Nâng cao tính chuyên nghiệp và chất lượng tác phẩm ảnh nghệ thuật

Gần đây, những cuộc triển lãm ảnh quốc gia, quốc tế và khu vực ở Việt Nam đều thu hút hơn 1 vạn tác phẩm tham dự. Số lượng người tham gia sáng tác đông đảo, thực sự quan tâm tới nghệ thuật nhiếp ảnh gia tăng, nhưng điều đó không có nghĩa là chất lượng nghệ thuật của ảnh được nâng cao.

Bên cạnh những tác phẩm được đánh giá cao cũng có nhiều tác phẩm chất lượng thấp, không đáp ứng được nhu cầu thưởng thức của công chúng.

Những lối mòn thời hiện đại

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng hình ảnh. Nhưng tựu trung có thể thấy, sự phát triển nhanh của thời đại kỹ thuật số đã tác động đáng kể tới nhiếp ảnh. Một mặt, nhiếp ảnh kỹ thuật số tạo điều kiện thuận lợi cho người cầm máy. Nhưng mặt khác cũng tạo ra sự dễ dãi về chất lượng hình ảnh. Kỹ thuật sử dụng hậu kỳ của nhiếp ảnh cũng làm tăng yếu tố kịch tính trong nhiếp ảnh. Nhiếp ảnh từ trước đến nay được coi là nghệ thuật hiện thực, gắn liền với thời sự đời sống thì hiện nay, các chương trình phần mềm lại tạo điều kiện cho sự thêm thắt, biến đổi theo một thị hiếu xấu, làm đẹp một cách dễ dãi. Ranh giới giữa thực và ảo bị nhòe mờ. Điều này làm công chúng khó phân định trong đánh giá và thưởng lãm nhiếp ảnh hiện thực.

    Công chúng tham quan triển lãm Cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế lần thứ 12 - năm 2023, tại Việt Nam.Ảnh: THANH TÙNG 

Mặt khác, nhiếp ảnh phong trào đã tạo ra những vấn đề khó giải quyết. Những sáng tác có tính tập thể, dàn dựng người mẫu khiến cho hình ảnh chụp con người trở nên xa cách đời sống. Việc những đoàn, những nhóm sáng tác đua nhau đi chụp ruộng bậc thang, chụp hoa gạo, chụp hoa đào, chụp những xóm núi... rất nhanh chóng trở thành cũ mòn và sáo rỗng. Hàng chục năm qua, hình ảnh các cô gái gồng gánh trên cồn cát Mũi Né, mô-típ những người mẫu Tây Nguyên thiếu tìm tòi, bắt chước nhau khá phổ biến.

Việc sử dụng flycam cũng là một vấn nạn của nhiếp ảnh. Sự mới mẻ của góc nhìn chim bay thường làm chúng ta ngỡ ngàng. Tuy nhiên, nếu lạm dụng thiết bị này trong các cuộc thi nhiếp ảnh cũng chưa hẳn là xu hướng tốt.

Không những thế, nhiều khái niệm về thể loại cũng chưa được người chụp và các hội đồng giám khảo hiểu cặn kẽ, thành ra tiêu chuẩn để đánh giá cũng không được chuẩn mực. Ví dụ như ảnh bộ hiện nay đang là đề tài tranh cãi của giới nhiếp ảnh. Việc đưa nhiều bức ảnh na ná nhau thành một bộ ảnh được coi là nét mới trong đời sống nhiếp ảnh. Được biến dạng từ những phóng sự yếu kém trên mạng, khái niệm ảnh bộ được hình thành như một sự biện minh cho việc thiếu tính logic và tính thẩm mỹ của hình ảnh. Trong lĩnh vực này, sự thiếu vắng kiến thức của người chụp và người thẩm định đã dẫn đến kết quả là khá nhiều bộ ảnh tầm thường, kém sáng tạo được giới thiệu với công chúng. Đương nhiên, chúng cũng góp phần vào việc cười ra nước mắt của khá nhiều cuộc thi và thẩm định nghệ thuật.

