Thái Bình tăng 2 bậc trên bảng xếp hạng Chỉ số SIPAS

Trong năm 2023, Thái Bình tăng 2 bậc trên bảng xếp hạng Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (Chỉ số SIPAS)

Thời gian qua, Thái Bình luôn coi cải cách hành chính, lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp là “thước đo” đánh giá năng lực của cán bộ công chức thuộc các sở, ngành. Điều này luôn được thể hiện bằng sự chỉ đạo xuyên suốt, toàn diện của các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Bình. Theo đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Bình thường xuyên tổ chức Hội nghị gặp gỡ, trao đổi với trưởng phòng và tương đương của một số cơ quan, đơn vị và địa phương về công tác cải cách hành chính và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Những hội nghị này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thể hiện sự quan tâm sâu sát của các đồng chí lãnh đạo tỉnh đối với vị trí, vai trò của lãnh đạo cấp phòng các sở, ban, ngành và địa phương trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đồng thời nắm bắt tình hình thực tế ở cơ sở, những khó khăn, vướng mắc trên cơ sở đó đề ra các giải pháp nhằm tạo thuận lợi cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp phòng thực hiện các nhiệm vụ được giao, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thái Bình tăng 2 bậc trên bảng xếp hạng Chỉ số SIPAS
Bí thư Tỉnh ủy Ngô Đông Hải và lãnh đạo UBND tỉnh Thái Bình luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp - Ảnh minh họa: Thaibinh.gov

Chính sự vào cuộc quyết liệt, sâu sát của cán bộ các cấp, trong năm 2023, Thái Bình đã vươn lên đứng thứ 11/63 tỉnh thành trên bảng xếp hạng Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2023 (chỉ số SIPAS). Với 85,80% người dân đều hài lòng về sự phục vụ của cán bộ công chức trong giải quyết thủ tục hành chính đã đưa Thái Bình tăng 2 bậc so với năm 2022. Trước đó, trong năm 2022, Thái Bình xếp thứ 13/63 tỉnh, thành phố trên cả nước với 83,13% người dân hài lòng.

Những con số trong bảng xếp hạng Chỉ số SIPAS năm 2023 đã phần nào minh chứng cho sự nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ, HĐND tỉnh, các sơ, ngành và nhân dân tỉnh Thái Bình đưa “quê hương năm tấn” tiến nhanh, tiến xa. Điều này đã được thể hiện bằng những kết quả cụ thể: Trong năm 2023, tổng sản phẩm (GRDP, theo giá so sánh năm 2010) trên địa bàn tỉnh Thái Bình tăng 7,37% so với năm 2022 (tăng gấp 1,5 lần so với bình quân chung của cả nước, xếp thứ 7/11 tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 20/63 tỉnh, thành phố).

Thái Bình tăng 2 bậc trên bảng xếp hạng Chỉ số SIPAS
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận họp với các sở, ngành nhằm triển khai đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI). Chính chỉ số DDCI sẽ là thước đo đánh giá sự hài lòng của doanh nghiệp và góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh - Ảnh: Văn Đạt

Đặc biệt, năm 2023, công tác xúc tiến, thu hút đầu tư được quan tâm chỉ đạo quyết liệt, nhờ vậy, Thái Bình có bứt phá và gia nhập nhóm “tỷ đô” về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Trong năm 2023, thu hút vốn đầu tư của tỉnh đạt hơn 98.256 tỷ đồng, gấp 4,6 lần so với cùng kỳ năm trước; trong đó, thu hút đầu tư FDI cán mốc gần 3 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay, xếp thứ 5 toàn quốc.

Đáng chú ý, tiếp nối các thành quả đã đạt được trong Quý 1/2024, tổng thu nội địa trên địa bàn tỉnh là 1.899,6 tỷ đồng, đạt 22,1% dự toán, bằng 102,9% cùng kỳ năm 2023, trong đó thu tiền sử dụng đất 520,8 tỷ đồng, đạt 14% dự toán; thu từ thuế và phí thực hiện 1.378,7 tỷ đồng, đạt 28,4% dự toán, tăng 12,2% so với cùng kỳ. Các địa phương có tỷ lệ thu tiền sử dụng đất đạt khá so với dự toán là Kiến Xương (đạt 47%), Quỳnh Phụ (đạt 27%).

Thái Bình tăng 2 bậc trên bảng xếp hạng Chỉ số SIPAS
Hệ thống thông tin cải cách thủ tục hành chính của Thái Bình được đăng tải công khai, đáp ứng tận tình nhu cầu của người dân

Cùng với đó, đến ngày 21/3/2024, đã chấp thuận, điều chỉnh chủ trương đầu tư, cấp, điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 30 dự án với tổng số vốn đăng ký 4.503,9 tỷ đồng (gấp 3,3 lần so với cùng kỳ), trong đó vốn FDI đạt 139,3 triệu USD; thực hiện cấp mới giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 232 doanh nghiệp (giảm 2,52%), vốn đăng ký 2.204 tỷ đồng (tăng 49%) và 100 chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh (tăng 33,3%)... Tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn ước đạt 15.032 tỷ đồng, tăng 20,4% so với cùng kỳ.

Chủ động nắm bắt thời cơ, phát huy tối đa các nội lực, trong quý 2/2024, Thái Bình tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư, nhất là các tập đoàn lớn, có thương hiệu. Chuẩn bị các điều kiện để thu hút đầu tư và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư vào tỉnh; tổ chức đoàn công tác của tỉnh đi xúc tiến đầu tư tại nước ngoài. Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng khu, cụm công nghiệp và các tuyến giao thông kết nối quan trọng để thu hút đầu tư. Tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt và khó khăn, vướng mắc trong thu hút đầu tư, đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh. Tiếp tục phát triển các loại hình doanh nghiệp, các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; đồng thời thực hiện hiệu quả cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Tăng cường giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; chỉ đạo triển khai có hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ sau các hội nghị về xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại...

 

 
Lượt xem: 4
Tác giả: Thụy Anh
Tin liên quan
Nội dung đang được cập nhật.