Pháp phản đối các chính sách chống lại năng lượng hạt nhân

Là nước dẫn đầu trong “liên minh hạt nhân” ở châu Âu, Pháp đã lên tiếng phản đối các chính sách chống năng lượng hạt nhân đang gây cản trở cho việc thực hiện cải cách thị trường điện ở khu vực này.

Theo Reuters, ngày 17-10, Bộ trưởng Chuyển đổi năng lượng Pháp Agnès Pannier-Runacher đã lên tiếng phản đối chính sách phân biệt đối xử chống lại năng lượng hạt nhân. Phát biểu trước thềm một cuộc họp nhằm tìm kiếm thỏa thuận về cải cách thị trường điện Liên minh châu Âu (EU), bà Pannier-Runacher nhấn mạnh: “Việc phân biệt đối xử chống lại hạt nhân là đi ngược lại lợi ích của người châu Âu”. Bà Pannier-Runacher cũng khẳng định, năng lượng hạt nhân có thể cải thiện tình hình an ninh năng lượng tại khu vực.

Các tháp làm mát của Nhà máy Điện hạt nhân Saint-Laurent-des-Eaux, miền Trung nước Pháp.Ảnh: AFP 

Sau khi đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng vào năm 2022 do tác động của cuộc xung đột Nga-Ukraine, EU đã đưa ra đề xuất cải cách thị trường điện với mục tiêu bình ổn hơn nữa giá điện trong dài hạn, đồng thời chuyển đổi hệ thống điện theo hướng sử dụng năng lượng sạch. Tuy nhiên, việc cải cách thị trường điện của EU đã bị trì hoãn nhiều tháng do bất đồng giữa Đức và Pháp liên quan đến việc định giá năng lượng hạt nhân và mức độ trợ cấp cho năng lượng này. 

Berlin và Paris đã bắt đầu tranh cãi về năng lượng hạt nhân kể từ khi Đức dừng các nhà máy điện hạt nhân sau thảm họa Fukushima ở Nhật Bản năm 2011. 3 nhà máy điện hạt nhân cuối cùng của Đức, bao gồm Isar 2, Emsland và Neckarwestheim 2, đã ngừng hoạt động vào tháng 4-2023 bất chấp lo ngại về một mùa đông lạnh giá sắp tới. Chính phủ Đức khẳng định rằng, việc loại bỏ năng lượng hạt nhân sẽ giúp nước này an toàn hơn vì những rủi ro về hạt nhân là không thể kiểm soát được. Pháp đã chỉ trích lập trường của Đức, đồng thời cáo buộc Berlin cố tình đi ngược lại sự chấp nhận ngày càng tăng về năng lượng hạt nhân ở châu Âu. Theo trang tin Euractiv.com, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh: “Sẽ là một sai lầm lịch sử nếu giảm tốc độ đầu tư vào năng lượng hạt nhân ở châu Âu, đặc biệt nếu điều này dẫn đến việc sử dụng nhiều than hơn”. Về phần mình, bà Pannier-Runacher cho rằng, việc cấm sử dụng năng lượng hạt nhân vốn thải ra ít carbon hơn năng lượng mặt trời hoặc gió là vô lý.

Là thế mạnh của Pháp, điện hạt nhân được kỳ vọng góp phần bảo đảm chủ quyền năng lượng quốc gia khi cả châu Âu bị lộ yếu điểm phụ thuộc vào các nguồn năng lượng bên ngoài sau khi cuộc xung đột Nga-Ukraine bùng phát. Điện hạt nhân cũng được coi là một trong 3 trụ cột chính giúp Pháp đạt được mục tiêu trung hòa khí thải nhà kính vào năm 2050, song song với việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo và chính sách tiết kiệm năng lượng.

Trên thực tế, vấn đề năng lượng hạt nhân không chỉ gây tranh cãi giữa Đức và Pháp mà còn là chủ đề làm chia rẽ nội bộ EU khi một số quốc gia chấp nhận, trong khi những nước khác coi là rủi ro. Việc Ủy ban châu Âu (EC) coi đây như một nguồn năng lượng xanh càng tạo ra sự chia rẽ trên khắp EU. Cuối tháng 2 năm nay, 11 quốc gia gồm Bulgaria, Croatia, Séc, Phần Lan, Pháp, Hungary, Hà Lan, Ba Lan, Romania, Slovakia và Slovenia đã nhất trí thành lập một “liên minh hạt nhân” trong EU. Các nước này nhấn mạnh, năng lượng hạt nhân là một trong những công cụ giúp EU đạt được các mục tiêu về khí hậu, sản xuất điện để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, cũng như bảo đảm an ninh nguồn cung năng lượng. Trong khi đó, ngoài Đức, Italy, Luxembourg, Áo, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha cũng kiên quyết phản đối năng lượng hạt nhân.

Việc các nước thành viên không tìm được tiếng nói chung về chủ đề này tạo rào cản cho EU trong quá trình chuyển đổi xanh để đạt được các mục tiêu khí hậu cũng như bảo đảm nguồn cung năng lượng. Trong cuộc phỏng vấn với tờ Financial Times, Bộ trưởng Chuyển đổi năng lượng Pháp Agnès Pannier-Runacher cảnh báo sự chia rẽ về năng lượng hạt nhân có thể ngăn cản việc hoàn tất cuộc cải cách thị trường điện ở châu Âu được chờ đợi từ lâu.

Tags: hạt nhân