Trong quá trình chấm ảnh ở các cuộc thi thì phương pháp chấm ảnh trực tuyến tiết kiệm được thời gian, chi phí và nguồn nhân lực, nhưng cũng bộc lộ những mặt yếu như việc khó kiểm soát quá trình chấm ảnh của các giám khảo, hay việc loại bỏ cơ hội tiếp xúc trực tiếp với tác phẩm gốc, mang ý đồ của tác giả. Như vậy, vấn đề kích cỡ tác phẩm, chất lượng kỹ thuật của hình ảnh, ý đồ của tác giả phần nào bị hạn chế.

Về thể loại ảnh thì sự phát triển của lĩnh vực ảnh đồ họa còn khá lạ lẫm với công chúng nói chung. Ảnh đồ họa là thể loại ảnh kết hợp giữa nhiếp ảnh và mỹ thuật. Nó là loại ảnh cần sự chỉn chu, chính xác đến từng chi tiết của hình ảnh và cần đầu óc sáng tạo, giàu tưởng tượng của tác giả được thể hiện theo phương pháp đồ họa. Do tính đa dạng của thể loại này nên nó được sử dụng ở nhiều lĩnh vực trong ảnh nghệ thuật và mỹ thuật ứng dụng.

Tính chất đồ họa của tác phẩm thể hiện ở sự kết hợp giữa hình ảnh được in ấn và đồ họa tạo hình, đồ họa chính trị, đồ họa minh họa sách báo, đồ họa trang trí ứng dụng... Do đồ họa là một chuyên ngành được ứng dụng nhiều nhất trong đời sống xã hội nên tính phổ cập của nó lớn. Ngay cả với các nhà nhiếp ảnh sáng tạo, nhiều người vẫn chưa hiểu thực chất lĩnh vực này. Những khái niệm cơ sở về nó vẫn là mới lạ với nhiều nhà nhiếp ảnh theo thế hệ cũ và những nhà nhiếp ảnh chụp theo hướng hiện thực truyền thống.    

Nguy hại giá trị giả

Do nhiều tác động của thị trường nhiếp ảnh, sự tầm thường hóa khái niệm về ảnh nghệ thuật tạo ra những giá trị giả, về lâu dài không có sức sống. Nhiều tác phẩm ra đời, kể cả những tác phẩm được trao giải thưởng, sớm chìm vào quên lãng. Một số cuộc thi ảnh của Hà Nội trong những năm gần đây đã gây ra tranh cãi về sự hạn chế của tác phẩm. Khi công chúng đến với nhiếp ảnh, họ không còn cảm thấy trân trọng và quý mến những sáng tạo của người chụp. Bên cạnh đó, nhiều giá trị giả được đánh giá cao, tạo ra sự thời thượng không đáng có, chạy theo trào lưu, không có đầu tư sâu, không chú trọng đến ý nghĩa xã hội của bức ảnh. Việc chạy theo phong trào, bắt chước nhau trong lựa chọn đối tượng, lựa chọn thủ pháp là xu hướng xấu khá phổ biến trong nhiếp ảnh.

Giá trị giả trong nghệ thuật là một thảm họa. Giả dụ như một bức ảnh phong cảnh chụp theo hiện thực, nếu bị thêm thắt nhiều quá sẽ không còn giữ lại cảm xúc chân thực nữa. Trong một số thể loại như ảnh du lịch, ảnh khoa học, ảnh báo chí, việc tôn trọng sự chân thực là hết sức cần thiết.

Ngược lại, ở trong ảnh đồ họa, việc can thiệp vào hình ảnh cần kèm theo ý tưởng mạch lạc và sáng sủa. Xu hướng lý trí trong ảnh đồ họa là tất yếu. Với việc thẩm định ảnh, không phải tiêu chuẩn nào cũng phù hợp với tất cả loại ảnh. Với nhà nhiếp ảnh, đi vào sáng tác ảnh trong lĩnh vực nào cũng cần có thời gian, sự chuyên sâu và mục đích rõ ràng thì mới thành công được. Chất lượng ảnh không cao tạo ra giá trị giả của tác phẩm ảnh nghệ thuật, biến những cố gắng chân thành nhất thành những sản phẩm vô ích và nhạt nhẽo.

