Người dùng lo nguồn gốc thịt heo khi dịch bệnh bùng phát

Tình hình dịch bệnh ở heo diễn biến phức tạp khiến người tiêu dùng lo lắng về an toàn thực phẩm, nguồn gốc thịt heo.

Thời gian gần đây, người nuôi heo tại ĐBSCL đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi.

Để xuất bán được đàn heo hơi 20 con, chị Trần Kim Cương (thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) gặp nhiều khó khăn vì tình hình dịch bệnh phức tạp, phải nhiều lần kì kèo với thương lái do bị ép giá.

Ảnh: Bích Ngọc

Dịch tả lợn châu Phi khiến người nuôi heo gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Kiều Phụng

"Họ nói do ảnh hưởng dịch bệnh nên sức tiêu thụ giảm phải mua giá thấp. Nếu nuôi thì mỗi ngày phải tốn thêm tiền thức ăn, phòng dịch. Đắn đo mãi tôi chấp nhận bán giá 54.000 đồng/kg, lợi nhuận chưa được 500.000 đồng/con/3 tháng", chị Cương cho hay.

Dù thịt heo vốn là thực phẩm chính trong bữa cơm hàng ngày của gia đình chị Nguyễn Bích Tuyền (gia sư ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) thế nhưng trước thông tin về dịch bệnh, chị Tuyền khá dè chừng trong việc lựa chọn thực phẩm.

"Nhà tôi có người lớn và trẻ em, sức đề kháng kém, chẳng may ăn phải thịt bẩn thì nguy hiểm cho sức khỏe. Dạo gần đây nhà ít dùng thịt heo mà thay thế bằng cá, hải sản đến khi nào tình hình ổn thì tính tiếp", chị Tuyền nói.

Theo ghi nhận, mặc dù giá heo thịt trên thị trường vẫn ở mức khá cao nhưng xuất phát từ nỗi lo an toàn thực phẩm dẫn đến sức tiêu thụ tại lò mổ, các chợ truyền thống giảm 20 - 30% so với cùng kì năm ngoái

Ảnh: Mỹ Ly

Người tiêu dùng e ngại nguồn gốc thịt heo trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Ảnh: Mỹ Ly

Bà Nguyễn Thị Mỹ (tiểu thương chợ Bà Bộ, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) cho biết: Giá heo thịt vẫn cao, dao động 100.000 - 210.000 đồng/kg, dù giá heo hơi giảm.

Theo bà Mỹ, giá cao do nguồn cung bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và tâm lý e ngại của người tiêu dùng về nguồn gốc nên sức mua giảm 15 - 20% so với tháng trước.

"Mặc dù thịt ở chợ đều được kiểm dịch, nguồn gốc rõ ràng nhưng vì tâm lí người tiêu dùng mình phải chịu. Để tránh ôm hàng, tôi phải giảm lượng thịt lấy từ lò mổ, chợ đầu mối về", bà Mỹ cho hay.

Trước đó, tại TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang đã xảy ra 3 ổ dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn xã Vị Tân, xã Hỏa Lựu và phường 3. Ngành chức năng địa phương đã tiến hành khoanh vùng, xử lý tiêu hủy 145 con heo, tổng trọng lượng gần 3 tấn heo bị nhiễm bệnh.

Để phòng bệnh dịch tả lợn xảy ra và lây lan trên địa bàn, UBND tỉnh Hậu Giang đã có công văn đề nghị các sở, ngành, đơn vị có liên quan chủ động giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, bảo đảm phát hiện sớm, cảnh báo và chỉ đạo xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan diện rộng.

Còn tại Cần Thơ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố cho biết, trong những tháng cuối năm sẽ tiếp tục triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra, giám sát điều kiện nuôi, điều kiện vệ sinh thú y đối với các trang trại, các cơ sở nuôi và giết mổ gia súc.

Bên cạnh đó, phối hợp cùng các đơn vị có liên quan tiến hành giám sát, kiểm tra chặt chẽ khâu lưu thông tiêu thụ sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Lượt xem: 4
Nguồn:laodong.vn Sao chép liên kết