khách hàng khoảng hơn 90 tỷ đồng chứ không phải hơn 40 tỷ đồng như kết luận điều tra.

Ngoài ra, bị cáo Thanh cũng khai đã sử dụng 37 lô đất để thanh toán tiền gốc cho khách hàng Vũ Hồng Quân và Cao Văn Thiết, đây là những lô đất mà Công ty TVT Land mua lại của những khách hàng đã mua của chủ đầu tư trước đó.

Theo kết luận điều tra thì ông Vũ Hồng Quân chưa đến cơ quan điều tra làm việc và cung cấp tài liệu liên quan.

Ở một diễn biến khác, ông Lê Văn Mạnh (bị hại) cho rằng trong số hồ sơ gốc ông Quân, ông Thiết đang giữ có 2 lô đất (BLK 17-02 và BLK 17-06) Cty TVT đã ký thỏa thuận bán cho ông, nhưng đến nay cơ quan điều tra cũng chưa làm rõ ai mới là người có quyền sở hữu hợp pháp với 2 lô đất này là chưa đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng cho ông.

Thiết nghĩ, ngoài việc làm rõ trách nhiệm của một số tổ chức cá nhân có liên quan đến vụ án này, thì các cơ quan công tố cũng cần phải xác định rõ số tiền các bị cáo chiếm đoạt đã sử dụng như thế nào và các lô đất mà các bị hại đã mua đứt hoặc ký cam kết hiện nay ai đang sở hữu và tính hợp pháp của nó để thu hồi triệt để, giảm thiểu tối đa thiệt hại của các bị hại.

Đồng thời, làm rõ được điều này cũng là căn cứ để định khung hình phạt và đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo.