Đã đến lúc bỏ độc quyền kinh doanh vàng

Trong tuần qua, giá vàng trong nước vượt mốc 70 triệu đồng/lượng, còn vàng nhẫn lên 57,55 triệu đồng/lượng mức cao nhất trong hơn một năm trở lại đây. Giá vàng trong nước tăng cao cũng là lúc khoảng cách với vàng thế giới càng nới rộng.

Chêch lệch vàng trong nước và thế giới hàng chục triệu đồng

Trên thị trường quốc tế, giá vàng giao dịch quanh 1.876 USD/ounce, tăng khoảng 15 USD/ounce so với trước đó. Theo chuyên gia Trần Duy Phương, Giám đốc của công ty vàng bạc đá quý Golden Fund – một trong những công ty hàng đầu trong lĩnh vực kinh doanh vàng bạc, kim cương tại Việt Nam, giá vàng thế giới biến động do xung đột tại Trung Đông, từ đó đẩy giá vàng trong nước đi lên. Vàng vốn được xem là tài sản tích trữ an toàn của người dân. Không những thế, đối với các nhà đầu tư thì vàng còn được coi là một kênh đầu tư hiệu quả, an toàn và ổn định bên cạnh các kênh đầu tư khác với biên độ biến động lớn hơn như bất động sản và chứng khoán.

Giá vàng trong nước tăng cao trong thời gian vừa qua. Ảnh: Hải Linh

Giá vàng trong nước tăng cao trong thời gian vừa qua. Ảnh: Hải Linh

Giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 8, giá vàng trong nước đi ngang dù thế giới biến động và có lúc lên gần 2.000 USD một ounce. Tuy nhiên, 3 tháng gần đây, giá vàng miếng trong xu hướng đi lên và đã tăng gần 3 triệu đồng/lượng, tương đương mức tăng khoảng 4,4%. Với mức điều chỉnh liên tục từ đầu tuần đã đưa thương hiệu SJC nới rộng với vàng thế giới lên gần 14,45 triệu đồng mỗi lượng. Theo ông Trần Duy Phương, đây là khoảng cách rất lớn, bị chi phối bởi tâm lý khách hàng, và sự độc quyền trong nhập khẩu và sản xuất vàng miếng thương hiệu SJC.

Chênh lệch quá lớn giữa giá bán vàng miếng SJC so với giá vàng thế giới quy đổi cũng là bất lợi cho người mua lúc này. Cùng với đó, chênh lệch giá mua vào - bán ra tiếp tục duy trì ở mức cao, dao động từ 700.000 - 900.000 đồng/lượng.

Vàng SJC “một mình một chợ”, kiến nghị bỏ quy định độc quyền vàng miếng

Giá vàng trong nước đã trải qua nhiều biến động trong những năm gần đây, đặc biệt là có sự chênh lệch rất lớn giữa giá vàng miếng SJC trong nước và giá vàng thế giới. Nếu xem khoảng cách giữa giá trong nước và thế giới là một "thước đo" cho sự chênh lệch cung - cầu vàng trong nước có thể thấy thị trường vẫn đang bị thiếu cung.

Như vậy, nếu kịch bản này còn kéo dài, thì với xu hướng tăng của giá vàng SJC như hiện nay, thời gian tới sự chênh lệch giá vàng giữa hai thị trường sẽ bị nới rộng thêm. Thực tế, sự chênh lệch giữa giá vàng SJC và giá vàng thế giới đã có lúc lên đến đỉnh điểm gần 20 triệu đồng mỗi lượng. Tuy nhiên, hiện chỉ có giá vàng SJC luôn cao hơn, còn giá vàng nhẫn 9999 bám khá sát với biến động của giá vàng thế giới.

Chuyên gia Hiệp hội Kinh doanh vàng Nguyễn Thế Hùng cho rằng, thị trường vàng trong nước bao gồm 2 loại sản phẩm chính, gồm: vàng SJC độc quyền thương hiệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và vàng dưới dạng trang sức, đóng vỉ của các DN khác.

Theo ông Hùng, từ năm 2014 đến nay, NHNN không đưa thêm vàng ra thị trường, chưa kể vàng miếng SJC trong lưu thông thậm chí còn được chuyển hóa để phục vụ cho sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Do nguồn cung bị giảm, giá vàng trên thị trường thế giới tăng cao, các DN lại phòng thủ, dự trữ vàng nên giá vàng miếng SJC ngày càng bị đẩy lên.

TS Ngô Trí Long phân tích: "Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng của NHNN đã góp phần tạo sự ổn định thị trường vàng, nhưng một số quy định trong nghị định này không còn phù hợp. Thị trường vàng SJC đang "một mình một chợ" và nảy sinh nhiều bất cập.

