Nguyên nhân nào khiến tỷ lệ giải ngân đầu tư công còn thấp

Dù chỉ còn chưa đầy 2 tháng kết thúc năm 2023, tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch năm 2023 của tỉnh Quảng Trị chỉ mới đạt 45,1% kế hoạch.

Article thumbnail
Dự án đường nối cầu An Mô vào khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn kéo dài nhiều năm chưa thể hoàn thiện vì vướng GPMB. Ảnh: Minh Tân

Tính đến 31/10/2023, tổng giá trị giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch năm 2023 của tỉnh Quảng Trị là trên 1.410 tỷ đồng, đạt 45,1% kế hoạch.

Trong đó, có 10 đơn vị, địa phương có tỷ lệ giải ngân kế hoạch 2023 đạt trên 80% kế hoạch và 14 đơn vị, địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình của tỉnh; ngân sách địa phương giải ngân trên 596,6 tỷ đồng, đạt 43% kế hoạch; ngân sách Trung ương hỗ trợ giải ngân trên 579,1 tỷ đồng, đạt 47% kế hoạch. Chương trình mục tiêu quốc gia giải ngân gần 214,8 tỷ đồng, đạt 58,3% kế hoạch.

Tuy nhiên, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội chỉ mới giải ngân được trên 22,9/161 tỷ đồng, đạt 14,3% kế hoạch. Một số dự án có tỷ lệ giải ngân thấp, như: Dự án thành phần 2 (Trung tâm Y tế huyện Hướng Hóa, Trạm Y tế thị trấn Khe Sanh, Trạm y tế xã Hướng Tân) chỉ đạt 1,6%, dự án thành phần 4 (Trung tâm Y tế huyện Hải Lăng) chỉ đạt 1,2%, dự án mua mua sắm thiết bị cho các cơ sở y tế tỉnh Quảng Trị chỉ đạt 1,4%...

Đối với các dự án ODA giải ngân đạt 29,5% kế hoạch, trong đó một số dự án có tỷ lệ giải ngân thấp, như: Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai tỉnh Quảng Trị đạt 17,4% kế hoạch; Dự án Hiện đại hóa ngành Lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển đạt 16,6% kế hoạch; Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng du lịch hỗ trợ cho tăng trưởng toàn diện khu vực tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng, giai đoạn 2 đạt 10,7% kế hoạch.

Bên cạnh đó, 33 dự án của 11 sở, ngành giải ngân dưới 60% kế hoạch, trong đó, có một số dự án kế hoạch vốn lớn nhưng giải ngân thấp, như: Đường ven biển kết nối hành lang kinh tế Đông Tây, tỉnh Quảng Trị giải ngân hơn 29,2/160 tỷ đồng, đạt 18,3% kế hoạch; xây dựng trường quay chuyên nghiệp quy mô 250 chỗ và trường quay ngoài trời - Đài Phát thanh Truyền hình Quảng Trị đạt 9,2% kế hoạch…

Ngoài ra, kế hoạch vốn 2022 được cấp có thẩm quyền cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2023 giải ngân đạt 58% kế hoạch. Trong đó có 15 dự án của 8 sở, ngành (Ban Dân tộc, Ban Quản lý đầu tư xây dựng tỉnh, Ban Quản lý rừng phòng hộ lưu vực sông Thạch Hãn, Công an tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa Thể thao Du lịch, Sở Y tế) và 4 địa phương (thị xã Quảng Trị, huyện Triệu Phong, huyện Gio Linh, huyện Đakrông) vẫn chưa được giải ngân với số vốn hơn 15 tỷ đồng.

Nhiều dự án thuộc Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế có tỷ lệ giải ngân thấp. Ảnh: Minh Tân

Đây được xem là nỗ lực của tỉnh Quảng Trị trong những tháng vừa qua khi 5 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách Nhà nước của tỉnh này chỉ đạt 11,05% kế hoạch. Dù vậy, với tỷ lệ giải ngân hiện nay chỉ mới đạt 45,1% có nguy cơ ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện các kế hoạch đầu tư công cũng như mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm khi chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa là kết thúc năm, trong khi đó kế hoạch vốn đầu tư công được giao còn lại phải giải ngân là khá lớn.

Theo Sở Kế hoạch & Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Quảng Trị, nguyên nhân chính dẫn đến kết quả giải ngân vốn còn thấp, ngoài yếu tố khách quan, thì nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Trong đó, công tác tổ chức thực hiện còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế; một số chủ đầu tư còn chưa quyết liệt, thiếu quyết tâm và chưa sâu sát trong tổ chức thực hiện các dự án; công tác chuẩn bị đầu tư còn chậm và chưa tốt, tính sẵn sàng còn yếu kém; khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), vật liệu xây dựng… vẫn là điểm nghẽn trong tổ chức thực hiện dự án; một số nhà thầu tư vấn và nhà thầu thi công còn yếu kém, hạn chế về năng lực.

Một số công trình, dự án được bố trí từ nguồn thu quỹ đất không có nguồn vốn để thanh toán dẫn đến nợ đọng nhà thầu và chậm tiến độ thi công. Theo một số chủ đầu tư, nguồn cung vật liệu đất đắp mặc dù đã được khắc phục phần nào nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn và giá tăng cao, cự ly vận chuyển xa hơn nên gây thiệt thòi khá lớn về kinh tế cho các nhà thầu. Bên cạnh đó một số vật liệu cơ bản sử dụng cho các công trình như cát, đá... có giá thị trường chênh lệch với thông báo giá khá lớn cũng gây khó khăn không ít cho các nhà thầu thi công.

Để tiếp tục tháo gỡ những điểm nghẽn trong công tác giải ngân đầu tư công, Sở KH&ĐT tỉnh Quảng Trị đã có văn bản gửi các địa phương, các sở, ban, ngành, các chủ đầu tư báo cáo các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công 2023 theo từng nhóm vấn đề, như: Quy trình thực hiện, công tác GPMB, nguyên vật liệu xây dựng, năng lực nhà thầu…

Đồng thời, nhằm hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công đảm bảo quy định, Sở KH&ĐT có văn bản đề nghị đơn vị quyết liệt chỉ đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại các chỉ thị, công văn nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2023.

Sở KH&ĐT nêu rõ, các sở, ban, ngành, cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các chủ đầu tư chịu hoàn toàn trách nhiệm đối với số vốn chậm giải ngân hoặc không giải ngân hết bị điều chuyển hoặc thu hồi theo quy định dẫn đến không thể hoàn thành dự án theo quyết định phê duyệt.