Nhiều hạng mục có tỷ lệ giải ngân vốn rất thấp, hủy dự toán

Thanh tra Ủy ban Dân tộc (UBDT) đã ban hành kết luận thanh tra việc thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi và một số chính sách thuộc lĩnh vực công tác dân tộc tại tỉnh Khánh Hòa. Qua đó cho thấy nhiều hạng mục có tỷ lệ giải ngân vốn rất thấp, có hạng mục phải hủy dự toán.

Article thumbnail
Tại Khánh Hòa, 3 dân tộc còn gặp nhiều khó khăn là Raglai, Ê đê và Cơ ho (T’rin). Ảnh: HT

Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021.

Tỉnh Khánh Hòa có diện tích miền núi tự nhiên là 290.500ha, chiếm 63,5% diện tích toàn tỉnh. Dân số tỉnh có trên 1,2 triệu người, trong đó, DTTS trên 72 nghìn người (chiếm 5,8%), với 35 dân tộc sinh sống chủ yếu ở vùng miền núi thuộc huyện Khánh Sơn, huyện Khánh Vĩnh và một số xã miền núi thuộc huyện Cam Lâm, huyện Diên Khánh, thị xã Ninh Hòa và thành phố Cam Ranh. 

Năm 2023, tỉnh Khánh Hòa có 10.826 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 3,19%) và 16.478 hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ 4,86%); hộ nghèo DTTS là 7.750 hộ, chiếm tỷ lệ 41% so với tổng số hộ DTTS; hộ cận nghèo DTTS là 4.178 hộ, chiếm tỷ lệ 22,1% so với tổng số hộ DTTS. 

Qua thanh tra cho thấy, việc sử dụng nguồn vốn ngân sách còn chưa thực sự hiệu quả. Nhiều hạng mục dự án có tỷ lệ giải ngân vốn rất thấp, thậm chí, trong năm 2022, nhiều hạng mục đã phải hủy dự án do không thực hiện được.

Năm 2022, Dự án Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị (Dự án 3) được phân bổ 16,199 tỷ đồng theo kế hoạch, nhưng đến 31/1/2023, giá trị sử dụng, quyết toán chỉ là 88 triệu đồng, tỷ lệ giải ngân vốn chỉ đạt 0,54%. Phải hủy dự toán số tiền là 528 triệu đồng và chuyển nguồn sang năm 2023 là 15,583 tỷ đồng. Năm 2023, ngoài số tiền từ năm 2022 chuyển sang, dự án còn được phân bổ thêm 30,805 tỷ đồng, nhưng đến hết 31/5/2023, đoàn thanh tra ghi nhận giá trị thực hiện của dự án là bằng 0 đồng.

Dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc (Dự án 4), năm 2022 được phân bổ 58,8 tỷ đồng, số tiền hủy dự toán là 1,89 tỷ đồng. Năm 2023, kế hoạch vốn của dự án là 64,3 tỷ đồng, nhưng đến hết 31/5, giá trị thực hiện mới đạt 15,35 tỷ đồng, tương đương 23,8%

Các Dự án 7 (Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS; phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em), Dự án 8 (Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em), Dự án 9 (Đầu tư phát triển nhóm DTTS rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn) và Dự án 10 (Truyền thông, tuyên truyền, kiểm tra, giảm sát đánh giá thực hiện chương trình) trong năm 2023 đều có kết quả giải ngân rất thấp. Cụ thể, đến hết 31/5/2023, đối với Dự án 7 là 71,9 triệu đồng, đạt 2,19%; Dự án 8 đã thực hiện 24 triệu đồng, đạt 0,31%; Dự án 9 đã thực hiện 120 triệu đồng, đạt 1,09%; Dự án 10 đã thực hiện 112,2 triệu đồng, đạt 3,15%.

Theo đoàn thanh tra, tỉnh Khánh Hòa đã ban hành văn bản quy định, hướng dẫn, thực hiện phân cấp quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025; kịp thời thành lập ban chỉ đạo, bộ máy giúp việc, giao Ban Dân tộc là cơ quan chủ trì chương trình, xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ các sở, ban, ngành, UBND các huyện.

Một số nguyên nhân khách quan như: Chương trình có nhiều dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần; nhiều cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, tổ chức được phân công nhiệm vụ thực hiện; việc ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền còn chưa kịp thời, đồng bộ, thống nhất; nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ cho địa phương thực hiện chương trình được giao vào giữa năm 2022; các cơ quan, đơn vị là chủ đầu tư được giao kinh phí chủ yếu tập trung vào các tháng cuối năm 2022. 

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tiến độ triển khai các dự án nêu trên còn chậm, kết quả giải ngân đạt tỷ lệ thấp hoặc chưa giải ngân được là trong quá trình thực hiện, các cơ quan, tổ chức, đơn vị chờ văn bản về quy định, hướng dẫn, định mức, cơ chế quản lý, sử dụng vốn... của các cơ quan Trung ương và của tỉnh; việc giao nhiệm vụ, phân bổ vốn, giao dự toán, điều chuyển kinh phí còn chưa kịp thời và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của một số cơ quan, đơn vị; một số cơ quan, đơn vị còn chưa chủ động, linh hoạt, trao đổi học hỏi kinh nghiệm hoặc gặp khó khăn về phương pháp, cách làm nhưng chưa có biện pháp tháo gỡ kịp thời.