Luật Đầu tư công sửa đổi: Kỳ vọng hoàn thiện thể chế, khơi thông nguồn lực

Ngày 29.10, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Dự án Luật Đầu tư công sửa đổi sẽ được Quốc hội xem xét và cho ý kiến. Dự án luật quan trọng này được kỳ vọng sẽ khắc phục được tình trạng “vốn chờ dự án”, có tiền mà không giải ngân được, khắc phục được một phần tình trạng sợ sai, sợ chịu trách nhiệm.

Luật Đầu tư công sửa đổi: Kỳ vọng hoàn thiện thể chế, khơi thông nguồn lực

Công trường dự án Vành đai 3 qua TP Thủ Đức (TPHCM). Ảnh: Minh Quân

"Có tiền mà tiêu không được"

Vướng mắc về thủ tục, hồ sơ pháp lý hay những chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng là những câu chuyện không phải hiếm ở hàng loạt dự án trọng điểm trên cả nước. Tại đầu tàu kinh tế là TPHCM, dễ dàng điểm tên các dự án đang trong tình trạng "có tiền mà tiêu không được" như nút giao An Phú, nút giao Mỹ Thủy, đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, mở rộng Quốc lộ 50 đến dự án ngăn triều trị giá hàng chục nghìn tỉ đồng.

Dự án nút giao An Phú (TP Thủ Đức) - công trình giao thông trọng điểm tại cửa ngõ phía Đông TPHCM, khởi công vào cuối năm 2022 với tổng vốn đầu tư hơn 3.400 tỉ đồng. Đầu năm nay, dự án được phân bổ 1.730 tỉ đồng, bao gồm 500 tỉ từ ngân sách Trung ương và 1.320 tỉ từ ngân sách TPHCM. Tuy nhiên, do tốc độ giải ngân chậm, vào tháng 9, TPHCM đã phải cắt giảm 600 tỉ đồng từ nguồn vốn thành phố (từ 1.320 tỉ xuống còn 720 tỉ đồng) để ưu tiên cho các dự án khác.

Theo báo cáo từ Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM ngày 23.10, tiến độ giải ngân của dự án này vẫn còn rất thấp. Tính từ đầu năm đến tháng 10, dự án chỉ giải ngân được hơn 178,7 tỉ đồng, trong đó ngân sách Trung ương đạt 170,8 tỉ đồng (đạt 34%), còn ngân sách TPHCM chỉ mới giải ngân hơn 7,8 tỉ đồng, đạt mức khiêm tốn 1%.

Cũng trên địa bàn TP Thủ Đức, dự án nút giao Mỹ Thủy có vốn phân bổ hơn 907 tỉ đồng trong năm 2024, nhưng tính đến nay mới giải ngân được hơn 1,8 tỉ đồng, đạt 0,2% tổng vốn. Còn Dự án chống ngập do triều khu vực TPHCM, giai đoạn 1, được giao vốn 6.800 tỉ đồng trong năm nay, nhưng gặp khó khăn trong thủ tục pháp lý thuộc thẩm quyền của các cơ quan Trung ương, dẫn đến việc giải ngân không khả thi trong năm 2024.

Do đó, hiện TPHCM đã phải điều chỉnh toàn bộ số vốn này cho các dự án khác. Mặc dù dự án đã hoàn thành hơn 90% khối lượng, nhưng do vướng mắc pháp lý, công trình đã phải tạm ngưng từ tháng 11.2020 đến nay.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: MPI

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: MPI

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền

Những vướng mắc trong giải ngân đầu tư công được kỳ vọng sẽ khai thông khi dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu cùng Luật Đầu tư công sửa đổi cùng được xem xét trong Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, nội dung sửa đổi Luật Đầu tư công đã cụ thể hóa đầy đủ, toàn diện 5 nhóm chính sách lớn, thể hiện sâu sắc tinh thần đột phá, cải cách, phân cấp, phân quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ theo phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.

Trung ương, Quốc hội, Chính phủ giữ vai trò kiến tạo, tăng cường hoàn thiện thể chế và kiểm tra, giám sát; bảo đảm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, không để đùn đẩy trách nhiệm, tránh tạo cơ chế “xin-cho”…

Dự án luật đã nhận được sự đánh giá cao của các bộ, ngành, địa phương, tổ chức quốc tế, nhà tài trợ nước ngoài, nhất là việc đã tháo gỡ căn bản các tồn tại, hạn chế, vướng mắc, điểm nghẽn phát sinh trong quá trình thi hành Luật Đầu tư công năm 2019. Các quy định về phân cấp, phân quyền, bảo đảm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm để dễ kiểm tra, đôn đốc, giám sát, đánh giá, đáp ứng yêu cầu quản lý và sử dụng nguồn lực đầu tư công để thực hiện ba đột phá chiến lược, nhất là đột phá về hạ tầng trong tình hình mới.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, thiết kế các quy định của luật lần này cởi mở, kiến tạo phát triển. Đặc biệt, luật mới đã tháo gỡ được một phần nút thắt vốn nhức nhối bao lâu nay, đó là "vốn chờ dự án", có tiền mà không giải ngân được. Khắc phục được tình trạng "phê duyệt dự án mà không có tiền" với giải pháp là phải "nới room" kế hoạch trung hạn. Đặc biệt có thể nới được 50% kế hoạch trung hạn năm sau, lúc ấy dự án sẵn sàng và tiền cho dự án cũng sẽ có nhanh hơn.

"Ngoài ra, điểm mới và cũng là điểm đột phá của Luật Đầu tư công (sửa đổi) là khắc phục được một phần tình trạng sợ sai, sợ chịu trách nhiệm, không dám làm của một số cán bộ khi xác định rõ thẩm quyền và quy trình thực hiện" - Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.

Tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân

Trao đổi với PV Báo Lao Động, TS Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, những khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công chủ yếu do sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các luật, quy định của các bộ, ngành và địa phương, dẫn đến quy trình, thủ tục phức tạp, kéo dài. Ngoài ra, việc phân cấp, phân quyền và trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân cũng chưa được xác định rõ ràng.

Theo TS Nguyễn Quốc Việt đánh giá, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV dự kiến sẽ xem xét sửa đổi một số luật. Trong đó, dự án "1 luật sửa 7 luật" được kỳ vọng sẽ là điểm đột phá tháo gỡ khó khăn trong đầu tư công, đảm bảo việc áp dụng đồng bộ, thống nhất giữa các luật. Tránh tình trạng sửa xong luật này thì lại vướng luật kia.

Việc một luật sửa nhiều luật chỉ có thể rà soát tạm thời những mâu thuẫn nổi cộm lên rõ ràng nhưng một dự án đầu tư vẫn còn những vấn đề khác khi phải chịu rất nhiều các quy định khác nhau của các bộ, ngành, sẽ phải thực hiện trình tự, thủ tục xin phép mất rất nhiều thời gian khi phải xin ý kiến nhiều cơ quan bộ, ngành khác nhau.

Để giải quyết những vướng mắc, chồng chéo, TS Nguyễn Quốc Việt đề xuất bên cạnh việc một luật sửa nhiều luật cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương, giao quyền tự chủ cao hơn, kèm theo trách nhiệm rõ ràng, phải có những giải pháp cụ thể để thúc đẩy các địa phương mạnh dạn vận dụng cơ chế đặc thù trong việc hóa giải những mâu thuẫn chồng chéo giữa các quy tắc pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành luật của các cơ quan bộ ngành, hay tạo cơ chế phối hợp vùng, liên vùng trong đầu tư công để phát triển các cơ sở hạ tầng trọng điểm liên quan nhiều địa phương.

Về dài hạn, TS Việt cho rằng cần phải mạnh dạn giao hoặc sử dụng kinh nghiệm của khu vực tư nhân nhiều hơn. Nếu có cách làm phù hợp để tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân lớn, có năng lực trong triển khai các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng, thông qua các hình thức như hợp đồng xây dựng - triển khai - chuyển giao (có thể dưới dạng BT) sẽ giúp giảm gánh nặng quản lý, triển khai dự án cho cơ quan nhà nước.

Tin liên quan
Nội dung đang được cập nhật.