Tại sao thủ tục hành chính vẫn là rào cản của sự phát triển?

Chỉ trong hơn một tháng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính liên tiếp có những chỉ đạo về công tác cải cách thủ tục hành chính.

Mới nhất, Thủ tướng vừa ký ban hành Công điện số 644/CĐ-TTg ngày 13-7-2023 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm và nâng cao hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Trước đó, Thủ tướng có Công văn số 493/TTg-KSTT ngày 1-6-2023 về việc cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh. Điều này cho thấy, mặc dù đã có nhiều cải cách nhưng thủ tục hành chính vẫn tạo ra sự bất an và nhiều thủ tục vẫn là rào cản của phát triển.

 Người dân làm thủ tục hành chính. Ảnh minh họa

Tại sao vậy?

Đó là vì, thứ nhất, hiện nay hệ thống hành chính của chúng ta vẫn còn quá nhiều thủ tục buộc người dân và doanh nghiệp phải tuân thủ. Cho đến tháng 7-2023, có tổng số 6.426 thủ tục hành chính, như vậy là có tăng thêm so với tháng 5-2023 (6.422 thủ tục hành chính). Động vào đâu cũng là quy định, là thủ tục hành chính. Đó là chưa kể mỗi thủ tục lại có nhiều bước. Càng nhiều quy định, càng nhiều bước thì càng mất thời gian để thực hiện.

Thứ hai là còn xuất hiện nhiều thủ tục không thật cần thiết. Điều này mới thực sự gây phiền hà, khó chịu, thậm chí là làm khổ người dân! 

Thứ ba là nhiều cải cách hành chính còn mang tính hình thức. Điển hình là người viết bài này đang làm một thủ tục hành chính xác nhận nơi cư trú. Thủ tục này được hình dung là rất đơn giản khi chỉ việc khai thông tin trên Cổng dịch vụ công quốc gia, từ đó công an phường sở tại sẽ lấy thông tin và xác nhận. Nhưng thực tế lại rất khó khăn khi khai thông tin xong, đợi nhiều ngày mà công an phường vẫn chưa nhận được thông tin trên hệ thống, mà chưa nhận được thì không thể xử lý. Trong khi đó, thông tin về nơi cư trú của công dân đã hiện rõ trên căn cước công dân, lẽ ra việc xác nhận chỉ mất vài phút.

Có thể thấy, thủ tục hành chính chính là việc cụ thể hóa các quy định của pháp luật để người dân và doanh nghiệp tuân thủ. Chất lượng xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật của chúng ta còn nhiều hạn chế; hiện tượng lồng ghép lợi ích cục bộ trong việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hướng dẫn thực thi pháp luật dẫn tới việc ra đời những thủ tục hành chính phức tạp, thậm chí có những quy định kỳ cục. Muốn vượt qua được những thủ tục phức tạp ấy lại phải “đi cửa sau”.

Để giải quyết thực trạng hiện nay, về mặt tổng thể, Chính phủ nên tiếp tục giao chỉ tiêu cho các bộ, ngành, địa phương kiên quyết cắt giảm thủ tục hành chính và có giải pháp kiểm soát chặt việc ra đời các thủ tục mới. Cần thực hiện nghiêm việc đánh giá tác động của thủ tục hành chính trong đề nghị xây dựng dự án luật, pháp lệnh, hạn chế việc xuất hiện các quy định “trên trời”. Các bộ, ngành, địa phương cần nghiêm túc rà soát, loại bỏ ngay theo thẩm quyền những thủ tục hành chính đang là rào cản có tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân. Chừng nào người dân và doanh nghiệp còn phàn nàn về sự rối rắm, phức tạp của thủ tục hành chính thì chừng đó chất lượng phục vụ của hệ thống hành chính còn chưa tốt và môi trường đầu tư vẫn chưa thật hấp dẫn.