Tăng tốc đào tạo giáo viên cho chương trình mới

Đào tạo giáo viên cho Chương trình giáo dục phổ thông mới đang là vấn đề nan giải của ngành giáo dục khi chương trình tiếp tục được triển khai với lớp 3, 7 và 10 trong năm học này.

Tăng chỉ tiêu đào tạo giáo viên

Hiện nay, nhiệm vụ của các trường đại học, cao đẳng sư phạm rất nặng nề, khi vừa song song với việc bồi dưỡng lực lượng giáo viên hiện có còn vừa phải tăng tốc mở mới hoặc chuyển đổi ngành học đáp ứng nhu cầu xã hội, nhất là môn Âm nhạc và Mỹ thuật.

Đã từng băn khoăn vì cơ hội việc làm sau khi ra trường khi lựa chọn ngành Sư phạm mỹ thuật. Nhưng nay, sở hữu tấm bằng chuyên ngành mỹ thuật lại khiến em Đinh Thị Thu Linh, sinh viên Trường Đại học Sư phạm nghệ thuật Trung ương có thể xin được việc ngay khi vừa mới tốt nghiệp khiến em cảm thấy rất may mắn.

Cũng như Linh, vui cầm trên tay kết quả đại học, cơ hội làm việc rộng mở hơn và có nhiều cơ hội hơn đến với sinh viên Phạm Thị Yến Nhi, Trường Đại học Sư phạm nghệ thuật Trung ương. Yến Nhi chia sẻ: “Không chỉ khối tiểu học, mà nay khối trường THPT cũng đang rất cần giáo viên các môn nghệ thuật. Đó cũng là cơ hội cho chúng em cũng như học sinh cấp 3 định hướng được nghề của mình, đỡ bỏ lỡ cơ hội năng khiếu cũng như ước mơ”.

Tình trạng thiếu giáo viên đang diễn ra ở nhiều địa phương. 

Cơ hội rộng mở với giáo viên các môn nghệ thuật khi năm nay Âm Nhạc và Mỹ thuật bắt đầu được triển khai ở bậc THPT theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Để đáp ứng nhu cầu cấp thiết đội ngũ giáo viên lĩnh vực này các trường sư phạm cũng phải tăng tốc đào tạo. Thay vì 400 chỉ tiêu cho cả 2 ngành sư phạm Mỹ thuật và Âm nhạc như những năm trước, năm nay Trường Đại học Sư phạm nghệ thuật Trung ương đã tăng chỉ tiêu lên hơn gấp đôi là 900.

PGS, TS Đào Đăng Phượng, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm nghệ thuật Trung ương cho biết: “Gần như 100% trường học hiện không có giáo viên Âm nhạc và Mỹ thuật. Trong khi khối lượng sinh viên của trường ra trường chỉ đáp ứng được phần nào so với nhu cầu giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật trên toàn quốc. Đào tạo giáo viên không thể “ồ ạt” được ngay, cần căn cứ vào năng lực cơ sở vật chất của trường”.

Cùng với nghệ thuật, thiếu giáo viên dạy môn học tích hợp cũng đang là vấn đề nan giải của các trường THCS hiện nay. Là trường đầu tiên mở ngành đào tạo giáo viên tích hợp Tự nhiên và Lịch sử, Địa lý nhưng cũng phải 2 năm nữa Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) mới có lứa sinh viên đầu tiên tốt nghiệp. Vì thế, song song với đào tạo giáo viên mới thì trường cũng phải tham gia bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên hiện có để có thể dạy tích hợp.

Sinh viên Nguyễn Ngọc Liên, Trường Đại học Giáo dục chia sẻ: “Dạy học tích hợp không chỉ đơn thuần có chuyên môn mà kết hợp dạy phần môn khác. Đối với giáo viên, ban đầu có chút khó khăn do việc phải tìm hiểu sâu hơn những kiến thức thuộc các môn học khác. Tuy nhiên trong quá trình dạy học môn học của mình, giáo viên vẫn thường xuyên phải dạy những kiến thức có liên quan đến các môn học khác và vì vậy đã có sự am hiểu về những kiến thức liên môn đó.

PGS Nguyễn Chí Thành, Trưởng khoa Sư phạm, Trường Đại học Giáo dục cho biết hiện trường đã hợp tác bồi dưỡng giáo viên dạy môn học tích hợp cho cấp trung học cơ sở cho tỉnh Hưng Yên.

Các giải pháp tạm thời

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện cả nước thiếu tới hơn 5.000 giáo viên nghệ thuật để phục vụ cho chương trình giáo dục phổ thông mới. Dù đã có sự chuẩn bị nhưng các trường cũng chỉ đào tạo có hạn mức. Vì thế, trong lúc chờ các cử nhân sư phạm đầu tiên đào tạo theo chương trình mới tốt nghiệp, giải pháp tạm thời được đưa ra là sử dụng giáo viên cấp học dưới lên hay giảng viên từ cấp trên xuống.

Về vấn đề này, ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: Dù nỗ lực bằng nhiều giải pháp khác nhau nhưng việc thiếu giáo viên các bộ môn đặc thù khó có thể khắc phục trong một sớm, một chiều. Để an toàn trong năm đầu tiên triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ở bậc THPT, hầu hết các trường đều chưa đưa Âm nhạc và Mỹ thuật vào để học sinh lựa chọn.  

Ông Vũ Minh Đức thông tin: Trong nhiều năm qua, tình trạng thiếu giáo viên đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo hết sức quan tâm, phối hợp với các Bộ, Ngành và các địa phương để giải quyết như: Phối hợp với Bộ Nội vụ tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết số 102/2020/NQ-CP về giải pháp đối với biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế, trong đó cho phép các cơ sở giáo dục được ký hợp đồng lao động (dưới 12 tháng) để kịp thời thay cho số giáo viên nghỉ thai sản, nghỉ hưu theo chế độ và để bố trí giáo viên dạy buổi thứ 2 trong ngày (đối với cơ sở giáo dục dạy 2 buổi/ngày); tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 24/2021/NĐ-CP tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông thực hiện công tác xã hội hóa một cách linh hoạt theo điều kiện thực tế của địa phương; ban hành Thông tư số 24/2020/TT-BGDĐT quy định việc sử dụng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục chưa đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo nhằm cụ thể hóa về việc bố trí, sử dụng đối tượng này để bảo đảm chất lượng giáo dục nhưng không làm xáo trộn việc giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện tinh giản biên chế cho viên chức ngành Giáo dục, chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, rà soát biên chế và chuẩn bị đội ngũ giáo viên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018; chỉ đạo các cơ sở đào tạo giáo viên mở mã ngành đào tạo các môn học mới và các ngành đào tạo giáo viên dạy liên môn; tăng cường sự liên hệ, kết nối với cơ quan quản lý giáo dục và cơ sở giáo dục ở các địa phương nhằm xác định nhu cầu sử dụng giáo viên cụ thể theo từng trình độ, môn học, cấp học để có kế hoạch tuyển sinh và đào tạo, bồi dưỡng giáo viên một cách phù hợp, bảo đảm về số lượng, chất lượng và cơ cấu từng môn học, cấp học.

Đặc biệt, trong năm 2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Bộ Nội vụ đề xuất Chính phủ bổ sung biên chế giáo viên và đã được Bộ Chính trị đồng ý bổ sung thêm gần 66.000 biên chế giáo viên trong giai đoạn 2022- 2026; trong đó năm học 2022-2023 bổ sung 28.750 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông.

Bài, ảnh: KHÁNH HÀ

 

Tin liên quan
Nội dung đang được cập nhật.