Liên tiếp thời gian qua các cơ quan chức năng đã triệt phá nhiều đường dây buôn lậu vàng, song đó mới chỉ giải quyết được phần ngọn. Bởi nguyên nhân của tình trạng này chính là việc giá vàng trong nước vẫn chênh lệch cao hơn rất nhiều so với giá thế giới. Thị trường vàng trong nước đã “đóng cửa” suốt gần chục năm nay, không có sự liên thông với thế giới, dẫn tới mất cân đối trong cung - cầu".

Theo các chuyên gia, đã đến lúc, NHNN sửa Nghị định 24. Theo đó, NHNN nên khảo sát đầy đủ để bình ổn thị trường, làm cho giá vàng trong nước sát với giá vàng thế giới, tránh tình trạng vàng lậu. "Cần tăng nguồn cung cho thị trường theo hướng hủy bỏ quy định NHNN độc quyền sản xuất vàng miếng và không sử dụng một loại vàng miếng SJC làm thương hiệu độc quyền như hiện nay để bảo vệ quyền lợi người mua vàng”- ông Nguyễn Thế Hùng nói.

Sắp có biện pháp quản lý thị trường vàng?

Tại buổi làm việc của NHNN với các tổ chức tín dụng (TCTD), DN kinh doanh vàng về công tác quản lý thị trường vàng tháng 7 năm ngoái, Tổng Giám đốc Công ty SJC Lê Thúy Hằng cho biết, số lượng vàng trên thị trường còn rất ít, bởi có những năm, những thời điểm, giá nguyên liệu và giá vàng SJC thấp hơn hoặc bằng giá thị trường, các thương hiệu trong nước dùng vàng miếng của SJC để sản xuất nhẫn và nữ trang.

Đặc biệt, năm 2019, thị trường vàng xuất khẩu đi nước ngoài rất nhiều nên lượng vàng SJC trên thị trường hiện nay còn rất ít. Nguồn cung hiện tại không có, trong khi nhu cầu thị trường tăng, do vậy tạo ra độ chênh về giá so với vàng thế giới. Về giá vàng trên thị trường, bà Hằng khẳng định, SJC không phải đơn vị thao túng hay làm giá vì giá vàng do cung - cầu của thị trường quyết định.

Trong khi đó, GS. TS. Hoàng Văn Cường (Đại học Kinh tế quốc dân) cho rằng, dù không thao túng hay làm giá thì việc SJC là đơn vị duy nhất được lựa chọn sản xuất vàng miếng sẽ tạo ra thế độc quyền cho một thương hiệu.

“Đây là vấn đề cần tính đến, phải tạo ra sự cạnh tranh, tránh việc tạo ra một thương hiệu, một sản phẩm vượt trội hơn những sản phẩm, thương hiệu khác, có như vậy thì thị trường sẽ phát triển lành mạnh hơn” - ông Cường nêu ý kiến.

Trong báo cáo gửi Quốc hội đầu tháng 5/2023, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã thông tin về tổng kết, đánh giá tình hình triển khai thực hiện Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Theo đó, NHNN cho biết đã tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra trên cả nước để chấn chỉnh hoạt động kinh doanh vàng, xử lý các vi phạm theo thẩm quyền, yêu cầu khắc phục tồn tại phát hiện sau kiểm tra, thanh tra.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong tháng 11/2022, NHNN tiến hành lấy ý kiến 63 NHNN chi nhánh các tỉnh, TP về đánh giá, tổng kết Nghị định 24/2012/NĐ-CP. Trên cơ sở đó, NHNN sửa dự thảo báo cáo đánh giá, tổng kết Nghị định.

Tháng 2 năm 2023, NHNN đã gửi xin ý kiến các bộ, ngành liên quan và Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam (đến cuối tháng 5/2023, NHNN đã nhận được đầy đủ các ý kiến). Đầu tháng 6, NHNN và Bộ Tư pháp đã có buổi trao đổi trực tiếp với một số hiệp hội kinh doanh vàng để tìm hiểu kinh nghiệm quản lý thị trường vàng tại một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. "Trong thời gian tới, NHNN sẽ tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành và Hiệp hội kinh doanh vàng và xây dựng Tờ trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tổng kết Nghị định 24 trong năm 2023"- Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định trong báo cáo. 

Giá USD tăng thời gian qua ảnh hưởng đến giá vàng, song biến động của tỷ giá không quá lớn, do đó nguyên nhân chính khiến giá vàng SJC cao kỷ lục từ đầu năm đến nay là do yếu tố tâm lý. Nguồn cung khan hiếm cũng dẫn tới giá vàng trong nước tăng, chênh lệch lớn với giá thế giới. Sửa Nghị định 24/2012/NĐ-CP để bình ổn thị trường, sát với thế giới, tránh tình trạng vàng lậu và độc quyền.
Cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Singapore, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam Huỳnh Trung Khánh

Lượt xem: 6
Nguồn:kinhtedothi.vn Sao chép liên kết