Tăng giờ làm thêm và quyền lợi người lao động

Đề xuất tăng giờ làm thêm với tất cả các ngành, nghề, bảo đảm không vượt quá 300 giờ/năm, đang nhận được sự quan tâm lớn của dư luận, đặc biệt với đông đảo người lao động.

Việc nới quy định về giờ làm thêm được đánh giá là giải pháp cho vấn đề thiếu hụt lao động do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, cùng với tăng giờ làm thêm, cần phải đặt quyền lợi người lao động lên hàng đầu, hướng đến tăng chất lượng nguồn nhân lực.

Nỗi lo chung của nhiều doanh nghiệp ở các lĩnh vực như dệt may, da giày, điện tử... là "đỏ mắt" tìm lao động. Làn sóng người dân hồi hương do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến nguồn nhân lực tại nhiều tỉnh, thành phố bị thiếu hụt, nhất là với các địa phương vốn tập trung đông khu công nghiệp, khu chế xuất. Nếu được điều chỉnh giờ làm thêm tối đa từ 40 giờ lên 72 giờ/tháng, không vượt quá 300 giờ/năm, không hạn chế nhóm, ngành, nghề, công việc như phương án Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề xuất, chủ sử dụng lao động có thể tăng ca, tận dụng được lực lượng lao động sẵn có. Điều này cũng góp phần giữ vững hoạt động sản xuất, kinh doanh, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng.

Từ 1-2-2022, lao động thời vụ không được làm thêm quá 12 giờ/ngày. Ảnh minh họa: TTXVN  

Về phía người lao động, tăng giờ làm thêm cũng đồng nghĩa với có điều kiện để tăng thu nhập, thêm nguồn lực trang trải chi phí cuộc sống. Để khuyến khích người lao động hăng say, nhiệt tình với công việc, tiền công làm thêm giờ phải được trả xứng đáng, vượt hơn hẳn so với mức lương thông thường. Khi kéo dài thời gian làm việc, dù trong hoàn cảnh nào, sức khỏe của con người sẽ bị ảnh hưởng. Do vậy, vấn đề bảo vệ sức khỏe của người lao động phải được đặt lên trên hết. Bên cạnh đó, cần coi trọng công tác phòng tránh bệnh nghề nghiệp, xây dựng môi trường làm việc an toàn. Dù có nguồn thu nhập tăng thêm nhưng nếu sức khỏe bị ảnh hưởng hoặc mắc bệnh nghề nghiệp thì thu nhập đó cũng không có ý nghĩa. Mỗi doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh cần xem nguồn nhân lực là tài sản quý giá nhất để chăm lo, vun đắp.

Vấn đề quan trọng nhất trong thỏa thuận giờ làm thêm giữa chủ sử dụng lao động và người lao động là phải trên tinh thần tự nguyện. Trong mọi trường hợp, người lao động phải được đối xử công bằng, bình đẳng, không vì lý do không muốn làm thêm giờ mà bị gây khó khăn, o ép hay thậm chí tìm cớ để sa thải. Điều này đặt ra yêu cầu cần có quy định chặt chẽ, chế tài nghiêm minh, trong đó chú trọng bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động. Đồng thời ràng buộc trách nhiệm cụ thể đối với chủ sử dụng lao động, bảo đảm việc làm thêm giờ là hoàn toàn tự nguyện giữa hai bên và không vượt quá thời gian theo quy định của pháp luật.

Cũng cần nhìn nhận thực tế hiện nay là năng suất lao động của nước ta còn ở mức thấp so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Chính vì vậy, việc tăng giờ làm không thể là giải pháp căn cơ để giải quyết bài toán hướng đến nền sản xuất hiện đại. Với những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, xu hướng tất yếu là lao động phổ thông sẽ dần bị thay thế bởi các dây chuyền tự động hóa và trí tuệ nhân tạo. Bắt nhịp với xu thế của thời đại, cùng với đầu tư máy móc, công nghệ, để nâng cao năng suất lao động cần chú trọng đào tạo kỹ năng, tay nghề, phát huy hơn nữa tinh thần sáng tạo của người lao động. Đây cũng là giải pháp trọng tâm để thực hiện thành công một trong ba đột phá chiến lược đã được Đảng ta xác định về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo nền tảng thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng hiệu quả, bền vững.

ĐỖ MẠNH HƯNG

Tags: qdnd
Lượt xem: 151
Tác giả: admin1