Lễ dâng hương kỷ niệm 980 năm Ngày sinh của Hoàng Thái hậu - Nguyên phi Ỷ Lan
Ngày 15-4 (tức ngày 7-3 năm Giáp Thìn), chính quyền và nhân dân phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm đã tổ chức lễ dâng hương kỷ niệm 980 năm Ngày sinh Hoàng Thái hậu - Nguyên phi Ỷ Lan để tưởng nhớ những công ơn to lớn của bà.
Tọa lạc ở nơi giao nhau giữa ngõ Tạm Thương và phố Yên Thái, phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội là Đình Yên Thái – nơi thờ Hoàng Thái hậu – Nguyên phi Ỷ Lan. Bà là Nguyên phi của vua Lý Thánh Tông và là mẹ của vua Lý Nhân Tông. Trong hơn nửa thế kỷ (1063 - 1117) là Nguyên phi, rồi Hoàng hậu, Nhiếp chính Triều Lý, Ỷ Lan Nguyên phi đã tỏ ra là là bậc nữ lưu kiệt xuất, có tài kinh bang tế thế phò vua giúp nước, người hai lần nhiếp chính, giúp vua đánh thắng giặc, giữ nghiêm phép nước, trừng trị bọn lộng quyền, tham nhũng, được xưng tụng là “Lý Đại Mẫu nghi”.
Trong khuôn khổ sự kiện, Ban Tổ chức đã thực hiện nhiều hoạt động nhằm bày tỏ tấm lòng thành kính, tri ân với Đức mẫu Hoàng Thái hậu - Nguyên phi Ỷ Lan.
Lễ rước kiệu xuất phát từ đình Yên Thái qua một số tuyến phố. |
Lễ dâng hương là một trong những hoạt động thuộc Đề án “Tổ chức lễ hội truyền thống trong khu phố cổ và khu vực hồ Hoàn Kiếm”, nhằm khôi phục và phát huy lễ hội truyền thống, qua đó tôn vinh, quảng bá những giá trị văn hóa phi vật thể quý báu của mảnh đất Thăng Long nghìn năm văn hiến. Các hoạt động như lễ dâng hương; lễ trình Mẫu, nghi thức phóng sinh,... đều được tổ chức một cách trang trọng theo nghi lễ.
Chủ tịch UBND phường Hàng Gai Nguyễn Mạnh Linh phát biểu khai mạc Lễ dâng hương. |
Ông Nguyễn Mạnh Linh - Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường chia sẻ: “Chúng tôi thấy rằng việc tổ chức lễ hội gắn với ngày sinh, ngày hóa của Mẫu giúp khôi phục những nét văn hóa và lễ hội truyền thống của người Việt. Đồng thời, lễ hội cũng là dịp để nhân dân phường Hàng Gai nói riêng và nhân dân quận Hoàn Kiếm nói chung tỏ lòng biết ơn với công lao của Mẫu. Đối với phường Hàng Gai, chúng tôi cũng đã tổ chức tuyên truyền tới nhân dân trong thời gian qua và cũng nhận được sự hưởng ứng tích cực. Trong lễ rước hôm nay, cả 6 tổ dân phố đều dâng lễ vật, đây cũng là một trong những hoạt động truyền thống rất tốt, góp phần giúp đời sống văn hóa của người dân phường Hàng Gai thêm phần tích cực hơn”.
Thủ từ Trường Sinh, Trưởng tiểu ban quản lý di tích Đình Yên Thái lên trình Mẫu. |
Nhân dịp này, UBND phường Hàng Gai cũng đã phối hợp với họa sĩ Thế Sơn - giám tuyển dự án - giảng viên Đại học Nghệ thuật (Đại học Quốc gia Hà Nội) cùng Nhóm nghệ sĩ trẻ tổ chức Trưng bày triển lãm không gian di sản văn hóa với chủ đề “Đường Tơ”. Triển lãm lấy cảm hứng từ câu chuyện của Nguyên phi Ỷ Lan từ khi xuất thân là thôn nữ trồng dâu nuôi tằm dệt lụa cho tới khi làm Hoàng Thái hậu.
Không gian triển lãm với chủ đề “Đường Tơ”. |
Lễ dâng hương là một hoạt động văn hóa truyền thống, có ý nghĩa, không chỉ của người dân phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm, mà còn là niềm tự hào của nhân dân Thủ đô trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, tôn vinh những giá trị văn hóa lịch sử khu Phố cổ Hà Nội, thể hiện tình cảm và truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc Việt Nam. Sau lễ dâng hương, Đội tế nam, tế nữ hành lễ; nhân dân và du khách thập phương vào lễ và tự do tham quan đền.
Ban tổ chức và các lãnh đạo thành phố chụp ảnh kỷ niệm. |
Bà Nguyễn Vân Anh (50 tuổi, Long Biên) tham dự lễ dâng hương mừng 980 năm Ngày sinh của Hoàng Thái hậu - Nguyên phi Ỷ Lan. |
Là một người không sinh sống tại quận Hoàn Kiếm, nhưng hầu như năm nào bà Nguyễn Vân Anh (50 tuổi, Long Biên) cũng tới tham dự Hội đình Yên Thái, bà chia sẻ: “Tôi đã có cơ hội đến dâng hương mừng ngày sinh của Hoàng Thái hậu - Nguyên phi Ỷ Lan nhiều lần, nhưng riêng năm nay, tôi cảm thấy chính quyền địa phương đã dành nhiều sự quan tâm trong công tác chỉ đạo và chuẩn bị cho lễ hội. Lễ hội được tổ chức rất trang trọng, mọi người đều hoan hỷ đến lễ mẫu. Bản thân tôi cảm thấy Hội đình Yên Thái có sự khác biệt so với các lễ hội khác bởi nó vừa có ý nghĩa tôn vinh nghề dệt lụa, vừa mang giá trị tâm linh đối với người dân địa phương”.
Tin, ảnh: PHƯƠNG ANH