Nam Á 2022: Những cơn “sóng ngầm” khủng hoảng

Những cơn “sóng ngầm” âm ỉ bấy lâu nay ở Nam Á đã bất ngờ nổi lên ngay từ đầu năm 2022 và đẩy khu vực này rơi vào khủng hoảng.

Sau hai năm đại dịch Covid-19, tình hình chính trị các nước vừa và nhỏ ở Nam Á năm 2022 được ví như một bức tranh với gam màu xám là chủ đạo. Trước hết là sự thay đổi chế độ bất ngờ ở Pakistan.

"Đám mây đen chính trị" xuất hiện trên bầu trời Pakistan vào tháng 4-2022 khi quốc hội nước này bỏ phiếu thông qua đề nghị bất tín nhiệm do liên minh đối lập khởi xướng nhằm loại bỏ Thủ tướng Imran Khan, khiến ông trở thành thủ tướng đầu tiên bị lật đổ bởi “cách thức bất tín nhiệm” kể từ năm 1947. Lãnh đạo phe liên minh đối lập Shehbaz Sharif được bầu làm Thủ tướng và sẽ đảm nhiệm chức vụ này cho đến tổng tuyển cử năm 2023.

Dù chế độ cầm quyền đổi ngôi đến nay đã được 8 tháng song Pakistan vẫn đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lòng tin giữa các thể chế nhà nước, tình trạng nghèo đói và thiếu thốn trầm trọng... Như bị bồi thêm một cú đấm, năm 2022, Pakistan gánh chịu những trận mưa lớn kéo dài suốt 5 tháng, dẫn đến đợt lũ lụt thảm khốc nhất trong lịch sử nước này, khiến hơn 1.700 người thiệt mạng, 1/3 diện tích đất nước chìm trong nước lũ, hơn 33 triệu người dân bị ảnh hưởng nặng nề.

Năm 2022, Pakistan gánh chịu những trận mưa lớn kéo dài suốt 5 tháng, dẫn đến đợt lũ lụt thảm khốc nhất trong lịch sử nước này. Ảnh: Reuters. 

Chính quyền Islamabad đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp và kêu gọi sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế. Nếu không có các hành động kiên quyết, rất có khả năng Pakistan sẽ sớm rơi vào khủng hoảng trở lại và lúc đó những người dân thường sẽ phải gánh chịu hậu quả.

Một “điểm nóng” mới xuất hiện ở khu vực Nam Á trong năm 2022 là Sri Lanka. Cơn “sóng ngầm” khủng hoảng kinh tế cùng với tác động của cuộc chiến ở Ukraine đã làm sụp đổ chế độ của gia tộc Rajapaksa cầm quyền hùng mạnh ở quốc gia Nam Á này. Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, dự trữ ngoại hối của Sri Lanka bị thu hẹp mạnh, tỷ lệ lạm phát không ngừng tăng lên, đời sống nhân dân ngày càng khó khăn.

Chỉ trong vòng 4 tháng đầu năm 2022, tỷ giá hối đoái của đồng rupee của Sri Lanka so với đồng USD đã giảm hơn 80%, biến Sri Lanka này trở thành quốc gia có đồng tiền mất giá lớn nhất trong khu vực. Bản thân Thủ tướng Ranil Wickremesinghe đã phải thừa nhận rằng nền kinh tế của Sri Lanka đã vỡ nợ sau nhiều tháng thiếu lương thực, nhiên liệu, điện cũng như thậm chí không thể mua dầu nhập khẩu.

“Quả bom” nợ phát nổ, kéo theo các cuộc biểu tình chống chính phủ diễn ra trên khắp đất nước Sri Lanka. Trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, Tổng thống Gotabaya Rajapaksa phải chạy khỏi đất nước, để lại di sản nợ khổng lồ cho người kế nhiệm Ranil Wickremesinghe. May mắn thay, dưới sự chèo lái của một chính trị gia lão luyện, tình hình tại Sri Lanka đang dần ổn định trở lại. Tin vui đến vào những ngày cuối năm 2022 khi Cục Thống kê và Điều tra dân số Sri Lanka mới đây cho biết, lạm phát của nước này đã giảm, du lịch đang trên đà phục hồi và dự kiến sẽ khởi sắc vào năm 2023.

