Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Thị Thềm: Trọn đời với tình yêu quan họ
Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Thị Thềm (sinh năm 1959, trú tại khu Viêm Xá, phường Hòa Long, thành phố Bắc Ninh) đã gắn bó với Quan họ Bắc Ninh từ khi còn nhỏ. Trải qua gần 60 năm đồng hành cùng quan họ, đến nay, bà có thể thực hành được hàng trăm làn điệu quan họ, được xem là “hạt nhân” bảo tồn nhiều làn điệu cổ, khó; tích cực đóng góp vào công tác sưu tầm, nghiên cứu quan họ.
* Trưởng thành cùng tình yêu quan họ
Sinh ra và lớn lên tại làng quan họ gốc, khu Viêm Xá, liền chị Nguyễn Thị Thềm đã sớm nảy nở tình yêu với làn điệu dân ca truyền thống này qua những lần được theo mẹ đến nhà chứa quan họ, chứng kiến các canh hát thâu đêm. Cùng ôn lại những ngày đầu theo mẹ đi “chơi” quan họ, nghệ nhân Nguyễn Thị Thềm cho biết, mẹ bà là nghệ nhân Nguyễn Thị Các, một liền chị nổi tiếng với nhiều “vốn liếng” quan họ. Tình yêu quan họ của mẹ đã thấm đẫm tuổi thơ của bà qua lời ru, tiếng hát. Từ đó, quan họ dần ăn sâu, bám rễ trong lòng bà Thềm.
Bà Nguyễn Thị Thềm chia sẻ: “Năm 6 tuổi, tôi bắt đầu theo mẹ đi sinh hoạt các canh hát quan họ cổ. Cũng vì thế mà tình yêu quan họ lớn dần, ngấm sâu vào bữa ăn, giấc ngủ, trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc đời tôi. Không chỉ thành thục các lời ca, tiếng hát, văn hóa quan họ cũng được bồi đắp trong tôi từ đó. Lớn lên xây dựng gia đình, chồng tôi là một người thấu hiểu đam mê của vợ nên luôn thông cảm và tạo điều kiện, mặc dù có lúc thấy tôi đi học hát quan họ vất vả, hoặc đi chơi quan họ, giao lưu với các làng quan họ kết nghĩa về muộn”, nghệ nhân Nguyễn Thị Thềm cho biết thêm.
Trải qua những thăng trầm của thời gian, khi xã hội càng phát triển, áp lực lỗi lo kinh tế trên vai, những câu quan họ đang dần bị lắng xuống và mai một đi. Nhiều người trong làng không còn mặn mà với quan họ, nhưng với tình yêu, đam mê và lòng nhiệt tình, bà là một trong số những người đã dành nhiều tâm sức để chung tay giữ gìn di sản.
Từ năm 1990, bà tham gia Câu lạc bộ quan họ Viêm Xá, tích cực tham gia các hoạt động. Ngày đó, ở làng Viêm Xá có nhiều liền chị được ví như “báu vật sống” của Quan họ Bắc Ninh như các Nghệ nhân Nhân dân Ngô Thị Lịch, Trần Thị Phụng... Hơn hết, bà Thềm vinh dự có mẹ chồng là Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Thị Bàn, một trong những cây hát “gạo cội” với vốn liếng hàng trăm làn điệu cổ, trong đó có nhiều điệu khó như La Rằng, Hừ La… Trong thời gian này, bà Thềm thường xuyên đến sưu tầm, học hỏi những lời ca, tiếng hát của các nghệ nhân thông qua hình thức truyền miệng và câu chuyện, vật dụng sinh hoạt của người quan họ.
Với việc được thừa hưởng giọng hát của mẹ, cùng với trải qua quá trình học tập, tự rèn luyện, bà đã đạt được chất giọng chuẩn quan họ với kỹ thuật “vang, rền, nền, nảy”. Không giữ cho riêng mình, đến nay, bà tổ chức hàng chục lớp truyền dạy quan họ tại nhà, trong câu lạc bộ, tham gia giảng dạy trong nhiều trường học, dạy trong các câu lạc bộ quan họ…
Những lúc nông nhàn, căn nhà của bà Thềm đã trở thành nơi tập trung của những người yêu quan họ trong vùng. Đến đây, họ cùng nhau học hát, giao lưu, hướng dẫn nhau những làn điệu khó trong quan họ cổ, làm vơi đi những nhọc nhằn của cuộc sống, làm phong phú đời sống tinh thần, phục vụ các nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Với kinh nghiệm truyền dạy quan họ lâu năm, bà Thềm cho biết, khi học hát quan họ, mọi người cần kiên trì, biết cách buông câu, nhả chữ, càng những làn điệu khó càng phải học kĩ. Chính từ kinh nghiệm ấy, bà đã truyền dạy thành công cho nhiều thế hệ trẻ đạt được thành tích trong các hội thi, hội diễn.
