Nhạc sĩ Giáng Son: Khai thác chất liệu dân gian phải giữ được bản sắc Việt

Từ thành công “Bắc Bling” một lần nữa cho thấy sức hút mạnh mẽ của việc khai thác chất liệu dân gian trong các sản phẩm âm nhạc đương đại.

Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc trao đổi với nhạc sĩ Giáng Son để lắng nghe góc nhìn của bà về xu hướng này.

Phóng viên (PV): Thưa nhạc sĩ Giáng Son, bà có nhận định về xu hướng đưa chất liệu dân gian vào âm nhạc đương đại này thế nào? 

Nhạc sĩ Giáng Son: Xu hướng này thực ra không phải mới. Nhiều nhạc sĩ trước đây đã từng làm như nhạc sĩ Quốc Trung với “Đường xa vạn dặm” khai thác chất liệu chèo. 

Nhạc sĩ Giáng Son ủng hộ thế hệ trẻ khai thác chất liệu dân gian vào tác phẩm đương đại. Ảnh: HÀ ANH

Đây là một xu hướng tích cực, giúp khán giả trẻ tiếp cận gần hơn với âm nhạc dân gian. Nếu nghe nguyên bản dân gian, nhiều người sẽ cảm thấy khó nghe, nhưng khi được kết hợp với điện tử hay các yếu tố hiện đại, những ca khúc này trở nên dễ nhớ, bắt tai hơn.

Bản thân tôi ủng hộ xu hướng này, đó là sự phát triển tất yếu. Chất liệu âm nhạc dân gian Việt Nam vô cùng phong phú, không hề thua kém bất kỳ quốc gia nào. Điều quan trọng là nghệ sĩ biết cách kết hợp sao cho hài hòa, vừa giữ được tinh thần truyền thống, vừa mang đến màu sắc mới mẻ, hấp dẫn khán giả.

Bên cạnh đó, những sản phẩm kết hợp giữa âm nhạc dân tộc, âm nhạc Việt Nam và yếu tố hiện đại thường nhận được sự quan tâm lớn từ báo chí cũng như giới chuyên môn. Điều này tạo động lực để nhiều nghệ sĩ trẻ theo đuổi xu hướng này nhằm khẳng định tên tuổi và tìm kiếm hướng đi riêng trong thị trường âm nhạc.

PV: Vậy đâu là giá trị thực sự của việc kết hợp dân gian với nhạc hiện đại? 

Nhạc sĩ Giáng Son: Giá trị lớn nhất của việc kết hợp chất liệu dân gian với âm nhạc đương đại là giúp nhạc dân gian đến gần hơn với khán giả trẻ. Trong bối cảnh thế giới âm nhạc ngày càng rộng lớn, với xu hướng nghe nhạc nhanh và sự áp đảo của K-pop, UK,… âm nhạc dân gian Việt Nam có phần lép vế.

Sự kết hợp này giúp người nghe, đặc biệt là những bạn trẻ vốn quen với nhạc quốc tế, nhận ra rằng, Việt Nam cũng có những ca khúc hấp dẫn, không hề thua kém âm nhạc thế giới. Đồng thời, nó còn tạo sự kết nối với cội nguồn, khơi gợi niềm tự hào dân tộc qua những giai điệu mang đậm bản sắc Việt nhưng vẫn hiện đại và bắt tai. 

Ca sĩ Hòa Minzy và nhạc sĩ Tuấn Cry cùng người dân quê hương Lạc Xá biểu diễn "Bắc Bling" trên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội trong đêm trao giải Cống hiến 2025. Ảnh: HÀ ANH

PV: Khi kết hợp chất liệu dân gian vào nhạc đương đại, đâu là ranh giới giữa sáng tạo và làm biến tướng bản sắc gốc? 

Nhạc sĩ Giáng Son: Âm nhạc dân gian Việt Nam vô cùng đa dạng, mỗi vùng miền, mỗi dân tộc đều có sắc thái riêng. Nhạc sĩ chuyên nghiệp sử dụng thang âm, giai điệu và tinh thần dân gian để sáng tạo nên màu sắc âm nhạc mới, mang dấu ấn cá nhân. Tuy nhiên, cần phân biệt rõ giữa bảo tồn và phát triển: Bảo tồn giữ nguyên bản, còn phát triển là sáng tạo trên nền tảng cũ. Sáng tạo không có giới hạn tuyệt đối, miễn sao tác phẩm vẫn mang tinh thần Việt Nam trong đó.

Các nghệ sĩ trẻ hiện nay đã làm khá tốt điều này nhưng điều quan trọng nhất vẫn là chất lượng sản phẩm. Nếu ca khúc không hay, khán giả sẽ không đón nhận và thời gian sẽ là thước đo giá trị thực sự.

Một vấn đề cần lưu ý khi sử dụng chất liệu dân gian là ranh giới mong manh giữa âm nhạc Việt Nam các quốc gia khác, nhất là trong khu vực châu Á. Bởi có thang âm tương đồng, nhưng màu sắc âm nhạc khá khác biệt. Vì vậy, để giữ được bản sắc dân tộc, nhạc sĩ cần hiểu rõ chất liệu mình đang khai thác, thay vì chạy theo xu hướng thị trường.

Ca sĩ Hà Myo gắn với những tác phẩm âm nhạc đương đại kết hợp chất liệu xẩm dân gian. Ảnh: NVCC

PV: Bà nhận thấy vai trò của truyền thông trong việc định hướng đúng đắn về xu hướng này thế nào?

Nhạc sĩ Giáng Son: Truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc quảng bá và định hướng đúng đắn. Về mặt chuyên môn, không thể yêu cầu truyền thông đảm nhiệm vai trò này, mà chính các nhạc sĩ, các nhà nghiên cứu cần hỗ trợ truyền thông trong việc định hướng đúng đắn.

Khi một ca sĩ nổi tiếng hay một sản phẩm được đầu tư lớn, truyền thông không nên chỉ chạy theo trào lưu mà cần đặt câu hỏi về giá trị nghệ thuật và bản sắc văn hóa của sản phẩm đó. Nếu thiếu sự cẩn trọng, truyền thông có thể vô tình tiếp tay cho những sản phẩm làm mờ nhạt bản sắc âm nhạc Việt Nam. 

PV: Trân trọng cảm ơn nhạc sĩ Giáng Son! 

PHẠM THỨ (thực hiện)

 

Tags: dân gian
Tin liên quan
Nội dung đang được cập nhật.