Quảng Ngãi: Tỷ lệ lao động tham gia BHXH, BHTN đạt rất thấp

So với bình quân chung cả nước, hiện tỷ lệ lao động tham gia BHXH, BHTN của tỉnh Quảng Ngãi đạt rất thấp với con số tương ứng là 19,4% và 15,8% lao động trong độ tuổi.

Quảng Ngãi có lực lượng lao động đông và gia tăng theo từng năm.

Quảng Ngãi có lực lượng lao động đông và gia tăng theo từng năm.

Tính đến 30/9/2022, Quảng Ngãi có 138.924 người tham gia BHXH, đạt 19,4% so với lực lượng lao động trong độ tuổi (tỷ lệ bình quân của cả nước là 34,84%); 113.127 người tham gia BHTN, đạt 15,8% so với lực lượng lao động trong độ tuổi (bình quân chung cả nước là 28,33%). 

Nguyên nhân của tình trạng trên là do đời sống kinh tế của người dân trong tỉnh còn nhiều khó khăn bởi ảnh hưởng thiên tai, dịch bệnh, cùng với việc tăng mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn từ 700 ngàn đồng (giai đoạn 2016 - 2021) lên 1,5 triệu đồng (giai đoạn 2022 - 2025) nên số người tham gia BHXH tự nguyện giảm đáng kể.

Việc chấp hành pháp luật về lao động, BHXH, BHYT ở một số đơn vị sử dụng lao động chưa cao, tình trạng trốn tránh tham gia bảo hiểm cho người lao động hoặc tham gia không đủ số lao động đang làm việc tại các đơn vị vẫn còn xảy ra.

Trong khi tỷ lệ lao động tham gia BHXH, BHTN đạt rất thấp thì số nợ bảo hiểm của Quảng Ngãi lại lên đến 186 tỷ đồng (con số thống kê đến 30/9/2022), tập trung vào 2 nhóm chính là nợ khó thu và nợ dưới 3 tháng.

Cụ thể: Nợ khó thu (các đơn vị giải thể, phá sản, mất tích, ngừng hoạt động…) là  279 đơn vị nợ với số tiền nợ gần 38,5 tỷ đồng; nợ dưới 3 tháng là 1.357 đơn vị, tương ứng hơn 56,5 tỷ đồng.

Nguyên nhân chủ yếu do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nên việc trích nộp BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động chưa kịp thời, nợ đọng đã ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động; nhiều doanh nghiệp nhỏ phải ngừng hoạt động hoặc phá sản...

Một số doanh nghiệp chưa chấp hành nghiêm về pháp luật BHXH, BHYT, BHTN dẫn đến tình trạng trốn đóng, nợ đọng kéo dài làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

Tình trạng trốn đóng, nợ đọng kéo dài làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

Tình trạng trốn đóng, nợ đọng kéo dài làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

Những đơn vị có số nợ lớn như Công ty CP Lilama 45.3 (đơn vị nhận từ BHXH tỉnh Phú Yên về ngày 1/4/2021) nợ hơn 7,5 tỷ đồng, tương ứng với thời gian nợ 18 tháng; Công ty CP Licogi Quảng Ngãi hơn 6,7 tỷ đồng, tương ứng với thời gian nợ 47 tháng; Công ty CP Phát triển cơ sở hạ tầng Quảng Ngãi nợ hơn 3,2 tỷ đồng, tương ứng với thời gian nợ 72 tháng.

Cá biệt, Công ty CP Bê tông ly tâm Dung Quất, trụ sở đóng tại xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn nợ BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN với số tiền hơn 12,6 tỷ đồng, tương ứng với thời gian nợ 140 tháng. Cơ quan chức năng đã chuyển hồ sơ cho Cục Thi hành án dân sự tỉnh nhưng vẫn chưa thu hồi được nợ.

Lượt xem: 37
Nguồn:kinhtedothi.vn Sao chép liên kết