Thu ngân sách của Thanh Hóa quý I đạt 12.572 tỉ đồng
Thu ngân sách quý I/2025 của Thanh Hóa có nhiều khởi sắc nhưng vẫn còn không ít khó khăn.
Theo ông Ngô Đình Hùng - Phó Chi cục Trưởng Chi cục Thuế khu vực X, thu ngân sách Thanh Hóa giảm so cùng kỳ do Lọc hóa dầu Nghi Sơn giảm công suất. Ảnh: Trần Lâm
Ngày 1.4, dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Doãn Anh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa tổ chức hội nghị lần thứ 40, khóa XIX nhằm đánh giá tình hình quý I; nhiệm vụ trọng tâm quý II năm 2025 và một số nội dung quan trọng khác.
Quý I/2025, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa vẫn giữ vững ổn định và đạt kết quả quan trọng. Thu ngân sách Nhà nước ước đạt 12.572 tỉ đồng; huy động vốn đầu tư phát triển ước đạt 31.909 tỉ đồng.
Đánh giá về số thu ngân sách, ông Ngô Đình Hùng, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Thuế khu vực X cho hay, quý đầu năm, thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt 12.572 tỉ đồng, bằng 86,2% so với cùng kỳ và 27,6% dự toán.
Sự sụt giảm này có nguyên nhân quan trọng đến từ việc giảm công suất của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Trước đó, quý I cùng kỳ, sau khi hoàn thành bảo dưỡng tổng thể, nhà máy đã vận hành tới gần 120% công suất thiết kế để bù đắp sản lượng xăng dầu cho cả nước khi Nhà máy Lọc hóa dầu Bình Sơn tiến hành bảo dưỡng. Cùng với đó, giá dầu thô giảm đã ảnh hưởng đến nguồn thu thuế giá trị gia tăng từ nhập khẩu dầu thô.
Thu tiền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh trong quý I cũng mới chỉ đạt khoảng 14% dự toán năm. Cùng với đó, các chính sách tài khóa, giảm thuế giá trị gia tăng 2% đến hết năm 2026, giảm thuế bảo vệ môi trường... sẽ tiếp tục tác động đến nguồn thu này.
Trong thời gian tới, chính sách về thuế quan của các quốc gia tiếp tục tác động chung đến hoạt động xuất nhập khẩu; các sản phẩm công nghiệp truyền thống của tỉnh như bia, thuốc lá, thép... vẫn gặp nhiều khó khăn. Trong bối cảnh công suất Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn giảm so với năm 2024 sẽ khiến thu ngân sách trên địa bàn gặp nhiều thách thức để đạt được dự toán đề ra.
Theo ông Ngô Đình Hùng, để khai thác tốt dư địa nguồn thu cho ngân sách Nhà nước trước mắt và lâu dài, tỉnh và các cấp, ngành cần tiếp tục quyết liệt hơn trong tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất; tạo điều kiện thuận lợi cho DN tiếp cận vốn phát triển sản xuất, kinh doanh; tiếp tục đẩy mạnh công tác đấu giá đất. Cùng với đó, giải pháp quan trọng hàng đầu là cần vào cuộc mạnh mẽ trong việc tháo gỡ khó khăn cho các dự án đang đầu tư, sớm đưa vào vận hành khai thác và thu hút dự án mới.
Liên quan đến phát triển kinh tế trong tỉnh, ông Lê Quang Hùng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Tài chính cho rằng, bước vào thực hiện nhiệm vụ năm 2025, tỉnh Thanh Hóa đã gặp rất nhiều khó khăn, trong khi, một bộ phận cán bộ, công chức ở cấp huyện, xã có tâm lý làm việc cầm chừng khi thực hiện chủ trương sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy... đã ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ chung của tỉnh.
Một trong những hạn chế, yếu kém trong quý I/2025 được ông Hùng chỉ ra là tiến độ lập, trình phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất năm 2025 cấp huyện còn chậm. Theo báo cáo, đến nay vẫn còn 21/26 huyện, thị xã, thành phố chưa được phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất năm 2025. Tình trạng này đã ảnh hưởng tiêu cực đến việc triển khai các dự án đầu tư do vướng các thủ tục pháp lý về đất đai, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.