Phát triển giáo dục vẫn chậm hơn tốc độ đô thị hoá

Vùng Đồng bằng sông Hồng đứng đầu cả nước về các chỉ số phát triển giáo dục tuy nhiên vẫn gặp phải nhiều vấn đề về thiếu giáo viên, quá tải trường học.

Hôm nay (14/6), Bộ GD&ĐT đã tổ chức hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng Đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, triển khai Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu thời gian qua, giáo dục và đào tạo của vùng Đồng bằng sông Hồng đã đạt được những kết quả quan trọng, đáng ghi nhận nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, sự nỗ lực cố gắng của đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, sự quan tâm của toàn xã hội. 

Tuy nhiên, cũng theo Bộ trưởng, giáo dục và đào tạo của vùng Đồng bằng sông Hồng vẫn còn những tồn tại, hạn chế, thiếu sót, còn nhiều khó khăn, thách thức. 

Giáo dục - Phát triển giáo dục vẫn chậm hơn tốc độ đô thị hoá

Hội nghị đánh giá lại các kết quả của ngành giáo dục vùng  Đồng bằng Sông Hồng.

Trong đó có tình trạng quá tải tại các trường học, cơ sở đào tạo; chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ em, học sinh tại địa bàn tập trung các khu công nghiệp, khu chế xuất còn nhiều bất cập. Chất lượng lao động của vùng mặc dù cao hơn so với mặt bằng chung của cả nước song vẫn còn thấp so với yêu cầu của một vùng kinh tế phát triển khi mà vẫn còn gần 2/3 lực lượng lao động chưa qua đào tạo hoặc không có bằng cấp/chứng chỉ. Ngoài ra, còn đầy thách thức, nhiều khó khăn khác cần tiếp tục nhận diện, có giải pháp phù hợp để khắc phục và phát triển trong thời gian sắp tới.

Trung tâm đào tạo cung ứng nguồn lực

Cũng tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cũng đã Trình bày báo cáo tóm tắt tình hình phát triển giáo dục và đào tạo vùng đồng bằng Sông Hồng giai đoạn 2011 - 2022 và nhiệm vụ, giải pháp phát triển giáo dục đào tạo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, vùng đồng bằng Sông Hồng là trung tâm đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực cho cả nước với nhiều trường đại học, trung tâm nghiên cứu có uy tín. Thời gian qua, công tác phát triển giáo dục, đào tạo của Vùng đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, góp phần vào phát triển kinh tế, xã hội của Vùng và cả nước.

Về cơ bản, 100% đơn vị cấp xã đều có trường mầm non và tiểu học, hầu hết các xã đã có trường THCS, các huyện, thành phố đều có ít nhất 1 trường THPT. Nhiều địa phương đã xây dựng các trường THCS, THPT liên xã.

Năm học 2020 - 2021, toàn vùng có 5.561 cơ sở giáo dục phổ thông, với hơn 4,3 triệu học sinh. Tỉ lệ lớp/trường, sĩ số học sinh/lớp các cấp học của vùng Đồng bằng sông Hồng đều cao hơn so với bình quân cả nước. 

Cũng trong năm học này, tỉ lệ huy động trẻ mầm non đến trường toàn vùng đạt 76,8%, tỉ lệ huy động trẻ mẫu giáo 5 tuổi đến trường đạt 99,94% - cao nhất cả nước. Tỉ lệ huy động trẻ mẫu giáo đạt 98,6%, cao hơn 6,2% so với bình quân chung. Một chỉ số khác của vùng Đồng bằng sông Hồng cũng đứng đầu là chất lượng phổ cập giáo dục các cấp. Cả 4 địa phương đầu tiên trong toàn quốc hoàn thành phổ cập THPT cấp độ 3 đều thuộc vùng này.

Giáo dục - Phát triển giáo dục vẫn chậm hơn tốc độ đô thị hoá (Hình 2).

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn báo tại hội nghị.

Ngoài ra, các chỉ số về cơ sở vật chất như tỉ lệ trường đạt chuẩn quốc gia, tỉ lệ phòng học kiên cố, thư viện, thiết bị dạy học đều cao hơn mức trung bình cả nước và đứng đầu trong 6 vùng kinh tế - xã hội.

Quá trình triển khai đổi mới giáo dục phổ thông theo Chương trình GDPT 2018 và xây dựng trường học hạnh phúc với nhiều kết quả tích cực ở Đồng bằng sông Hồng không chỉ tạo ra những đổi thay cho giáo dục của vùng mà còn có vai trò dẫn dắt giáo dục cả nước.

Toàn vùng hiện có 14 trường chuyên, trong đó có 11 trường trực thuộc tỉnh/thành phố, 3 trường trực thuộc cơ sở giáo dục đại học và 1 khối THPT chuyên.

Với vị trí của một vùng có ý nghĩa chiến lược quan trọng bậc nhất, Đồng bằng sông Hồng cũng chính là trung tâm về đào tạo nhân lực của cả nước. Toàn vùng hiện có 113 cơ sở giáo dục đại học, trong đó có hàng chục cơ sở có quy mô và chất lượng đứng đầu cả nước. Bình quân hằng năm, có hơn 100.000 sinh viên và hơn 15.000 học viên, nghiên cứu sinh tốt nghiệp. 

Thiếu trường, thiếu lớp vẫn diễn ra ở các đô thị

Tuy nhiên, báo cáo cho biết Đồng bằng sông Hồng cũng đang đối diện với không ít khó khăn. Sự phát triển nóng về kinh tế, cùng với tốc độ đô thị hoá, tăng dân số cơ học nhanh hàng đầu cả nước đã làm cho các vấn đề xã hội, trong đó có giáo dục dù được quan tâm vẫn đang chậm hơn so với sự phát triển.

Đặc biệt, vấn đề quy hoạch mạng lưới trường lớp còn bất cập, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Tình trạng quá tải tại các trường học còn chưa được khắc phục. Đặc biệt, tại các khu vực đông dân cư, khu đô thị mới vẫn còn tình trạng thiếu trường, thiếu lớp.

Thiếu giáo viên, giáo viên nghỉ việc, chuyển việc cũng đang đặt ra cho Đồng bằng sông Hồng thách thức để giữ vững và nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục.

Tạo sự kết nối chủ động hơn để hỗ trợ các vùng khác, địa phương khác còn đang khó khăn cũng là việc mà giáo dục Đồng bằng sông Hồng phải làm và nên làm. Để trong tương lai không xa, câu chuyện giáo viên ở vùng hỗ trợ dạy học cho các trường học ở các địa phương miền núi khó khăn như một số trường đã làm thời gian qua sẽ không là cá biệt.

Lượt xem: 7
Tác giả: Nguyễn Hoa Trà
Tin liên quan
Nội dung đang được cập nhật.