Nuôi dưỡng tình yêu văn học của giới trẻ

Thành lập từ năm 1993, trải qua tròn 3 thập kỷ, Tạp chí Văn học và Tuổi trẻ (Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam) luôn là địa chỉ tin cậy, là cầu nối, là nơi giao lưu, học tập, tìm hiểu, ươm mầm và nuôi dưỡng tình yêu văn chương của nhiều thế hệ học sinh phổ thông các cấp.

Được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của cơ quan chủ quản là Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam nên Tạp chí Văn học và Tuổi trẻ có những lợi thế nhất định trong công tác biên tập, xuất bản, phát hành. Từ số đầu tiên cho đến nay, Tạp chí luôn quy tụ được một đội ngũ Hội đồng biên tập hùng hậu và đội ngũ cộng tác viên đông đảo, chất lượng, gồm các chuyên gia giáo dục, các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu, phê bình nổi tiếng đầy tâm huyết với công tác giảng dạy văn học ở các cấp phổ thông như: GS Nguyễn Khắc Phi, GS, TS Trần Đình Sử, nhà văn Tô Hoài, nhà văn Nguyễn Quang Sáng, nhà văn Ma Văn Kháng, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhà thơ Trần Đăng Khoa...

     Tạp chí Văn học và Tuổi trẻ tổ chức giao lưu văn học tại Trường THCS Nguyễn Trường Tộ (quận Đống Đa, TP Hà Nội).Ảnh do Tạp chí Văn học và Tuổi trẻ cung cấp 

Bên cạnh đó, với đội ngũ ban biên tập tài năng, giàu sáng tạo, cẩn trọng và kỹ lưỡng, Tạp chí Văn học và Tuổi trẻ đã cung cấp nhiều chuyên mục văn chương vừa phong phú, đa dạng, vừa thiết thực, bổ ích cho học sinh phổ thông các cấp. Mục “Hỏi vắn đáp văn” là cầu nối giữa các em và các chuyên gia văn học. Sự giải đáp của các chuyên gia văn học giúp các bạn học sinh hiểu đúng, hiểu sâu về vấn đề mình thắc mắc thông qua cách hành văn, diễn đạt dễ hiểu. Mục “Đi tìm vẻ đẹp văn chương” giúp các em khám phá những nét tinh tế, trong trẻo ẩn hiện dưới ngôn từ nghệ thuật và gợi mở cách đọc, cách hiểu, cách cảm mới đối với một tác phẩm văn học. Sau một vài lần hướng dẫn, dần dần các em học sinh cũng đã bắt đầu chú ý đi tìm những nghĩa mới bên dưới câu chữ hiển lộ. Mục “Chân dung nhà văn” với những bài phân tích chuyên sâu sẽ đem đến cho học sinh cái nhìn toàn diện về các nhà văn tiêu biểu của văn học nước nhà, nhất là các nhà văn có tác phẩm được giảng dạy trong chương trình ngữ văn phổ thông.

Thấu hiểu những băn khoăn, bỡ ngỡ của học sinh đối với chương trình ngữ văn mới, Tạp chí mở Chuyên mục “Đồng hành cùng chương trình và sách giáo khoa” để thông tin, chia sẻ những điểm mới của chương trình và Chuyên mục "Tác phẩm hay cho bạn" để cung cấp những ngữ liệu văn bản văn học mới nhằm giúp các em có phương pháp học tập thích hợp. Tạp chí cũng rất quan tâm đến vấn đề thi cử của các em học sinh cuối cấp, đặc biệt là các em thi vào lớp 10. Tạp chí thường xuyên đăng tải các đề thi, lời giải chi tiết của các giáo viên ngữ văn giàu kinh nghiệm, tổ chức các cuộc thi ra đề thi làm nguồn tài liệu tham khảo hữu ích, quý giá cho các sĩ tử trẻ tuổi trước “kỳ thi cuộc đời” trong Chuyên mục “Giúp bạn ôn thi”.

Không chỉ chú trọng đến những chuyên mục thiên về nghiên cứu và giảng dạy, Tạp chí Văn học và Tuổi trẻ còn chú trọng đến việc động viên, khuyến khích cây bút tuổi học trò sáng tác qua Chuyên mục “Mùa đầu văn học”. Ngoài công tác chuyên môn, Tạp chí cũng tổ chức nhiều hoạt động liên kết ngoại khóa hấp dẫn với các trường phổ thông, mời các nhà văn, nhà thơ, nhà giáo dục nổi tiếng đến giao lưu, trò chuyện, chia sẻ với các em học sinh những câu chuyện, những trải nghiệm văn chương thú vị, qua đó giúp học sinh phổ thông có thêm nhiều góc nhìn và nuôi dưỡng tình yêu với văn chương

Hiện tại, dù có thay đổi cơ cấu tổ chức, biên chế nhưng theo PGS, TS Nguyễn Văn Tùng, Phó tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, người đã có nhiều năm gắn bó với Tạp chí Văn học và Tuổi trẻ, cho biết: “Văn học và Tuổi trẻ vẫn chung thủy, kiên định với đường hướng và tôn chỉ mục đích ban đầu, đó là luôn phấn đấu làm một người bạn đồng hành tin cậy của giáo viên và học sinh trên hành trình khám phá vẻ đẹp văn chương; làm một vườn ươm cho những mầm non tài năng sáng tác và nghiên cứu văn học. Từ những thế hệ học sinh, sinh viên đã từng gắn bó với Tạp chí Văn học và Tuổi trẻ suốt 30 năm qua, đến nay, đã có rất nhiều cây bút được công bố những trang viết đầu đời nơi đây trở thành nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu văn học và ngôn ngữ chuyên nghiệp".   

Tags: Văn học
Lượt xem: 11
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan
Nội dung đang được cập nhật.