Mất bao lâu để tim hồi phục sau khi bỏ thuốc lá?
Thuốc lá chứa nhiều độc tố gây hại cho cơ thể, đặc biệt đối với tim và phổi.
Mất bao lâu để chữa lành trái tim sau khi bỏ thuốc lá?
Nghiên cứu được công bố trên tập san học thuật JAMA Network đã theo dõi 5,8 triệu người ở Hàn Quốc để hiểu thời gian tim cần để phục hồi sau khi một người ngừng hút thuốc.
Nghiên cứu cho thấy, những người hút thuốc và những người đã phải chịu đựng tác hại tích lũy của việc hút thuốc trong nhiều năm trước khi quyết định từ bỏ, sẽ mất từ 5 đến 10 năm để trái tim của họ trở về trạng thái bình thường như những người không hút thuốc.
Những người hút thuốc nhiều và thường xuyên cần phải mất tới 25 năm để chữa lành trái tim của họ sau khi bỏ thuốc lá.
Tiến sĩ Ambuj Roy, Giáo sư tim mạch tại Viện Khoa học Y khoa Toàn Ấn Độ (AIIMS Delhi) cho biết, nghiên cứu này cho thấy lý do tại sao chúng ta cần bỏ thuốc lá sớm.
Kết quả cho thấy tác động của việc hút thuốc vẫn tồn tại trong cơ thể bạn một thời gian dài sau khi bỏ thuốc và vẫn khiến bạn có nguy cơ bị đau tim.
Các tác động còn sót lại của việc hút thuốc vẫn tiềm ẩn những mối nguy hiểm cho sức khỏe cho đến khi cơ thể loại bỏ chúng hoàn toàn.
Hút thuốc tác động đến sức khỏe tim như thế nào?
Tiến sĩ Balbir Singh, Khoa tim mạch, Bệnh viện Max (Saket, New Delhi, Ấn Độ) phân tích, hút thuốc được biết là gây ra tình trạng viêm cơ thể, có thể dẫn đến tích tụ mảng bám trong động mạch.
Hút thuốc có thể làm hỏng thành mạch máu, làm co thắt chúng. Nó cũng làm tăng nhịp tim và huyết áp, gây căng thẳng cho tim. Hút thuốc có thể làm giảm lipoprotein tỉ trọng cao (HDL) hoặc cholesterol tốt và làm tăng lipoprotein tỉ trọng thấp (LDL) hoặc cholesterol xấu cùng với triglyceride, đây là một loại chất béo trong máu.
Đặc biệt, hút thuốc có thể làm đặc máu của bạn, tạo ra các điều kiện cho cơn đau tim.
Tiến sĩ Balbir Singh cho hay, khi ngừng hút thuốc, máu sẽ tự giải phóng nicotine và carbon monoxide và được oxy hóa đến tim và cơ dễ dàng hơn.
“Bạn có thể mất vài tháng hoặc lâu hơn để phổi lành lại, loại bỏ chất nhầy, hắc ín, bụi và có xu hướng cảm thấy khó thở hoặc thở khò khè. Tình trạng này thường ổn định trong vòng một năm và bạn có thể cảm thấy mình thở dễ dàng hơn", Tiến sĩ Singh giải thích.
Tuy nhiên, trong giai đoạn trung hòa cơ thể này, mọi người cần phải chăm sóc các bệnh đi kèm khác. Đặc biệt, những người từng hút thuốc phải ăn uống đúng cách, tránh các yếu tố nguy cơ có thể phòng ngừa như béo phì, giữ huyết áp, lượng đường trong máu và mức cholesterol ở mức thấp.