Tăng cường hỗ trợ người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản để vươn lên thoát nghèo

Công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội luôn được các cấp, các ngành tỉnh Quảng Bình (nay là tỉnh Quảng Trị) quan tâm thực hiện, qua đó giúp người nghèo tăng thu nhập và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống.

 

Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh, tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Ảnh: TH

Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 với mục tiêu chung là giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo. Đồng thời, huy động mọi nguồn lực để tập trung đầu tư phát triển kinh tế, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn, đào tạo kỹ năng nghề, giải quyết việc làm cho người lao động, tăng nhanh thu nhập, nâng cao điều kiện sinh hoạt và chất lượng cuộc sống cho Nhân dân. Hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống…

Tại Quảng Bình (nay là tỉnh Quảng Trị), CTMTQG giảm nghèo được triển khai với các dự án, gồm: Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; truyền thông và giảm nghèo về thông tin; nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá Chương trình.

Kết quả, trong giai đoạn 2021 - 2024, tỉnh đã hỗ trợ đầu tư, duy tu bảo dưỡng 62 công trình trên địa bàn 4 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển; hỗ trợ 185 mô hình, đa dạng hóa sinh kế, 110 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp; hỗ trợ đào tạo nghề cho hơn 4.348 lao động, tổ chức 37 phiên giao dịch việc làm với 1.671 người tham gia…

Bên cạnh đó, tỉnh còn tập trung thực hiện các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội như: Giai đoạn 2021 - 2024, đã hỗ trợ cấp 88.519 thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho đối tượng nghèo; 69.531 thẻ BHYT cho đối tượng cận nghèo; 101.596 thẻ BHYT cho hộ làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình; 52.715 thẻ BHYT cho người sống tại vùng đặc biệt khó khăn. Thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập đối với học sinh nghèo. Tổ chức 7 hội nghị truyền thông về trợ giúp pháp lý cho 651 đối tượng. Thực hiện hỗ trợ tiền điện cho 47.541 lượt hộ nghèo. Hỗ trợ xây mới và sửa chữa 1.273 căn nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo…

Với việc thực hiện đồng bộ các chính sách giảm nghèo, kết quả thực hiện các chỉ tiêu giải quyết mức độ thiếu hụt các chiều dịch vụ xã hội cơ bản trong giai đoạn 2021 - 2024: Đối với chiều thiếu hụt về việc làm, toàn tỉnh có 986 người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu được hỗ trợ kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm, đạt 100%, có 528 người lao động thuộc các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển được hỗ trợ tư vấn, định hướng giới thiệu việc làm. Ở chiều thiếu hụt về y tế, có 88.519 thẻ BHYT được cấp cho đối tượng thuộc hộ nghèo, 69.531 thẻ BHYT được cấp cho đối tượng thuộc hộ cận nghèo, đạt 78,1% (chỉ tiêu 100%). Về chiều thiếu hụt giáo dục, đào tạo, tỷ lệ trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đi học đúng độ tuổi đạt 98,7% (chỉ tiêu là 97%). Ở chiều thiếu hụt về nước sinh hoạt và vệ sinh, có 74,1% hộ nghèo, hộ cận nghèo sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh (chỉ tiêu 90%). Ở chiều thiếu hụt về thông tin, có 64,2% hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu được tiếp cận sử dụng các dịch vụ viễn thông, internet (chỉ tiêu 90%), 100% hộ gia đình sinh sống trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo được tiếp cận thông tin về giảm nghèo bền vững thông qua các hình thức xuất bản phẩm, sản phẩm truyền thông.

Mục tiêu giảm nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều đạt và vượt kế hoạch đề ra, giai đoạn 2021 - 2024, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm được 3,39% so với đầu kỳ, bình quân giảm 1,13%/năm, đạt 113% so với kế hoạch (giảm bình quân 1%/năm). Cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh ở các địa bàn đặc biệt khó khăn đã được tăng cường; hộ nghèo được hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm, tăng thu nhập, tạo điều kiện tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, tiếp cận thông tin.

Từ những kết quả trên cho thấy, việc tiếp cận nghèo theo hướng đa chiều sẽ tạo cơ hội cho người nghèo được hưởng đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản. Thông qua phương pháp tiếp cận nghèo này, sẽ đánh giá được mức độ thay đổi các nhu cầu dịch vụ xã hội cơ bản của người dân tại từng địa phương. Từ đó xây dựng các chính sách cụ thể, đầu tư đúng và trúng theo từng vùng, lĩnh vực, từng bước giảm dần mức độ thiếu hụt giữa các vùng, nhóm dân cư.

 

 

 

Tin liên quan
Nội dung đang được cập nhật.