Nếu như trước đây, nhắc tới Afghanistan là nói tới “điểm nóng” của xung đột, khủng bố, tham nhũng và buôn lậu ma túy. Kể từ khi Taliban lên nắm quyền hồi tháng 8-2021, những tưởng cuộc sống người dân Afghanistan sẽ có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, trên thực tế, ngoài những cú sốc chính trị, xã hội và kinh tế do xung đột và sự rút lui của các lực lượng quốc tế, trải qua nhiều thập kỷ chiến tranh, thiên tai tái diễn, nghèo đói kinh niên, hạn hán, mất an ninh lương thực lan rộng và đại dịch Covid-19 đã đẩy hàng triệu người Afghanistan vào nạn đói cùng cực, gây nên cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới.

Những lời hứa ban đầu của Taliban về quyền của phụ nữ và trẻ em gái cũng đã sớm phôi phai theo thời gian. Taliban từng bước thực hiện để cấm hoàn toàn việc giáo dục cho nữ giới, buộc họ phải trùm đầu và che kín mặt khi ra đường, cấm họ đến công viên, phòng tập thể thao và nhà tắm công cộng...

Trong một năm qua, Afghanistan tuy giảm đáng kể về bạo lực nhưng đó chỉ là sự so sánh với “thời chiến” và trên thực tế vẫn còn xảy ra xung đột bạo lực. Sự ổn định về an ninh tương đối đó chưa thể giúp Afghanistan ổn định và tăng trưởng kinh tế. Nguyên nhân của tình trạng này là bởi Taliban chưa “khai thông” được nhiều lối nghẽn trên con đường tiến tới sự công nhận của cộng đồng quốc tế.

Phần lớn tài sản nước ngoài của Afghanistan hiện vẫn bị đóng băng, khiến nền kinh tế của một quốc gia phải dựa chủ yếu vào nguồn viện trợ nước ngoài càng khủng hoảng nghiêm trọng, có nguy cơ đẩy hàng triệu người dân vào cảnh khốn cùng vì đói nghèo.

Trong bức tranh nhiều gam màu u ám đó, sự hồi phục mạnh mẽ của nền kinh tế Ấn Độ đã trở thành một điểm nhấn tươi sáng, phần nào giải tỏa tâm trạng bất an trong khu vực. Tháng 9-2022, Ấn Độ vượt qua Anh trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới, được Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) mô tả là một “điểm sáng” trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái. Tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Ấn Độ đạt mức 13,5% trong quý II của năm tài chính 2022-2023.

Đây là tốc độ tăng trưởng cao nhất trong quý này trong số các thành viên của G20. Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), Ấn Độ dự kiến sẽ tăng trưởng 6,9% trong cả năm tài chính 2022-2023, một tín hiệu đầy lạc quan, trái ngược với các dự báo ảm đạm cho năm 2023 ở Mỹ hay châu Âu.

Trong bài phát biểu nhân 75 năm Ngày độc lập (15-8-1947 / 15-8-2022), Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã đặt ra mục tiêu đầy tham vọng là đưa Ấn Độ trở thành quốc gia phát triển vào năm 2047 và thực hiện nỗ lực mới nhằm cắt giảm phụ thuộc vào nhập khẩu và thúc đẩy sản xuất trong nước. Tháng 11-2022, tại thời điểm dân số thế giới cán mốc 8 tỷ người, Liên hợp quốc đưa ra dự báo Ấn Độ sẽ vượt Trung Quốc trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới vào năm 2023.

Nếu tận dụng tốt lợi thế này, đây sẽ là một nguồn lực mạnh mẽ giúp quốc gia Nam Á này bứt tốc trong thời gian tới. Giám đốc điều hành của Morgan Stanley Chetan Ahya dự báo, đến năm 2027, Ấn Độ sẽ là nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, chỉ sau Mỹ và Trung Quốc...

Vượt qua những biến cố trong vòng một năm qua, chính phủ và người dân các nước Nam Á quá thấu hiểu rằng phía trước vẫn là hành trình đầy thử thách và trắc trở. Trong bối cảnh tình hình địa chính trị thế giới còn diễn biến phức tạp, khó lường, các nước Nam Á kỳ vọng sẽ sớm vượt qua “cơn bĩ cực”, nhanh chóng khôi phục tăng trưởng kinh tế để vững vàng, tự tin đối mặt với thử thách ở phía trước.

Tags: Nam Á
Lượt xem: 6
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan
Nội dung đang được cập nhật.