Chú trọng đầu tư cho tài năng trẻ

Nhìn thấy những nhược điểm của phong trào nhiếp ảnh Việt Nam, tháng 11-2023, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam (NSNA) đã tổ chức một cuộc tọa đàm tìm giải pháp nâng cao chất lượng tác phẩm nhiếp ảnh. Một loạt đề xuất được đưa ra để tìm những giải pháp nâng cao chất lượng sáng tác ảnh nghệ thuật toàn quốc.

Mối quan tâm hàng đầu là việc đầu tư cho các tài năng nghệ thuật, đặc biệt là các tài năng trẻ trong lĩnh vực nhiếp ảnh. Việc tài năng được đào tạo, có học vấn và tri thức cần thiết cho nghề nghiệp được chú trọng. Có nền tảng tri thức và lý tưởng sáng tạo, các tài năng sẽ tự tìm được con đường đi riêng, tạo ra được phong cách nhiếp ảnh phù hợp.

Hội cũng đặt ra vấn đề cần khuyến khích, động viên và nuôi dưỡng khát vọng sáng tạo trong các tài năng trẻ. Để có được những tác phẩm lớn, các tác giả cần tìm tòi, đi sâu vào đời sống nhân dân, tìm được chất xúc tác cho cảm hứng nhằm vươn tới mục tiêu nghệ thuật giàu chất dân tộc, mang tính thẩm mỹ và tính nhân văn. Việc chạy theo các cuộc thi có tính chất nhất thời chỉ là một hướng trong rất nhiều hoạt động của nhà nhiếp ảnh. Yếu tố tiên quyết cho mọi tiến bộ của nhiếp ảnh nằm ở bản thân cá nhân người sáng tác. Với sự phát triển nhanh chóng của xã hội, của khoa học-kỹ thuật, càng ngày việc học hỏi về nhiếp ảnh càng trở nên quan trọng hơn. Tri thức, sự hiểu biết, sự tinh thông về nghề nghiệp là nền tảng quan trọng để có được một đời sống nhiếp ảnh đầy nội lực. Nhà nhiếp ảnh cũng phải có lý tưởng, khát vọng sáng tạo và biết cách hiện thực hóa ước mơ của mình. Lúc đó, mọi thử thách, khó khăn trong quá trình sáng tác đều có thể khắc phục, mang lại những giá trị thẩm mỹ tích cực cho xã hội.

Hội cũng có những đề xuất về kiện toàn các tổ chức nhiếp ảnh, tạo ra các cuộc vận động sáng tác có quy mô toàn quốc và nâng cao chất lượng của công tác lý luận, phê bình. Trong bối cảnh hiện nay, lý luận phê bình có vị trí khá đặc biệt. Nó giúp các nhà nhiếp ảnh phần nào tránh được lối mòn trong sáng tác và thẩm định ảnh nghệ thuật.

Trên thực tế, tài năng trong lĩnh vực nhiếp ảnh liên quan đến tất cả các mắt xích trong chuỗi hoạt động tác giả-tác phẩm-công chúng. Để có được tác phẩm hay không chỉ phụ thuộc vào riêng tác giả. Ngoài cá nhân người sáng tác, còn nhiều vấn đề liên quan như chính sách của Nhà nước với tác giả, vấn đề đào tạo chuyên nghiệp, vấn đề đầu tư cho văn nghệ, vấn đề tổ chức quản lý nhiếp ảnh, vấn đề bản quyền và giá trị tác phẩm, vấn đề giao lưu quốc tế về ảnh, vấn đề hình thành thị trường và công chúng nhiếp ảnh, vấn đề bảo tàng lưu trữ ảnh, vấn đề về hoạt động của các hội như một tổ chức chính trị-nghề nghiệp... Những vấn đề đó phụ thuộc vào nhiều cơ quan, đoàn thể và tổ chức khác nhau. Mỗi cơ quan liên đới đều phải có cái nhìn tổng thể để giải quyết các công đoạn sáng tạo một cách thuận lợi và nhanh chóng. Nâng cao chất lượng của tác phẩm nghệ thuật cũng là xu hướng đầu tư bền vững, góp phần vào việc xây dựng nền văn hóa thị giác của dân tộc.

Nhà lý luận phê bình nhiếp ảnh VŨ ĐỨC TÂN

Tags: ảnh
Tin liên quan
Nội dung đang được cập nhật.