Người dân ở Hoài Đức phải khám da liễu hàng tháng vì thiếu nước sạch

Suốt 6 năm qua, hàng tháng, vợ chồng anh Nguyễn Đình Minh (Hoài Đức, Hà Nội) đều đưa các con đi khám da liễu vì không có nước sạch sử dụng.

Lắp đặt hệ thống nước sạch bằng nguồn xã hội hóa

Lao Động từng có loạt bài phản ánh về việc hơn 150 hộ dân tại Khu đất 6,9ha (Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội) suốt 6 năm không có nước sạch để sử dụng.

Liên quan đến tình trạng này, Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Hoàng Trường cho biết, đã nhiều lần đề xuất thành phố, Sở Xây dựng cho phép lắp đặt đường ống dẫn nước bằng nguồn ngân sách của huyện. Thế nhưng, theo quy định, không được sử dụng vốn ngân sách để làm hệ thống nước sạch.

Do vậy, hơn 150 hộ dân của Khu đất 6,9ha đã đồng tình với việc sử dụng nguồn kinh phí xã hội hóa để lắp đặt hệ thống nước sạch. Theo đó, các hộ dân đã đồng thuận đóng góp chi phí tạm thời 10 triệu đồng/hộ; đồng thời, nhờ phía Công ty Nước sạch Tây Hà Nội lập dự toán, lập bản vẽ kỹ thuật.

Cư dân sau đó đã trình hồ sơ, đơn thư lên cấp xã, cấp huyện nhưng đến nay vẫn chưa được thông qua.

Liên quan đến những vướng mắc khiến việc lắp đặt hệ thống nước sạch chưa thể triển khai, trong buổi làm việc giữa chính quyền địa phương và người dân Khu đất 6,9ha hồi cuối tháng 8.2024, ông Nguyễn Huy Hoàng – Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Hoài Đức cho biết, UBND huyện đã báo cáo thành phố để cấp nước cho các khu đất dịch vụ trên địa bàn huyện.

Thế nhưng, cần làm rõ ai sẽ chịu trách nhiệm pháp lý cơ sở hạ tầng sau khi triển khai xây dựng hệ thống nước sạch. Ngoài ra, khi thi công hệ thống nước sạch, cần đảm bảo không được phá vỡ quy hoạch của khu đất dịch vụ. Ban đại diện phải công khai minh bạch quá trình sử dụng tiền xã hội hóa, công tác hậu quản lý cần được xây dựng kế hoạch cụ thể sau khi triển khai (duy tu, bảo dưỡng sau này).

Khi có chủ trương cấp nước sạch đến dự án đất dịch vụ thì Ban đại diện sẽ phải tiến hành bàn giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền quan lý. Thêm vào đó, quá trình vận hành sau khi đầu tư phải có phương án quản lý. Về việc này, Công ty nước sạch Tây Hà Nội phải có chính sách, cơ chế rõ ràng.

Hơn 150 hộ dân

Hơn 150 hộ dân của Khu đất 6,9ha đã đồng tình với việc sử dụng nguồn kinh phí xã hội hóa để lắp đặt hệ thống nước sạch. Ảnh: Khánh An

Đếm từng ngày đợi nước sạch

Trao đổi với Lao Động ngày 19.9, anh Nguyễn Đình Minh - thành viên Ban đại diện Khu đất 6,9ha cho biết, được sự hướng dẫn của cán bộ xã Vân Canh và cán bộ huyện Hoài Đức, Ban đại diện đã hoàn thành các hồ sơ, thủ tục đúng theo quy định của pháp luật.

Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì, đến nay, người dân vẫn chưa thể triển khai lắp đặt hệ thống nước sạch - điều mà họ mong mỏi suốt 6 năm qua.

"Tháng nào vợ chồng tôi cũng phải đưa 3 con đi khám da liễu vì sử dụng nguồn nước không đảm bảo. Không chỉ gia đình tôi, hơn 150 hộ dân của Khu đất 6,9ha đang mong ngóng từng ngày được lắp đặt hệ thống nước sạch" - anh Minh nói.

Theo anh Minh, hiện tại một số hộ gia đình đang phải xin kéo nhờ nước sạch của các hộ dân trong làng Hậu Ái (giáp Khu đất 6,9ha) để dùng và phải chấp nhận việc chi trả mức giá nước “kịch khung”. Số khác phải mua từng bình nước, téc nước sạch để sử dụng.

Trung bình mỗi tháng, một gia đình 4-5 người tại đây phải chi khoảng 1,2 - 1,5 triệu đồng tiền nước sạch. "Chúng tôi có thể tiết kiệm được hàng trăm triệu đồng tiền mua nước mỗi tháng nếu khu vực này được lắp đặt hệ thống nước sạch" - anh Minh nói.

Nước bơm từ giếng khoan tại Khu đất 6,9ha có màu vàng đục (chậu bên phải); nước dùng để pha trà chuyển màu tím (chậu bên trái). Ảnh: Khánh An

Nước bơm từ giếng khoan tại Khu đất 6,9ha có màu vàng đục (chậu bên phải); nước dùng để pha trà chuyển màu tím (chậu bên trái). Ảnh: Khánh An

Anh Nguyễn Đình Minh mong ngóng Khu đất 6,9ha sớm được lắp hệ thống nước sạch. Video: Khánh An

Tương tự, anh Trần Ngọc Hiếu - người dân Khu đất 6,9ha cũng đang mong ngóng từng ngày được sử dụng nước sạch sinh hoạt. Anh cho biết đã quá ngán ngẩm cảnh người thân trong gia đình bị bệnh về da liễu, các vật dụng trong nhà đồng loạt đổi màu úa vàng, gỉ sét do tiếp xúc với nguồn nước giếng khoan ô nhiễm.

Trong khi đó, hàng tháng gia đình vẫn phải "cắn răng" chi tiền triệu mua nước để nấu nướng, ăn uống.