Thu phí trên cao tốc Nhà nước đầu tư, lo ngại “phí chồng phí”

Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội đề nghị đánh giá kỹ sự cần thiết, tính khả khi khi quy định thu phí với phương tiện lưu thông trên cao tốc do Nhà nước đầu tư, sở hữu, quản lý và khai thác.

Article thumbnail
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Lê Tấn Tới. Ảnh: P.Thắng

Thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng trình bày tờ trình về Dự án Luật Đường bộ trước Quốc hội sáng ngày 10/11.

Trên cơ sở tổng kết Luật Giao thông đường bộ năm 2008, Chính phủ xây dựng 2 dự án luật gồm: Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Dự thảo Luật Đường bộ gồm 6 chương với 92 điều. So với Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã chuyển 3 chương sang Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (gồm chương: quy tắc giao thông đường bộ, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ, phương tiện tham gia giao thông đường bộ).

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, dự thảo luật đã bổ sung nhiều quy định mới. Trong đó, đã bổ sung quy định thu phí sử dụng đường cao tốc đối với phương tiện lưu thông trên tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, sở hữu, quản lý và khai thác.

Đường cao tốc được dự thảo luật quy định là: một cấp kỹ thuật của đường bộ, chỉ dành cho xe cơ giới, có dải phân cách phân chia hai chiều xe chạy riêng biệt, không giao nhau cùng mức với một hoặc các đường khác, được bố trí hàng rào bảo vệ, trang thiết bị phục vụ, bảo đảm giao thông liên tục, an toàn, rút ngắn thời gian hành trình, chỉ cho xe ra, vào ở những điểm nhất định.

 Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng. Ảnh: P.Thắng

Thẩm tra nội dung này, theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Lê Tấn Tới, một số ý kiến cho rằng, dự thảo luật quy định phí sử dụng đường bộ thu qua phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và phí sử dụng đường cao tốc thu với phương tiện lưu thông trên tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, sở hữu, quản lý và khai thác có thể dẫn tới “thu trùng các loại phí liên quan đến đường bộ”.

Thêm nữa, dự thảo luật quy định điều khoản chuyển tiếp giao Chính phủ thẩm quyền quyết định việc xử lý thu "phí chồng phí" là chưa bảo đảm minh bạch về chính sách.

“Ủy ban Quốc phòng An ninh cho rằng, việc thu phí, quản lý, sử dụng phí phải đúng nguyên tắc, quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước, vừa tạo nguồn lực để phát triển, duy trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ, vừa khuyến khích phát triển, thúc đẩy hoạt động vận tải đường bộ và góp phần điều tiết kinh tế vĩ mô”, ông Tới nói.

Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị xem xét, đánh giá kỹ sự cần thiết, tính khả thi và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Xây dựng các trung tâm quản lý, chỉ huy giao thông phải tránh chồng chéo, lãng phí

Điểm mới nữa, dự thảo luật bổ sung quy định thành lập Trung tâm quản lý, điều hành đường cao tốc quốc gia và Trung tâm quản lý, điều hành giao thông tuyến.

Nhưng theo ông Tới, có ý kiến băn khoăn về sự cần thiết thành lập 2 trung tâm này. Để tránh gây tốn kém chi phí đầu tư và thực hiện quản lý vận hành, bảo trì từ ngân sách nhà nước, Ủy ban Quốc phòng An ninh đề nghị nghiên cứu chỉ bố trí trung tâm quản lý điều hành đường cao tốc theo tuyến và được kết nối với trung tâm chỉ huy giao thông của lực lượng cảnh sát giao thông, các trung tâm khác.

Cơ quan thẩm tra còn đề nghị làm rõ chức năng, nhiệm vụ, hạ tầng kỹ thuật… của Trung tâm quản lý, điều hành đường cao tốc quốc gia.

Vấn đề nữa, trong Dự thảo Luật Đường bộ bổ sung quy định về Trung tâm quản lý hệ thống giao thông thông minh. Trong khi, Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định Trung tâm chỉ huy giao thông. Cả 2 trung tâm này đều là nơi “thu thập, lưu trữ, phân tích và xử lý dữ liệu”.

Do đó, có ý kiến đề nghị làm rõ chức năng, nhiệm vụ và các thông tin cần thu thập, lưu trữ, phân tích, xử lý dữ liệu của hai trung tâm để tránh trùng lặp, chồng chéo về nhiệm vụ và lãng phí về nguồn lực, bảo đảm tính thống nhất giữa hai dự thảo luật.

Ý kiến khác thì đề nghị quy định một trung tâm quản lý điều hành giao thông cấp quốc gia và cấp tỉnh, còn chức năng khác thì bổ sung để dùng chung, liên thông, tích hợp, chia sẻ dữ liệu, tránh lãng phí. Đồng thời, cần có lộ trình thực hiện, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trước khi đầu tư.

“Ủy ban Quốc phòng An ninh đề nghị nghiên cứu các ý kiến trên để xây dựng các trung tâm quản lý, trung tâm chỉ huy giao thông tránh chồng chéo, lãng phí”, ông Lê Tấn Tới nhấn mạnh.

Sau khi nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra, Quốc hội thảo luận tại tổ Dự án Luật Đường bộ.

Tin liên quan
Nội dung đang được cập nhật.