Ngày 3/9, trước yêu cầu bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin theo lệnh của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC), Chính phủ Mông Cổ đã thể hiện lập trường kiên quyết duy trì chính sách trung lập, nhấn mạnh sự phụ thuộc nặng nề vào nguồn cung năng lượng từ các nước láng giềng.
Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt tay Tổng thống Ukhnaagiin Khürelsükh trong chuyến công du tới Ulaanbaatar ngày 3/9. Ảnh: Politico |
Trả lời phỏng vấn báo Politico, phát ngôn viên của Chính phủ Mông Cổ khẳng định: "Mông Cổ hiện nhập khẩu tới 95% các sản phẩm dầu mỏ và hơn 20% điện từ các khu vực xung quanh, nguồn cung cấp này là yếu tố sống còn đối với sự tồn tại của đất nước và người dân Mông Cổ". Ông cũng tái khẳng định rằng Mông Cổ luôn duy trì chính sách "trung lập trong mọi mối quan hệ ngoại giao", phù hợp với lập trường đã được khẳng định từ trước đến nay.
Chính quyền Ulaanbaatar cũng cho rằng, chuyến thăm của Tổng thống Putin là một phần trong truyền thống lịch sử lâu đời giữa hai quốc gia, khi các nguyên thủ kỷ niệm chiến thắng của quân đội Liên Xô và Mông Cổ trước Nhật Bản trong trận Khalkhin Gol năm 1939. Điều này càng củng cố lý do Ulaanbaatar tiếp tục duy trì mối quan hệ với Moscow, bất chấp những áp lực quốc tế gia tăng.
Mông Cổ, một quốc gia nằm ở vị trí chiến lược giữa Nga ở phía bắc và Trung Quốc ở phía nam, từ lâu đã nỗ lực duy trì sự cân bằng trong quan hệ ngoại giao giữa hai cường quốc này, đồng thời mở rộng quan hệ với Nhật Bản, Hàn Quốc, và Hoa Kỳ. Cuộc chiến của Nga ở Ukraine không làm thay đổi những tính toán này trong chính sách của Ulaanbaatar, khi quốc gia này tiếp tục tránh việc phải lựa chọn một bên.
Tháng 3/2023, Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) ban hành lệnh bắt giữ đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin, cáo buộc “tội ác chiến tranh” về việc Moscow trục xuất và chuyển giao bất hợp pháp trẻ em từ các khu vực của Ukraine bị chiếm đóng sang Nga trong cuộc chiến tranh Nga - Ukraine. Đây là lệnh bắt giam đầu tiên chống lại nhà lãnh đạo của một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Mặc dù Mông Cổ là thành viên của ICC từ năm 2002 và có nghĩa vụ pháp lý phải bắt giữ Tổng thống Putin nếu ông này đặt chân đến lãnh thổ của họ, Chính phủ Mông Cổ đã không thực hiện hành động này, gây ra làn sóng chỉ trích mạnh mẽ từ Liên minh châu Âu, Ukraine, và các tổ chức nhân quyền quốc tế như: Tổ chức Ân xá Quốc tế. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ukraine, ông Heorhii Tykhii, đã lên án mạnh mẽ hành động này, gọi đó là "một đòn nặng nề giáng vào Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) và hệ thống tư pháp hình sự quốc tế," và cảnh báo rằng điều này có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng cho Mông Cổ.
Mông Cổ khẳng định "lập trường trung tập trong mọi mối quan hệ ngoại giao". Ảnh: AFP |
Về phía Nga, Chính phủ nước này khẳng định "lệnh bắt giữ của ICC là vô hiệu vì Moscow không tham gia Quy chế Rome," đồng thời bác bỏ các cáo buộc từ Ukraine và EU, nhấn mạnh rằng việc sơ tán dân thường khỏi khu vực chiến sự không phải là một tội ác theo luật pháp quốc tế.
Trong chuyến thăm của Tổng thống Putin, ông đã mời Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khürelsükh tham dự hội nghị thượng đỉnh BRICS, một diễn đàn của các nền kinh tế mới nổi, sẽ diễn ra tại Nga vào tháng 10 năm nay.
Mông Cổ, tuy đã ký Quy chế Rome và gia nhập ICC từ năm 2002, vẫn phải đối mặt với áp lực quốc tế trong việc thực thi các nghĩa vụ của mình. Đáng chú ý, một thẩm phán của Mông Cổ đã được bổ nhiệm vào ICC vào đầu năm 2024, càng tăng thêm trọng trách cho quốc gia này trong việc tuân thủ các cam kết quốc tế.
Chuyến thăm Ulaanbaatar của Tổng thống Vladimir Putin là một phần trong chiến lược nhằm phá vỡ sự "cô lập quốc tế" mà ông phải đối mặt do cuộc xung đột với Ukraine. Đây là điểm dừng chân mới nhất trong loạt các chuyến thăm nước ngoài gần đây của Tổng thống Putin, nhằm củng cố quan hệ với những quốc gia sẵn sàng duy trì hợp tác với Moscow, bất chấp áp lực từ phương Tây. Trước đó, vào tháng 5/2024, Tổng thống Putin đã thăm Trung Quốc, một đồng minh quan trọng của Nga, nhằm thắt chặt quan hệ đối tác chiến lược. Tiếp theo, vào tháng 6/2024, ông đến Triều Tiên và Việt Nam để khẳng định sự ủng hộ lẫn nhau trong bối cảnh căng thẳng khu vực gia tăng. Tháng 7/2024, ông Putin tham dự cuộc họp của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải tại Kazakhstan, một bước đi quan trọng trong việc mở rộng ảnh hưởng của Nga tại Trung Á. Cuối năm 2023, ông Putin đã thực hiện các chuyến thăm quan trọng tới Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Ả Rập Xê Út, hai đồng minh truyền thống của phương Tây để thúc đẩy hợp tác kinh tế và năng lượng. Tuy nhiên, Tổng thống Putin đã cẩn trọng từ chối tham dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Nam Phi vào tháng 7/2023, lo ngại việc bị bắt giữ do Nam Phi là thành viên của ICC. Những chuyến công du này thể hiện nỗ lực của Tổng thống Vladimir Putin trong việc duy trì vị thế quốc tế của Nga, bất chấp sự cô lập và áp lực từ phương Tây. |