Lòng dân miền Tây sắt son với Bác Hồ

Trong kháng chiến, đền thờ, bàn thờ Bác là "pháo đài" niềm tin của nhân dân đối với Đảng, với Bác Hồ, là sức mạnh tinh thần của nhân dân, nhưng là cái gai trong mắt Mỹ - ngụy. Vì vậy, kẻ địch luôn tìm cách dẹp bỏ bằng những trận càn quét, bắn phá. Nhưng chúng bất lực trước tinh thần bám trụ, bảo vệ và kiên quyết đấu tranh của nhân dân ta.

Nguyện hy sinh

Giữa lúc cuộc chiến tranh đang diễn ra ác liệt những người con miền sông nước Cửu Long vô cùng đau đớn khi hay tin: Hồ Chủ tịch qua đời. Với lòng kính yêu vô hạn, bất chấp bom, đạn của kẻ thù, quân và dân Đồng bằng Sông Cửu Long tổ chức lễ truy điệu Bác dưới nhiều hình thức. Không chỉ thế, người miền Tây lập bàn thờ, dựng đền thờ để tưởng nhớ Người. Trải qua hơn nửa thế kỷ những công trình ấy vẫn sừng sững hiên ngang như biểu tượng kiên trung với Bác.

Sinh thời, Bác Hồ luôn đau đáu hướng về miền Nam ruột thịt, nhân dân miền Nam cũng hết lòng kính yêu và mong đợi một ngày Bác đặt chân đến vùng đất này. Những năm cuối đời, mặc dù tuổi cao sức yếu, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn thường theo dõi tin tức và mong muốn được vào thăm đồng bào, chiến sĩ miền Nam. Năm 1968, Người đã gửi thư cho đồng chí Lê Duẩn, đề nghị tổ chức cho Bác vào thăm miền Nam nhưng chưa thực hiện được mong muốn đó thì Bác đã đi xa. Đồng bào miền Nam, cán bộ chiến sĩ miền Nam cùng với đồng bào cả nước khóc tiễn đưa Người… Lễ tang và lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh được đồng bào miền Nam tổ chức từ trong kháng chiến đến chiến hào rực lửa, từ thành thị đến nông thôn, cả trong chuồng cọp nhà tù Côn Đảo, Phú Quốc,…

Với lòng tưởng nhớ sâu sắc, nhân dân và chính quyền cách mạng đã xây cất đền thờ Bác. Theo thống kê, có hơn 34 Đền thờ Bác Hồ đã được dựng lên ở Đồng bằng sông Cửu Long. Cho đến nay, hầu hết các Đền thờ Bác Hồ đều được tu bổ, tôn tạo khang trang. Nhắc về quá khứ hào hùng trong đấu tranh bảo vệ Đền thờ Bác ở ấp Vĩnh Hội, xã Long Đức, thành phố Trà Vinh (Trà Vinh), ông Nguyễn Đức Tố, Trưởng Ban quản lý di tích tỉnh Trà Vinh thông tin: “Đền thờ Bác được xây dựng cuối tháng 3-1970 và hoàn thành vào ngày 30 Tết Nguyên đán năm 1971. Đền thờ nằm giữa vòng vây, kìm kẹp của Mỹ - ngụy. Sự tồn tại của ngôi Đền như cái gai chọc vào mắt địch nên chúng thường xuyên càn quét, đánh phá. Trong thời gian xây dựng, bảo vệ Đền thờ đến ngày đất nước giải phóng, lực lượng vũ trang và nhân dân Long Đức bẻ gãy hàng trăm trận đánh phá bằng máy bay, pháo binh, tàu chiến của địch, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 300 tên. Song, cũng có hơn 20 cán bộ, chiến sĩ và quần chúng đã anh dũng hy sinh”.

Đền thờ Bác Hồ ở Trà Vinh. 

Đến thờ Bác Hồ ở xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu nhìn từ trên cao. 

Đã 51 năm gắn bó với vai trò là người bảo vệ Đền thờ Bác Hồ, ông Nguyễn Văn Khoa, ấp Bà Chăng A, xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu) mở lòng: “Sau lễ truy điệu vì chưa kịp xây dựng Đền thờ Bác nên xã ủy Châu Thới mượn tạm ngôi nhà của người dân để thờ Bác. Đầu năm 1971, địch càn quét vào ấp Bà Chăng A dã tâm đốt phá, hành động ấy làm cho nhân dân thêm căm phẫn. Bằng quyết tâm và biến đau thương thành hành động, sáng 25-4-1972 ngôi đền chính thức được khởi công xây dựng và hoàn thành trong 24 ngày. Đền thờ Bác hoàn thành, địch nhiều lần dùng các phương tiện chiến tranh như máy bay, pháo 105 mm, bộ binh bắn phá, càn quét hòng phá hủy. Nhưng quân, dân xã Châu Thới đã mưu trí, dũng cảm đánh tan, bảo vệ an toàn ngôi đền đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước.

“Để bảo vệ Đền thờ, xã Châu Thới đã lập tổ bảo vệ do tôi và 6 đồng chí khác phụ trách. Nhận nhiệm vụ, Đảng bộ xã và đồng đội tổ chức cho đội bảo vệ thề nguyện với khí tiết sẵn sàng hy sinh. Từ ngày ấy, khi có thông tin giặc càn quét là đội bảo vệ bố trí phương án ngăn chặn từ xa”, ông Nguyễn Văn Khoa nhớ lại.