* Còn hơi thở, còn tình yêu quan họ
Chia sẻ về quá trình gắn bó với quan họ, kỷ niệm bà Thềm nhớ nhất là năm 2009 tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, bà với chị gái là Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Sang thay mặt cho 49 làng quan họ gốc (tỉnh Bắc Ninh có 44 làng quan họ gốc, Bắc Giang có 5 làng quan họ gốc) nhận Bằng công nhận Dân ca
Quan họ Bắc Ninh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại do đại diện Tổ chức UNESCO trao.
Đến nay, 15 năm đã trôi qua, nhưng cảm xúc về ngày vinh dự đó vẫn vẹn nguyên trong ký ức của bà. “Tự hào, vinh dự, xen lẫn trách nhiệm, đó là cảm xúc lúc đó của tôi. Mặc trên người bộ áo váy tứ thân, mang trong mình nét duyên của người quan họ, lại đại diện cho cộng đồng quan họ, càng tự hào bao nhiêu, tôi càng nhận thấy trách nhiệm bấy nhiêu. Đó là trách nhiệm lưu giữ, bảo tồn và phát huy giá trị của Dân ca Quan họ Bắc Ninh đúng như cam kết của Việt Nam với UNESCO, đưa Dân ca Quan họ Bắc Ninh trường tồn và lan tỏa”, Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Thị Thềm xúc động nói.
Trở về đất nước sau chuyến đi đầy ý nghĩa này, bà Thềm đã hăng hái tham gia truyền bá quan họ. Trong làng, bà tích cực tham gia sinh hoạt câu lạc bộ; tham gia các buổi biểu diễn, các hội thi, hội diễn, truyền dạy quan họ trong cộng đồng, trường học... Đặc biệt, ngôi nhà của bà nhiều năm qua là nơi tổ chức lớp học quan họ cho hàng trăm người, từ các cháu thiếu nhi đến những người trưởng thành, là địa chỉ tin cậy, thường xuyên đón các đoàn khách du lịch tới nghe quan họ và chính bà trực tiếp làm hướng dẫn viên giới thiệu, quảng bá về văn hóa dân ca quan họ Bắc Ninh cho du khách.
“Tôi cũng không bao giờ quên vào đầu năm 2022, khi tôi và chị gái vinh dự được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh mời đại diện các làng quan họ của Bắc Ninh, cùng một số nghệ sĩ của Nhà hát dân ca Quan họ Bắc Ninh, các cháu thiếu nhi gặp gỡ và biểu diễn tại Đền Đô, nhân dịp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về thăm và làm việc tại tỉnh. Trong buổi gặp đó, sau khi nghe hai chị em tôi hát bài “Em là con gái Bắc Ninh”, Tổng Bí thư dành lời khen ngợi, hỏi han cuộc sống lao động; đồng thời động viên 2 chị em tiếp tục đam mê, gìn giữ, truyền dạy cho thế hệ sau để gìn giữ những tinh hoa của Quan họ Bắc Ninh. Những lời ân cần dặn dò đó luôn được tôi khắc sâu, thực hiện”, bà Thềm chia sẻ.
Ngoài tích cực truyền dạy quan họ, hai chị em bà Thềm dày công sưu tầm các vật dụng, tư liệu khi “chơi” quan họ của mẹ, liền anh, liền chị trong thôn để thành lập Thư viện Quan họ Sang-Thềm, giúp mọi người dễ dàng tìm hiểu văn hóa quan họ.
Nói về Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Thị Thềm, Trưởng khu, Bí thư chi bộ khu Viêm Xá Nguyễn Văn Tý cho biết, hằng chục năm nay, Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Thị Thềm đã tích cực đóng góp vào công tác bảo tồn, phát huy giá trị Dân ca Quan họ Bắc Ninh. Gần 60 năm dành tình yêu cho quan họ, liền chị Nguyễn Thị Thềm đã được ghi nhận qua nhiều giải thưởng tại các kỳ liên hoan, hội diễn, được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc đóng góp cho thành công trong chương trình “Giao lưu âm nhạc truyền thống Việt Nam-Thụy Điển”; Bằng khen vì đã có đóng góp trong quá trình xây dựng hồ sơ trình UNESCO ghi danh Dân ca Quan họ Bắc Ninh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; nhiều Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh…
Năm 2022, bà Thềm vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, ghi nhận những cống hiến to lớn, tiêu biểu cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh Bắc Ninh./.
Thanh Thương