Thanh tra, kiểm tra tất cả các khâu trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022

Bộ GD&ĐT ban hành hướng dẫn thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022, đảm bảo nghiêm túc, chặt chẽ, công bằng, không để xảy ra sai sót, tiêu cực.

Theo Giáo dục Việt Nam, mới đây Bộ GD&ĐT ban hành văn bản số 2188/BGDĐT-TTr hướng dẫn thanh tra, kiểm tra kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2022.

Theo đó, nội dung thanh tra, kiểm tra gồm: Công tác chuẩn bị tổ chức thi, công tác coi thi, công tác chấm bài thi tự luận, công tác chấm bài thi trắc nhiệm, công tác phúc khảo bài thi, công tác xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông.

Người tham gia thanh tra, kiểm tra cần có trình độ chuyên môn phù hợp với yêu cầu và nhiệm vụ của thanh tra giáo dục, từng dự tập huấn và nắm vững quy chế thi, nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra thi và đạt yêu cầu bài kiểm tra đánh giá.

Đặc biệt, điều kiện, tiêu chuẩn của người tham gia thanh tra, kiểm tra yêu cầu phải có phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, công minh, khách quan.

Giáo dục - Thanh tra, kiểm tra tất cả các khâu trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022

Công tác thanh tra, kiểm tra cần đảm bảo nghiêm túc, chặt chẽ, công bằng, khách quan. Ảnh minh họa.

Thông tin trên TTXVN, Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm toàn diện về kỳ thi, tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra các khâu của kỳ thi theo thẩm quyền. Ủy ban Nhân dân tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về kỳ thi trên địa bàn, tổ chức thanh tra, kiểm tra tất cả các khâu của kỳ thi theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, Thanh tra Chính phủ và các quy định pháp luật, bảo đảm an toàn, nghiêm túc, không để xảy ra sai sót, tiêu cực, vi phạm Quy chế thi.

Hoạt động thanh tra, kiểm tra phải linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế; bảo đảm tính độc lập, không bỏ sót, không tạo kẽ hở, khoảng trống, không bị động.

Việc tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra thi hạn chế tối đa việc chồng chéo; điều động cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng làm nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra phù hợp, khách quan, hạn chế tối đa việc bố trí cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng của địa phương làm việc trực tiếp tại địa phương.

Ban Chỉ đạo cấp quốc gia thành lập 5 đoàn kiểm tra công tác chỉ đạo, chuẩn bị thi, tổ chức các khâu trong kỳ thi của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, Sở GD&ĐT, Hội đồng thi. Trưởng đoàn kiểm tra là Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, lãnh đạo Ban Chỉ đạo cấp quốc gia.

Ban Chỉ đạo cấp tỉnh tổ chức các đoàn kiểm tra công tác chỉ đạo, chuẩn bị, tổ chức coi thi, chấm thi, phúc khảo bài thi và xét tốt nghiệp Trung học Phổ thông tại địa phương.

Cụ thể đối với công tác chuẩn bị thi, Bộ GD&ĐT thành lập 10 đoàn kiểm tra tại 20 Sở GD&ĐT (không tính các đoàn của Ban Chỉ đạo cấp quốc gia) theo 3 miền Bắc, Trung, Nam.
Các Sở GD&ĐT bố trí 1 cán bộ làm nhiệm vụ giám sát tại vòng 2 khu vực in sao đề thi; thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại các Điểm thi, các trường Trung học Phổ thông, trung tâm Giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục đặt Điểm thi chính thức, dự phòng trên địa bàn tỉnh và khu vực in sao đề thi.

Đối với công tác coi thi, Bộ GD&ĐT thành lập 63 đoàn kiểm tra tại 63 Sở GD&ĐT (không tính các đoàn của Ban Chỉ đạo cấp quốc gia); kiểm tra trực tiếp các các Hội đồng thi, Ban Coi thi, Điểm thi.

Số lượng cán bộ tối thiểu làm nhiệm vụ kiểm tra trực tiếp trong thời gian coi thi tại 1 điểm thi thực hiện theo nguyên tắc: Dưới 20 phòng thi bố trí 2 cán bộ; từ 20-34 phòng thi bố trí 3 cán bộ; từ 35 phòng thi trở lên bố trí 4 cán bộ.

Bên cạnh đó, Thanh tra Bộ GD&ĐT, Thanh tra Sở GD&ĐT ở địa phương chuẩn bị lực lượng để thành lập các đoàn kiểm tra, thanh tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm hoặc theo phản ánh, chỉ đạo của lãnh đạo; dự phòng tình huống xảy ra thiên tai, dịch bệnh.

Trúc Chi (theo TTXVN, Giáo Dục Việt Nam)

Lượt xem: 96
Nguồn:nguoiduatin.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan
Nội dung đang được cập nhật.