48 năm ngày đất nước thống nhất, hệ thống Đền thờ, Phủ thờ Bác Hồ trở thành biểu tượng văn hóa, lịch sử quan trọng trong đời sống của quân dân miền sông nước Cửu Long. Hằng năm các đền thờ, phủ thờ luôn duy trì hoạt động mừng sinh nhật Bác, lễ giỗ, dâng hương, báo công,... tạo nên một nét văn hóa rất riêng biệt. Hiện có 3 đền thờ được xếp hạng là Di tích lịch sử cấp Quốc gia, 6 đền là Di tích cấp tỉnh.

Mãi lòng son

Nếu như Đền thờ Bác Hồ ở xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu); Đền thờ Bác Hồ ở xã Long Đức, TP Trà Vinh (Trà Vinh) được xây dựng ngay sau khi Bác Hồ qua đời để tỏ lòng thành kính, là một trong những phong trào biến đau thương thành hành động,… thì Khu tưởng niệm Bác Hồ ở TP Cà Mau (Cà Mau) được xây dựng sau năm 1994 nhằm thỏa lòng mong mỏi của người dân vùng cực Nam Tổ quốc được viếng Bác. Nhiều hạng mục công trình Đền thờ ở Cà Mau được giữ nguyên bản tỷ lệ 1:1 với công trình ở Hà Nội.

“Ý nguyện được ra Hà Nội viếng Bác và thăm nhà sàn nơi Bác ở lúc sinh thời luôn thôi thúc trong lòng mỗi người dân Đất Mũi. Nhưng vì khoảng cách địa lý xa xôi, kinh tế khó khăn nên không phải ai cũng thực hiện được. Tháng 10-1994, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Minh Hải (nay là Cà Mau và Bạc Liêu) xin chủ trương xây dựng Nhà sàn Bác Hồ để mọi người đều được đến viếng thăm”, ông Lê Minh Sơn, Trưởng ban quản lý di tích tỉnh Cà Mau thông tin.

Nhà sàn Bác Hồ tại khu tưởng niệm ở Cà Mau. 
Cán bộ, chiến sĩ Quân khu 9 tham quan, tìm hiểu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh- chi nhánh Đồng bằng sông Cửu Long.  

Lòng cảm mến vị cha già dân tộc còn được thể hiện bởi nhiều hoạt động, trong đó tiêu biểu là việc sáng tạo các chất liệu làm ảnh chân dung Bác. “Ở Đồng bằng sông Cửu Long ghi nhận tác phẩm sớm nhất, ấn tượng nhất là bức tranh vẽ bằng máu từ cánh tay mình của họa sĩ Diệp Minh Châu (Bến Tre) trong ngày 2-9-1947, chủ đề Hồ Chủ tịch với 3 cháu thiếu nhi Bắc - Trung - Nam. Ngày nay, với các chất liệu khác nhau vừa quen thuộc vừa là đặc trưng tiêu biểu của vùng đất miền Tây Nam Bộ như lá thốt nốt, lá chuối, mo cau, vỏ tràm, lá sen, gạo... văn nghệ sĩ và nhân dân Đồng bằng sông Cửu Long nghiên cứu, sáng tạo thành nhiều tác phẩm chân dung Bác Hồ. Hiện nay, Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh Đồng bằng sông Cửu Long đang sưu tập, trưng bày”, Đại tá Nguyễn Thị Kim Loan, Giám đốc Bảo tàng Quân khu 9 cho biết thêm.

Cùng tìm hiểu về các hiện vật người dân Đồng bằng sông Cửu Long sưu tầm, sáng tác về Bác, nhiều bạn trẻ tâm đắc và quyết tâm rèn luyện, phấn đấu trên từng cương vị, lĩnh vực công tác, hoạt động, học tập. Em Võ Ngọc Bảo Trân, học sinh lớp 12 trường THPT Châu Văn Liêm (Cần Thơ) bày tỏ: “Bản thân rất tự hào khi tham quan tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, từ đó có phương châm sống, học tập tích cực. Những hiện vật về Bác của nhân dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long, càng thôi thúc thế hệ học sinh chúng em phải có lý tưởng và là người công dân có ích như di nguyện của Người”.

Cùng tâm trạng, chiến sĩ Từ Trung Nam, Tiểu đội 4, Trung đội 14, Đại đội 7, Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn Thông tin 29 (Quân khu 9) thổ lộ: “Từ những thông tin, hình ảnh, hiện vật ở Bảo tàng Hồ Chí Minh, hun đúc thêm nỗ lực của bản thân. Càng trân quý tấm lòng người dân vùng sông nước Cửu Long đối với Bác hồ. Tôi quyết tâm phấn đấu rèn luyện tốt, đặc biệt góp phần cùng đơn vị trong học tập làm theo tấm gương đạo đức của Bác”.

Đã 54 mùa xuân kể từ ngày Bác đi xa, nhưng mỗi lần nhớ về Bác, nhớ những tình cảm thiêng liêng, bao la rộng lớn Bác dành cho dân tộc Việt Nam, cho miền Nam vẫn làm xúc động triệu triệu trái tim. Và tình cảm, sự trân trọng, tấm lòng kính yêu của quân, dân Đồng bằng sông Cửu Long về Người cả hôm nay và mai sau vẫn thuần khiết, sắt son.

Tags: Bác Hồ
Lượt xem: 35
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết