Nghề “nguy hiểm”

Ở những môi trường đặc thù, ngoài y đức, người thầy thuốc còn phải có sự dũng cảm, “trái tim nóng, cái đầu lạnh” để gắn bó, đồng hành cùng người bệnh trên chặng đường tìm sự sống.

Bác sĩ Long khám, tư vấn cho bệnh nhân.

Bác sĩ Long khám, tư vấn cho bệnh nhân.

Nếu như ở những lĩnh vực y khoa khác, người bệnh tự tìm đến y, bác sĩ thì trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, ngược lại, người thầy thuốc phải tự tìm đến bệnh nhân và dũng cảm vượt qua nguy hiểm có thể ập đến bất cứ lúc nào.

Công tác ở môi trường “nhạy cảm”, bác sĩ Long và đồng nghiệp ở trung tâm từng bị kỳ thị bởi AIDS là bệnh xã hội, nguy cơ lây nhiễm và tỷ lệ tử vong cao. Điều đó giúp anh càng thương cảm với người bệnh và tận tâm hơn với công tác phòng chống HIV.

“Ngoài chuyên môn tốt thì còn phải hiểu, chia sẻ, đồng cảm với bệnh nhân, từ đó họ mới tin tưởng bác sĩ để tuân thủ điều trị, trở lại cuộc sống bình thường”- bác sĩ Long bày tỏ.

Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Quảng Ngãi cũng là một đơn vị y tế khá đặc thù. Công việc không nhiều bằng các bệnh viện đa khoa, nhưng do môi trường tiếp xúc với bệnh nhân lao nên nhân viên y tế ở đây luôn đối diện nguy cơ bị lây nhiễm.

Bác sĩ Phương công tác ở bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Quảng Ngãi gần 10 năm.

Bác sĩ Phương công tác ở bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Quảng Ngãi gần 10 năm.

Công tác tại bệnh viện gần 10 năm, bác sĩ Nguyễn Phương - Khoa Lao ngoài phổi và bệnh phổi nhiễm trùng, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Quảng Ngãi thấu hiểu nỗi đau của những người bệnh ở đây. Mỗi ngày qua đi, anh cùng đồng nghiệp vẫn lặng lẽ, tận tâm, hết lòng với nghề.

“Môi trường dễ lây nhiễm nên mình phải rất tâm huyết nhưng cũng phải rất thận trọng để điều trị tốt cho bệnh nhân, giảm nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng và cho bản thân”- bác sĩ Phương nói.

Khác với 2 đơn vị trên, công việc ở Bệnh viện Tâm thần lại có đặc thù riêng biệt khi hàng ngày, bác sĩ, điều dưỡng viên đảm đương nhiều chức trách và thường trực nguy cơ "bị đánh". Chăm sóc người bệnh đã khó, chăm sóc bệnh nhân tâm thần càng khó khăn gấp bội.

Hiện bệnh viện Tâm thần tỉnh Quảng Ngãi đang điều trị nội trú cho trên 130 bệnh nhân, trong đó tỷ lệ bệnh nhân không có người thân chăm sóc lên đến hơn 90%. Mọi sinh hoạt hằng ngày của người bệnh đều do đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng hỗ trợ thực hiện. 

Bệnh nhân điều trị ở bệnh viện Tâm thần tỉnh Quảng Ngãi.

Bệnh nhân điều trị ở bệnh viện Tâm thần tỉnh Quảng Ngãi.

“Bệnh nhân tâm thần không kiểm soát được hành vi nên nhân viên y tế ở đây bị đánh là chuyện bình thường. Nhưng nói cho cùng thì họ vẫn là những người thiếu may mắn. Vậy nên mình phải kiên trì, nhẫn nại để vượt qua mọi vất vả, hoàn thành nhiệm vụ được giao phó” - Điều dưỡng Bùi Đình Súy - Khoa Tâm thần Nam, Bệnh viện Tâm thần tỉnh Quảng Ngãi cho hay.

Vượt qua bao thăng trầm với nghề, khóc cười cùng bệnh nhân, hạnh phúc của những người được mệnh danh "thiên thần áo trắng" gói gọn trong hai chữ “cứu người”. Những người thầy thuốc với trái tim yêu thương vẫn luôn cố gắng tìm cách mới, hướng riêng để giúp người bệnh thoát khỏi lằn ranh sinh tử. Đó là hạnh phúc của sự cho đi, để nhiều yêu thương ở lại.

Ông Phạm Minh Đức – Giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi.

Ông Phạm Minh Đức – Giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi.

Ông Phạm Minh Đức – Giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi chia sẻ: “Sự đóng góp của các thầy thuốc rất đáng quý. Ngành sẽ tiếp tục động viên, tôn vinh và có chương trình, kế hoạch đào tạo cán bộ y tế về chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân”.

Lượt xem: 23
Nguồn:kinhtedothi.vn Sao chép liên kết